Giảm thuế giá trị gia tăng: Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất

T.Hằng 27/05/2023 06:35

Trước tình trạng khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, giới chuyên gia cho rằng, cần mở rộng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng hoặc kéo dài thời gian giảm thuế cũng như có thể nâng mức giảm thuế lên 4% thay vì 2% như đề xuất.

Cần giải pháp mạnh hơn

TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: Báo cáo kinh tế vĩ mô cho thấy, bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa có nhiều điểm sáng, chủ yếu dựa trên các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công... Mặc dù có ý kiến cho rằng kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý II/2023 nhưng có thể cũng rất khó khi dựa vào một số chỉ số thị trường. Ngay cả tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý I tăng tốt nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Hay như du lịch, khách vẫn thưa thớt.

Để kinh tế sớm phục hồi, ông Lịch kiến nghị, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa thông qua công cụ của Nhà nước và doanh nghiệp (DN). Trong đó, nghiên cứu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo từng ngành. “Thuế GTGT chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5-6%, cần giải pháp mạnh hơn. Thứ 2, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng” - ông Lịch nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Đức Anh - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, nếu như mức tăng trưởng của ngành bán lẻ năm 2022 là 22% thì năm 2023, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ 17,5%. Tuy nhiên, thực tế những tháng đầu năm, con số này còn thấp hơn. Thống kê của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho thấy không có nhà bán lẻ nào trong quý I tăng trưởng dương.

Một yếu tố khác tác động tiêu cực đến thị trường bán lẻ cũng được ông Đức nhắc đến là thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản. "Mọi người hay nói đến câu chuyện giá nhà, giá bất động sản. Ai cũng thấy hiện nay, mặt bằng trống rất nhiều nhưng giá thuê không giảm nên mạng lưới thị trường bán lẻ không thúc đẩy được" - ông Đức nói.

Tổng Giám đốc Saigon Co.op đưa ra kiến nghị: Cần hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT 2% cần triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu, qua đó DN được tiếp thêm sức.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ DN, người dân là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay; qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Giảm thuế để dưỡng nguồn thu

Theo các chuyên gia kinh tế, giảm thuế GTGT được coi là giải pháp cần thiết, bởi giảm thuế GTGT trước mắt nhưng tổng nguồn thu ngân sách lại tăng lên khi DN hoạt động tốt hơn.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2022, Chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số các nhóm hàng hóa đã khiến số thu về thuế GTGT của Cục Thuế tỉnh này bị sụt giảm, nhưng không đáng kể so với những tác động tích cực mà chính sách này mang lại. “Mặc dù thuế GTGT đầu ra giảm 2% dẫn đến tổng thuế GTGT đầu ra của các DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm trên 2,4 nghìn tỷ đồng nhưng tổng số thu về thuế GTGT đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, bằng 128,5% dự toán, và bằng 161% so với cùng kỳ” - ông Huy nói.

Vì vậy, theo ông Huy, năm 2023, chính sách giảm thuế GTGT dự kiến tiếp tục được áp dụng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế 10% được giảm xuống còn 8%, chính sách này là cần thiết nhằm kích cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế và phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng giảm 2% thuế GTGT có thể xem xét giảm ở mức cao hơn, bởi khi giảm thuế sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích cầu mua sắm, kích thích tiêu dùng, khuyến khích DN phát triển.

Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, các giải pháp về thuế có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của DN, người dân. Trong đó, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách nhà nước.

T.Hằng