Châu Á sẽ là lục địa nóng nhất hành tinh?
Ấn Độ đang phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, khi nhiệt độ tăng lên mức “không thể chịu được” 45 độ C. Cục Khí tượng nước này cho biết, sóng nhiệt xảy ra tại 7 bang, độ nóng vượt quá mức bình thường. Ramesh Gupta - cư dân ở Lucknow, bang Uttar Pradesh nói: Chúng tôi đang bị nắng nóng thiêu đốt.
Trong khi đó, Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, tháng 5/2023 vẫn chưa phải là tháng nóng nhất, do gió mùa tây nam di chuyển chậm hơn nên tuần đầu tiên của tháng 6 có thể sẽ trở thành “cao điểm mùa hè”.
Kể từ ngày 17 đến 25/5, bang Uttar Pradesh phải chịu nắng nóng liên tục 14 giờ/ngày, nền nhiệt từ 40 độ C đến 46 độ C. Điện bị cắt nhiều giờ trong ngày. Thất vọng, hàng trăm cư dân đã biểu tình bên ngoài các nhà máy điện gần thành phố Lucknow.
“Cắt điện đồng nghĩa với việc không có điều hòa không khí, không quạt, và thậm chí không có nước. Nắng nóng thiêu đốt khiến chúng tôi không thể chịu nổi, và việc thiếu điện càng làm tăng thêm sự khốn khổ của chúng tôi. Nhưng biết làm sao được” - Ramesh Gupta than thở và cho biết vợ và con nhỏ 9 tháng tuổi của anh buộc phải ngủ trong ô tô có điều hòa để đứa trẻ ngừng khóc.
Trong khi đó, anh Sudhir Sehgal, giáo viên, cho biết: “Chúng tôi bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình vì nắng nóng khắc nghiệt. Giữa trưa không ai dám mạo hiểm để đi ra ngoài”. Còn ông Sukhai Ram, một người làm vườn nhận lương theo ngày công, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ có thể làm việc khi mặt trời lặn. Ban đêm thì đốt đuốc lên làm vì ban ngày nắng nóng không thể nào chịu nổi”.
Tại Ấn Độ, đất nước hơn 1,4 tỉ dân, 3 tháng cao điểm mùa hè là 4, 5 và 6. Đáng nói là nắng nóng ở quốc gia này đã trở nên gay gắt hơn trong vòng 10 năm qua. Cùng đó, Ấn Độ còn thường xuyên bị thiếu nước trầm trọng. Hồi tháng 4, nắng nóng từng khiến 13 người thiệt mạng khi tham gia một sự kiện ở thủ phủ tài chính Mumbai.
Tuy nhiên, mùa hè này không chỉ riêng Ấn Độ phải chịu nắng nóng gay gắt, mà nhiều quốc gia châu Á (đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á) đã ghi nhận những mức nhiệt kỷ lục. Theo một nghiên cứu, biến đổi khí hậu làm tăng ít nhất 30 lần khả năng xảy ra những đợt nắng nóng bất thường. Tờ The Guardian đưa tin, một số khu vực ở Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan ghi nhận nhiệt độ cao bất thường, lên tới hơn 45 độ C.
Nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), mùa hè năm nay nhiệt độ trung bình của châu Á có thể cao hơn 2 độ C (tính trong vòng 10 năm); ngang ngửa với mùa hè dữ dội 2022. Friederike Otto - nhà khoa học về khí hậu Đại học Hoàng gia London (Anh) nhận xét, sóng nhiệt và thời tiết cực đoan khiến khu vực Nam Á trở nên “mong manh hơn”.
Trong khi đó, nhóm các nhà khoa học khí hậu châu Âu cho rằng mùa hè này hơn 2 tỉ người sẽ sống ở khu vực có nhiệt độ cực cao, có thể đe dọa tới tính mạng. Con số đó tương đương với 1/4 dân số toàn cầu. Cho đến cuối thế kỷ XXI, Ấn Độ, Nigeria và Indonesia là những quốc gia được dự báo sẽ gần như “không thể ở được” vì nhiệt độ cực cao.
Theo AP, sức khỏe con người suy giảm vì nhiều lý do, bao gồm nông nghiệp suy giảm tại một số khu vực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến một số cây lương thực giảm cả số lượng lẫn chất lượng. Nhiệt độ cực cao cũng dẫn đến mất việc làm trong một số ngành nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của một phần dân số và làm họ không đủ điều kiện tiếp cận chăm sóc y tế cũng như ăn uống đủ dinh dưỡng.
Giáo sư Tim Lenton - Đại học Exeter (Anh) nhận định: Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu lên tới 35 độ C, chúng ta sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tử vong vì cơ thể chúng ta không còn cách nào để tự làm mát. Khi đó, những tác động về sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn đối với người già, trẻ nhỏ hoặc những người có bệnh nền.
Ông Tim Lenton cũng cho rằng sóng nhiệt đã được các nhà khoa học liệt vào danh sách “kẻ giết người thầm lặng”, khi những ca tử vong vì nhiệt tăng sẽ không dễ được phát hiện và những nơi kinh tế kém phát triển nhất sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất.
Trở lại với mùa hè năm nay, những gì diễn ra từ tháng 3 tới cuối tháng 5 đã dẫn tới một kết luận của giới khoa học: Châu Á sẽ là lục địa nóng nhất hành tinh. Nền nhiệt cao không “chia đều” cho các quốc gia mà sẽ dồn độ nóng lên những nước phía Nam của châu lục. Trong khi đó, do sự cực đoan của thời tiết, dự báo những cơn bão sẽ xuất hiện sớm và cường độ mạnh hơn do hấp thụ được nhiệt độ cao hơn từ nước biển.
“Điều đó có thể thấy ở cơn bão bất thường Mocha tấn công Myanmar, ngày 14/5. Bão Mocha là trận bão lớn nhất tấn công Vịnh Bengal trong hơn 10 năm qua, sức gió gần 250km/h, khiến 145 người thiệt mạng” - ông Tim Lenton nói.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), thời tiết cực đoan đã làm chết 2 triệu người và gây tổn thất hơn 4.000 tỉ USD trong 50 năm qua. WMO cho rằng gần 12.000 thảm họa thời tiết đã xảy ra trên toàn cầu giai đoạn 1970-2021. Sự tàn phá này được cảm nhận rõ nhất ở các quốc gia đang phát triển, khi nơi đây chiếm 90% số người thiệt mạng và 60% tổng thiệt hại kinh tế. Châu Á chiếm gần 50% số người thiệt mạng. Còn trong hơn 733.500 nạn nhân xấu số tại châu Phi, 95% trường hợp do hạn hán.
Theo WMO, cảnh báo trước 24 giờ với một cơn bão hoặc đợt nắng nóng có thể giúp giảm 30% thiệt hại về người. Tuy nhiên, hiện chỉ có 50% dân số thế giới tiếp cận được thông tin cảnh báo sớm.