Đề phòng đột quỵ mùa nắng nóng

THANH MAI 28/05/2023 08:54

Thời tiết miền Bắc và miền Trung đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm với nhiệt độ từ 38 - 40 độ C. Thống kê tại các cơ sở y tế vào mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại. Trong số đó, các trường hợp sốc nhiệt và đột quỵ não, rối loạn điện giải, viêm phổi chiếm đa số.

Nhiều ca đột quỵ phải điều trị hồi sức, thở máy tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Nguy cơ gia tăng trong những ngày nắng nóng

Thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt. PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hằng năm, cứ khi nắng nóng xảy ra, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ. Hầu hết là những người phải đi ra ngoài trời nắng nhiều hoặc người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não... khi thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 - 40 độ C), hôn mê… Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt muộn thường là co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong. Sốc nhiệt đặc biệt nguy hiểm với các đối tượng như người già, trẻ em và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.

Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược (TPHCM) cho hay, nhiệt độ cơ thể chúng ta thích nghi nhất là khoảng 25 độ C. Trong khoảng từ 20 độ C đến 30 độ C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là nhờ có hệ thống điều hòa thân nhiệt có trung tâm nằm ở vùng dưới đồi thị hoạt động cùng với các bộ phận khác (da, các tuyến mồ hôi và các mạch máu) làm nóng và làm lạnh cơ thể. Cũng theo bác sĩ Hậu, đột quỵ do nhiệt là hình thái nặng nhất của các tai biến do nhiệt, xảy ra khi thân nhiệt lên tới 40 độ C hay cao hơn. Đột quỵ do nhiệt có tỉ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ gây tổn thương cho hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và thậm chí hôn mê.

Còn theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM, số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào hè, cứ nhiệt độ tăng 1 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng 10%. bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng bị sốc nhiệt và đột quỵ trong thời tiết nắng nóng. Vào mùa hè nhiệt độ tăng cao, người già, người có bệnh lý nền dễ cảm thấy mệt mỏi, quên sử dụng thuốc, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Việc dùng rượu bia để giải khát khi nóng; ngồi phòng máy lạnh rồi đi ra ngoài nắng hoặc ngược lại, khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi; tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về;... đều là những yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ. Chính vì thế, việc học cách nhận biết và xử lý khi có người bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng là vô cùng cần thiết.

Nhiều di chứng nặng nề

Theo các thống kê của Hội Phục hồi chức năng Việt Nam dù tỉ lệ tử vong do đột quỵ hiện giảm đáng kể so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh với nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm… Trong số đó chỉ có 25 - 30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20 - 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Theo PGS.TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, các thành tựu về cấp cứu và can thiệp giai đoạn cấp ở Việt Nam tương đối phát triển và tiếp cận với thế giới. Thời gian vàng phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ nên bắt đầu càng sớm càng tốt, tiến triển nhiều nhất sẽ xảy ra trong khoảng 6 tháng đầu. Công tác xử lý bệnh nhân không chỉ can thiệp, cứu sống ban đầu mà bắt buộc phải phục hồi chức năng để đảm bảo cho họ cải thiện được các khiếm khuyết, hòa nhập với xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Về khả năng phục hồi sau đột quỵ, PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, để cứu sống bệnh nhân đột quỵ rất thách thức, khả năng sống sót mong manh hoặc nếu có sẽ chịu cảnh tàn phế cả đời. Trước đây, tỷ lệ hồi phục ở bệnh nhân đột quỵ chỉ 25%, có 25% bệnh nhân sẽ tử vong và 50% để lại di chứng tàn phế. Tuy nhiên khi áp dụng kỹ thuật mới, giống các nước đang phát triển, những bệnh nhân đột quỵ được tái tưới máu trong giờ vàng, người bệnh gần như trở lại trạng thái bình thường đạt trên 50%, thậm chí 60-70%. Những bệnh nhân đến muộn, nhờ sự chuyên sâu về phương pháp điều trị tại các đơn vị đột quỵ, tỷ lệ biến chứng tử vong, di chứng tàn phế giảm đi rất nhiều. Nhiều bệnh nhân được điều trị phối hợp điều trị hồi sức chuyên sâu, tập phục hồi chức năng sớm giúp phục hồi tốt hơn so với trước đây.

Để phòng ngừa đột quỵ trong mùa hè, giới y khoa khuyến cáo người dân chủ động theo dõi thời tiết để lên kế hoạch hoạt động phù hợp. Mọi người, nhất là nhóm có nguy cơ cao đang sống ở khu vực có thời tiết thay đổi thất thường là giảm thiểu phơi nhiễm khi trong những điều kiện khắc nghiệt. Nên hạn chế làm việc và hoạt động ngoài trời vào những buổi trưa có nắng nóng gay gắt, chỉ ra ngoài vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn khi nhiệt độ đã giảm. Tránh ngồi trong xe ô tô đậu tắt máy, đóng kín cửa, đặc biệt người già, trẻ em dễ bị sốc nhiệt nếu bị bỏ quên trong xe dưới trời nắng... Khi ra ngoài, nên mang nón mũ rộng vành; che kỹ phần gáy vì đây là trung khu điều nhiệt của cơ thể, nếu bị nắng chiếu vào quá lâu trung khu sẽ bị tê liệt, mất khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể. Nên uống nhiều nước, kể cả khi không thấy khát.

THANH MAI