Ngành gỗ tìm thị trường mới
Số lượng đơn hàng chưa có dấu hiệu khởi sắc khi chỉ một số doanh nghiệp sản xuất gỗ có đơn đặt hàng nhỏ... Đó là khó khăn mà ngành gỗ xuất khẩu đang đối mặt. Điều này khiến cho mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2023 gặp nhiều trở ngại.
Lượng đơn hàng vẫn “khiêm tốn”
Mục tiêu của ngành gỗ là đạt kim ngạch xuất khẩu của năm 2023 tăng thêm 7% so với năm 2022 (18 tỷ USD). Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các đơn hàng lớn chưa có dấu hiệu phục hồi như hiện nay, và đã bước sang giữa năm 2023, nên để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu nói trên, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần phải hết sức nỗ lực.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), trong thập niên qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản luôn đạt 2 con số mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong các ngành hàng xuất khẩu (chỉ sau điện thoại, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc, da giày, dệt may); xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vị trí thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 trên thế giới (Trung Quốc, Đức, Ba Lan, Italia). Giá trị xuất siêu trung bình từ 8-10 tỷ USD mỗi năm.
Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD. Giá trị xuất siêu đạt trên 14 tỷ USD. 5 thị trường chính của xuất khẩu gỗ và lâm sản gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên từ quý I năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu USD, giảm 28,2%.
Thông thường hàng năm, thời điểm này các DN đã có một số lượng không nhỏ đơn hàng gỗ và đây là lúc các DN bắt tay vào chuẩn bị nguyên liệu, cho đến tháng 6 là phải hoàn thành các đơn hàng để tháng 11-12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu sẽ bán sản phẩm ra thị trường. Thế nhưng năm nay tình hình khác hẳn. Đến nay DN vẫn chưa có đơn hàng. Với những DN có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ đủ tới tháng 6/2023.
Thực tế, những khó khăn của ngành gỗ cũng được nhìn nhận từ trước. Bởi, trong bối cảnh các thị trường lớn giàu tiềm năng nhập khẩu hàng hóa của chúng ta như Mỹ, châu Âu vẫn còn đang tồn kho nhiều, sức mua giảm mạnh... thì việc DN xuất khẩu gỗ trong nước đối diện với khó khăn là điều khó tránh, thậm chí theo các chuyên gia, DN xuất khẩu gỗ còn tiếp tục đối mặt với tăng trưởng âm. Bảng công bố báo cáo tài chính của các DN ngành gỗ là minh chứng rõ nét cho thực tế này. Đơn cử, bảng công bố báo cáo tài chính quý I/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành chỉ đạt doanh thu 331 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, hết quý I/2023, công ty chỉ lãi 1,8 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số nói trên là minh chứng cho thấy khó khăn vẫn đang bủa vây DN ngành gỗ. Khi mà kết thúc quý I/2023, gỗ Trường Thành mới hoàn thành 4,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chủ DN gỗ Trường Thành nhận định, năm 2023 này sẽ tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và DN gỗ nói riêng khi các DN vẫn ở tình trạng “khát” đơn hàng. DN phải cạnh tranh thị phần bằng mọi giá cũng làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra ngày càng thấp.
Tình hình sản xuất kinh doanh bị sụt giảm mạnh không chỉ riêng tại gỗ Trường Thành mà đã và đang xảy ra với hầu hết các DN trong các nhiều lĩnh vực xuất khẩu như: thủy sản, dệt may...
Tìm cách gỡ rào cản
Theo Viforest, việc sụt giảm giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản do nhiều nguyên nhân. Đó là kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, đặc biệt là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU... do đó Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Đáng chú ý, các rào cản về phòng vệ thương mại ở các quốc gia nhập khẩu có chiều hướng gia tăng. Các nước sử dụng công cụ bảo hộ sản xuất trong nước khiến cho các ngành xuất khẩu, trong đó có ngành gỗ đối diện với những rủi ro khi giao dịch thương mại quốc tế...
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest, trước những khó khăn hiện hữu, thời gian qua, các DN xuất khẩu gỗ cũng đã chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, tập trung vào tiêu chí là sản phẩm chất lượng nhưng giá tốt, phù hợp với thị hiếu và chú trọng chính sách hậu mãi nhằm tạo dựng thương hiệu, niềm tin đối với người tiêu dùng.
Tiếp tục dự báo năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn với các ngành xuất khẩu, trong đó có ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ, Viforest cho rằng, thời gian tới, các DN ngành gỗ cần phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng đồng bộ các giải pháp. Tập trung các giải pháp đưa công nghệ vào sản xuất, sử dụng nguồn nguyên liệu là gỗ rừng trồng trong nước nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động...
Bên cạnh đó, các DN cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn. Các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh phát triển ngành lâm nghiệp, phát triển trồng rừng bền vững đi đôi với chế biến sâu. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, nắm vững thị trường để chủ động việc giải quyết tranh chấp thương mại và sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường tiêu dùng thế giới...
Giới chuyên gia nhận định, EU là thị trường giàu tiềm năng với số dân 500 triệu người, lợi thế của chúng ta là đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nên có thể tận dụng các ưu đãi về thuế để gia tăng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường này. “Đây là thị trường rất giàu tiềm năng để các DN gỗ của chúng ta khai thác, mở rộng thị phần. EVFTA bước sang năm thứ 3 có hiệu lực được xác định là động lực thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường EU”, ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Thương mại TPHCM nhấn mạnh.