Mạnh tay với vi phạm khai thác khoáng sản
Với 11 đầu mục cần kiểm tra như giấy phép khai thác, sản lượng, trữ lượng, trạm cân, mốc giới, ranh giới…, cho thấy sự quyết liệt của UBND tỉnh Nghệ An trong xử lý vấn nạn khai thác khoáng sản.
Liên tục xử phạt
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản, với thời gian đình chỉ dài, số tiền phạt lớn. Tại huyện Nam Đàn, với hành vi khai thác vượt công suất, HTX Lam Sơn Đại Thành đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng. Khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vào cuộc kiểm tra thực tế, đồng thời, đối chiếu với hóa đơn thuế, mới phát hiện trong năm 2020, HTX Lam Sơn Đại Thành đã khai thác vượt 80,8% công suất cho phép, năm 2021 vượt 171,6% công suất được phép khai thác hàng năm. Như vậy, HTX này đã khai thác vượt mức cho phép trong suốt 2 năm nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không phát hiện ra.
Tại huyện Thanh Chương, Công ty CP khai thác cát, sạn và vận tải Thanh Chương đã khai thác cát vượt mức cho phép 211,2% trong năm 2020, năm 2021, công ty này vượt 208,6% công suất được phép khai thác hàng năm. Với hành vi này, doanh nghiệp đã bị xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng.
Tại huyện Đô Lương, gần đây cũng xảy ra tình trạng khai thác cát vượt mức cho phép. Tháng 9/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hoàng Nguyên 300 triệu đồng vì hành vi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm. Cụ thể, qua kiểm tra, trong năm 2021, mức được phép khai thác là 23.920m3 nhưng công ty này đã khai thác 30.751,5m3, vượt 28,5% công suất, khối lượng vượt là 6.831m3.
Tại huyện Nghi Lộc, vào đầu tháng 4/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác đất tại khu vực điểm mỏ núi Dứa thuộc xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc của Công ty TNHH Đông Nam. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 4 phương tiện (gồm 2 máy đào bánh xích và 2 xe ô tô tải) đang có dấu hiệu hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản đất ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép. Theo Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp phép cho Công ty TNHH Đông Nam thì tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã khai thác vượt trữ lượng cho phép hơn 300 nghìn m3 khoáng sản (đất)…
Tỉnh quyết liệt, huyện chần chừ?
Liên quan đến vấn đề này, cuối tháng 2/2023, UBND tỉnh Nghệ An giao nhiệm vụ, chỉ đạo UBND cấp huyện kiểm tra chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, cụ thể là tại các mỏ cát sỏi, đất các loại… Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có văn bản số 1435/STNMT-KS ngày 13/3/2023 hướng dẫn UBND các huyện để thực hiện. Theo văn bản này, nội dung kiểm tra bao gồm tất cả các lĩnh vực: Khoáng sản, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, thiết kế mỏ, sử dụng lao động và an toàn lao động; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế đối với Nhà nước; và kết quả khắc phục các hạn chế, vi phạm trong hoạt động khoáng sản theo kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Tỉnh quyết liệt là thế, tuy nhiên đối với cấp huyện đến nay vẫn còn rất chậm. Việc triển khai nhiệm vụ vẫn còn chần chừ, chưa thực sự quyết liệt. Với huyện Nghi Lộc, theo lãnh đạo phòng TNMT, sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của Sở TNMT, vào đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện đã tiến hành ra Quyết định thành lập đoàn kiểm tra. Theo Quyết định này thì có 10 đơn vị, doanh nghiệp nằm trong diện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản. “Theo dự kiến, sang tháng 6, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra các đơn vị nêu trong Quyết định” - ông Nguyễn Phú Đồng - Phó phòng TNMT huyện Nghi Lộc cho biết.
Trong khi đó, tại huyện Quỳnh Lưu, đến nay chưa thành lập đoàn kiểm tra. Theo ông Nguyễn Minh Thành - Trưởng phòng TNMT, trước khi có văn bản hướng dẫn 1435 của Sở thì vào năm 2022, huyện Quỳnh Lưu cũng đã thành lập 1 đoàn kiểm tra. Trong đó, có 3 đơn vị khai thác cát bị kiểm tra, nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành một đơn vị, và đang đề nghị tỉnh xử lý. Nói về việc chậm quyết liệt trong triển khai chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của Sở TNMT, ông Thành cho rằng: Do thời gian qua, địa phương có nhiều công trình phải giải phóng mặt bằng, số lượng cán bộ hạn chế, nên việc kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản chưa sát.
Liên hệ với Phòng TNMT 2 huyện Anh Sơn và Đô Lương - những địa phương có mỏ cát lớn nhất tỉnh Nghệ An, chúng tôi đều chưa nhận được câu trả lời.