Theo dõi sát diễn biến của siêu bão Mawar
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, siêu bão Mawar sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng tới khu vực phía Bắc đảo Luzon (Philippines). Cơ quan Khí tượng thủy văn Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến siêu bão Mawar.
Ngày 26/5, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết siêu bão Mawar đã vượt qua khu vực đảo Guam. Cường độ hiện tại của bão mạnh cấp 17, cấp siêu bão. Đây là cơn bão thứ 2 hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong mùa bão năm 2023. Dự báo siêu bão Mawar sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng tới khu vực phía Bắc đảo Luzon (Philippines).
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết lúc 15h ngày 26/5 (giờ Nhật Bản), tâm bão ở khoảng 15,3 độ vĩ Bắc và 138 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh 60m/s (tương đương cấp 17), giật 85 m/s.
Đài Nhật Bản dự báo trong 24 - 48 giờ tới, siêu bão Mawar di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km/h, cường độ giữ nguyên cấp 17, giật trên cấp 17. Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, siêu bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc, cường độ suy giảm xuống cấp 15, giật cấp 17.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ tháng 6 đến tháng 8/2023 có khoảng 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Từ tháng 9 đến tháng 11, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông dự báo khoảng 4-5 cơn và tác động chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung chủ yếu vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.