Bẫy ngầm của đa cấp biến tướng
Đa cấp biến tướng là bóng ma ám ảnh nhiều gia đình. Gần đây, nó lại “giăng bẫy” dẫn dụ không ít công nhân ở các khu công nghiệp. Hàng hóa được các nhóm đa cấp biến tướng quảng cáo là phân phối độc quyền bởi các công ty, lợi nhuận cao trong khi chỉ phải đóng tiền “thế chân” ít. Trong bối cảnh khó khăn về việc làm, thu nhập, không ít công nhân đã sa bẫy, từ đó phải tìm tới tín dụng đen.
Sau khi đã tham gia bán hàng, nếu không có tiền đầu tư tiếp, nhân viên của các nhóm đa cấp biến tướng sẽ dẫn dắt công nhân cách vay tiền qua ứng dụng hoặc vay tiền của băng nhóm tín dụng đen. Khi người tham gia xin nghỉ, không tiếp tục do mất khả năng chi trả thì bị đe dọa, khủng bố...
Có thể nêu một ví dụ. Trong lúc thất nghiệp, chị Th. được một người quen dẫn đến cơ sở đa cấp biến tướng ở khu dân cư Dương Hồng (huyện Bình Chánh, TPHCM) để xin việc. Sau khi đóng 11 triệu đồng tiền "giữ chân", chị Th. được giới thiệu đầu tư gói hàng 130 triệu đồng. Do không có tiền, nhân viên cơ sở này giới thiệu chị Th. cách vay tiền. Sau đó, chị Th. vay được của một công ty tài chính 50 triệu đồng, sau khi trừ các khoản phí thì chị thực nhận được 39 triệu đồng.
Thế nhưng khoản đầu tư chị Th. còn thiếu 91 triệu đồng mới đủ 130 triệu đồng, nên nhân viên đa cấp biến tướng lại dẫn đi vay tiếp, với lãi suất 10%/tháng; 120%/năm. Sau khi đóng đủ 130 triệu đồng đầu tư gói sản phẩm, chị Th. bán hàng đồng thời tìm cách lôi kéo bạn bè, người thân đầu tư. Nhưng không thành. Lúc đó chủ nợ trở mặt, liên tục gọi điện đe dọa bắt phải đóng tiền lãi lẫn tiền gốc đã vay. Sau lần bị dọa đánh gãy chân, chị Th. phải trình báo công an. Tuy nhiên, khó giải quyết vì đó là giao dịch dân sự theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên và chị Th. cũng không trình ra được các chứng cứ cần thiết.
Chị Th. cho biết, do quá túng thiếu vì thất nghiệp lại nhẹ dạ, nên không ít công nhân như chị đã bị sa vào bẫy đa cấp biến tướng, rồi trở thành con nợ của tín dụng đen.
Có thể thấy, hoạt động đa cấp biến tướng đang bắt tay với tín dụng đen, tạo thành một hệ thống lừa gạt, dối trá mà cả hai đều có lợi, chỉ có người tham gia là rất khó thoát khi lãi mẹ đẻ lãi con. Thứ nhất là do hàng hóa nhận về khó tiêu thụ. Thứ hai là lãi suất tín dụng đen quá cao, tăng dần theo thời gian khó ai có thể trả được. Từ đó, người tham gia lâm vào tình cảnh khốn quẫn, nhiều người từ chỗ lương thiện đã trở thành kẻ lừa đảo một cách bất đắc dĩ. Nhiều gia đình tan nát.
Tất nhiên không phải công nhân nào khi thu nhập giảm sút do thiếu việc làm, hoặc thất nghiệp cũng tìm tới bán hàng đa cấp hoặc vay mượn tín dụng đen. Nhưng những gì diễn ra gần đây phải được cảnh báo, đồng thời rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng khi có đơn tố giác của người bị hại. Người bị hại không nên tìm cách tự mình thoát khỏi cạm bẫy bằng cách tiếp tục vay mượn hoặc lừa đảo người khác vì càng vùng vẫy thì càng lún sâu. Theo quy định hiện hành, người bị hại có thể tới trụ sở Công an trực tiếp hoặc liên hệ qua số điện thoại, email của cơ quan mang thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm lừa đảo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những người đã sa chân vào đa cấp biến tướng hầu như không có hy vọng lấy lại được số tiền đã mất, bởi hầu hết đều không có đủ chứng lý. Nói một cách đơn giản thì bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng mà hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Ở đây, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm. Những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp đều ảo tưởng sẽ có được hoa hồng siêu lợi nhuận, sau khi được yêu cầu đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định. Tuy nhiên, công ty không cam kết mua lại hàng hóa. Vì thế, nếu không bán được người tham gia sẽ gánh nợ.
Để “chuộc mình” khỏi mạng lưới đa cấp biến tướng, nhiều người đã phải tìm tới tín dụng đen. Khái niệm “tín dụng đen” được dùng để chỉ các hoạt động cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức, với mức lãi suất cao và bị pháp luật nghiêm cấm. Quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, tất cả các nhóm cho vay nặng lãi đều vượt gấp nhiều lần con số đó. Tới nay, đường dây tín dụng đen lớn nhất bị đánh sập được ghi nhận là ở Quảng Xương (Thanh Hóa), vào tháng 4/2023, với lãi suất lên tới 500%/năm.
Xin được nhắc lại, bán hàng đa cấp biến tướng cũng như tín dụng đen rất nguy hiểm, nhất là khi chúng liên kết với nhau để giăng bẫy.