Tìm giải pháp tu bổ di tích

HẢI MIÊN 28/05/2023 08:54

Trong quá trình đô thị hóa ở nhiều vùng quê, di tích xuống cấp chưa được quan tâm, tu sửa xứng tầm. Trong đó có cả những di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Việc bảo vệ di tích nói chung, di tích cấp quốc gia nói riêng cần phải được thực hiện tốt hơn, nhất là việc tháo gỡ khó khăn trong tìm nguồn vốn, tìm được các phương án tối ưu để trùng tu, gìn giữ vẻ đẹp di tích.

Đình Đông Môn (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có niên đại gần 400 năm tuổi, xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nhưng chưa có nguồn kinh phí tu bổ.

Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng

Đình Phú Lương thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội thờ vị phúc thần Bạch Lợi, ông là vị tướng giỏi dưới quyền chỉ huy của Cao Sơn và Quý Minh ở thời Hùng Vương thứ 18. Đình làng đã được Bộ VHTTDL cấp bằng xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”. Trải qua hàng trăm năm lịch sử ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng, nghiêng về phía sông (trước cửa đỉnh), có nguy cơ sập đổ bất kỳ, nhân dân đã phải chằng chống nhiều cột thép, gỗ phòng nguy hiểm xảy ra. Cụ Nguyễn Hữu Quang, chia sẻ: “Đình làng ở vị trí đẹp. Nhìn vào các họa tiết, cột, kèo đang bị mối mọt đục, hễ mưa là dột, nước lênh láng mà xót xa. 5 năm qua, nhân dân chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lên các cấp, qua các cuộc tiếp xúc cử tri với thành phố, nhưng di tích vẫn chưa được tu bổ”.

Tại Thanh Hóa, đình Đông Môn (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 1995. Tuy nhiên, hiện ngôi đình đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Điệp - Trưởng thôn Đông Môn cũng cho biết: “Người dân trong thôn đã có nhiều ý kiến trước việc ngôi đình cổ gần 400 năm xuống cấp gần hai năm nay nhưng vẫn chưa có phương án tu sửa cụ thể”. Cũng ở xứ Thanh, chùa Vích tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 2008. Tuy nhiên đến nay, ngôi chùa gần 800 năm tuổi đang có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được trùng tu, tôn tạo. Được biết, cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn về đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo chùa Vích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên xã Hải Lộc chưa triển khai. Đến cuối năm 2022, UBND xã Hải Lộc tiến hành triển khai thực hiện dự án thì lại vướng mắc về thủ tục pháp lý, yêu cầu phải làm lại quy trình từ đầu.

Tại Hà Tĩnh, cụm Di tích đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá được xây dựng từ thời Hậu Lê. Đền được xây dựng ở Cồn Mai (làng Thịnh Xá, xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn). Ông Nguyễn Hữu Đông - Chủ tịch UBND xã An Hòa Thịnh cho biết, năm 2011, cụm di tích đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá được trùng tu, nâng cấp. Tuy nhiên do gặp khó khăn về vốn nên chỉ thực hiện được một số hạng mục. Nhiều hạng mục, hiện vật trong đền, chùa đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần tu bổ nhưng không có nguồn kinh phí, phải chờ vào nguồn vốn xã hội hóa.

Gỡ vướng bằng cách nào?

Theo tìm hiểu, nhiều di tích ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội, Nam Định… cũng xuống cấp trầm trọng. Một trong những vấn đề vướng mắc hiện nay là, khi một di tích được xếp hạng thì việc thủ tục pháp lý phải bảo đảm, phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn, trong đó có Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL). Theo ông Nguyễn Thế Hưng, cán bộ xây dựng xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), cải tạo, tu bổ di tích không bao giờ là đơn giản. Nếu là công trình xây dựng cơ bản, xây mới thì làm rất nhanh. Nhưng đã là di tích được xếp hạng, thì việc cải tạo, tu bổ phải tuân theo Luật Di sản, rất cần sự đóng góp của các chuyên gia văn hóa.

Theo các chuyên gia, hiện nay Luật Di sản văn hóa cần phải chỉnh sửa, để phù hợp các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai... nhằm khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc. Ngoài ra, nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi hệ thống di tích trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vì thế, nhiều công trình di tích hư hỏng, xuống cấp vẫn trông chờ nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo kịp thời.

Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê, cả nước có trên 40.000 di tích, những di tích này đang được kiểm đếm, rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh và nhiều di sản được cấp tỉnh quản lý, xếp loại. Bộ đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cũng chưa đủ sức để khắc phục tình trạng này. Về các giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025.

Mới đây, một tin vui đến với những người quan tâm tới di tích Hà Nội đó là theo nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố, Hà Nội đầu tư tổng kinh phí 14.029 tỉ đồng cho 579 di tích cần tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021-2025.

Cũng phải nhìn nhận một điều, trong những năm qua, không ít dự án tu bổ di tích đã làm “mới hóa” di tích, khiến vẻ đẹp di tích bị mất, biến dạng, tạo nên những “thảm họa”. Đó là bởi nhận thức về di sản của không ít người có trách nhiệm chưa đủ để hiểu rằng “tu bổ” khác hẳn “tu sửa”. Tu sửa chỉ xử lý phần “vỏ vật chất” mà không chú tâm vào những giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử mà công trình đang mang trong nó. Các đơn vị thi công tôn tạo di tích lại thường chỉ coi việc “tu bổ” di tích đơn giản là “tu sửa” để “tích cực” hạ giải và sửa chữa di tích một cách bừa bãi. Nhà nghiên cứu di sản văn hóa - TS Nguyễn Đức Bá cho rằng, việc tu bổ di tích cần được quan tâm, nhất là quan tâm về mặt quản lý di sản, gìn giữ di sản cho đời sau. Rất nhiều nơi muốn phá bỏ di tích đi để xây mới. Và họ không muốn được cấp bằng di tích, thậm chí có nhiều chỗ còn muốn trả lại bằng di tích đã được xếp hạng để tự do cải tạo.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức chỉ ra, di tích hiện nay cần phải được quan tâm bằng chuyên môn và kinh phí. Liên quan đến việc tu bổ, tôn tạo di tích, nếu vấn đề được trao đổi rộng rãi, có ý kiến góp ý của giới nghiên cứu và quá trình tu bổ được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt của bộ phận tư vấn, chính quyền địa phương và cộng đồng thì sẽ khó nảy sinh vi phạm.

Do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình nên nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích hết sức đặc biệt, đòi hỏi đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc. Do đó, mỗi tỉnh, thành phố cần xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn, làm cơ sở, định hướng cho các cấp quận, huyện triển khai nhiệm vụ.

HẢI MIÊN