Khắc phục điểm yếu du lịch

HẠNH NHÂN - HOÀI DƯƠNG 28/05/2023 08:52

Du lịch đang vào mùa, tại nhiều điểm đhiện tượng “chặt chém”, chộp giật khách vẫn tái diễn. Dễ nhận thấy, tình trạng “ăn xổi” theo mùa vụ của nhiều điểm đến là lý do khiến du khách không hào hứng. Mặt khác, những hạn chế sản phẩm du lịch, sự rời rạc trong chuỗi cung ứng dịch vụ, sức hấp dẫn của điểm đến chưa cao… khiến du lịch Việt cứ mãi ì ạch. Vậy cần làm gì để khắc phục điểm yếu du lịch?

Cần làm mới sản phẩm du lịch, các tour, tuyến, điểm đến... để hấp dẫn du khách.

Cốc trà đá 105 ngàn đồng

Mới đây nhất là vụ việc suất bún chả 35.000 đồng chỉ có đĩa bún, 2 viên chả nhỏ và bát nước mắm pha loãng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ngay sau đó ngành chức năng đã xử phạt nhà hàng lỗi vi phạm hành chính 750 ngàn đồng và yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục, sửa chữa lại bảng niêm yết theo quy định.

Trước đó, ngày 19/5, trên một diễn đàn lớn về ô tô xe máy, thành viên Trung Nam Đỗ cũng chia sẻ hóa đơn ăn uống trong nhà ga hành khách T2 sân bay Nội Bài. Theo hóa đơn thành viên trên đăng tải cụ thể có 3 bát phở bò tái có giá 29,4 USD (tương đương 690 ngàn đồng), 1 bát phở bò chín có giá 8,7 USD (tương đương 204 ngàn đồng), 1 cốc trà đá có giá 4,5 USD (tương đương 105 ngàn đồng), 2 ly cà phê nâu đá có giá 13,2 USD (tương đương 310 ngàn đồng), 1 ly nước cam có giá 6,7 USD (tương đương 157 ngàn đồng). Tổng số tiền phải thanh toán cho hóa đơn trên là 62,5 USD (tương đương 1,466 triệu đồng). Sau khi đăng tải, bài viết của thành viên trên đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như nhiều ý kiến bình luận, tranh cãi của các thành viên trong diễn đàn.

Với hóa đơn trên, nhiều người cho rằng mức giá như vậy là "chặt chém" bởi giá cả ăn uống ở sân bay quốc tế Changi Singapore cũng không cao đến vậy. Điều đáng nói, nhiều người phản ánh đồ ăn ở sân bay giá cao nhưng chất lượng chưa tương xứng. Nhiều năm qua, câu chuyện chặt chém khách ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài khiến thực khách chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Cho đến sự sụt giảm số lượng du khách đến Phú Quốc (Kiên Giang), một trong những nguyên nhân khiến Phú Quốc trở nên “mất điểm” có lẽ cũng do hệ luỵ từ tư duy du lịch một mùa. Bởi trên một nhóm cộng đồng về du lịch, anh K.B.B. (TPHCM) vừa chia sẻ hóa đơn từng ăn tại một nhà hàng ở Bãi Sao, Phú Quốc với giá 3,6 triệu đồng. Các món ăn bao gồm: bún, cá nhám, cơm trắng, gà, kèm dừa tươi và khăn lạnh. Đáng chú ý, gà được bán với giá 600.000 đồng/kg. Nhóm anh đã dùng 2,6kg gà thành tiền hơn 1,5 triệu đồng. “Hóa đơn này là từ 2019, tức cách đây 4 năm. Phú Quốc như ngày hôm nay cũng có lý do". anh B. bình luận.

Còn ngay kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, vì giá máy bay du lịch nội địa đắt đỏ nên gia đình chị Dương Ngọc Anh (Hải Phòng) đã chọn tour tham quan Indonesia thay vì tour Nha Trang dự định trước đó. Chị Ngọc Anh cho biết, tour nước ngoài mà có giá rẻ hơn du lịch nội địa. Chuyến đi vừa qua chị kể, khu mua đồ cũng là nói thách, nhưng ở Indonesia nếu khách hàng hỏi mua món quà nào đó, như một chiếc khăn thổ cẩm, thì sẽ được báo giá công khai. Nhưng khách hàng vẫn có quyền mặc cả. Điều quan trọng trong cuộc mua bán đó là sự hài lòng của người mua. “Còn khi mua sắm tôi rất sợ vì nhiều khi khách hàng có sành đến mấy cũng khó “thoát” được các chiêu trò của người bán hàng. Do đó nhiều khách phải mua hàng hay dịch vụ với sự ấm ức vì không thống nhất về giá cả. Nhiều khi chúng tôi bị ép và buộc phải chấp nhận mức giá trên trời mà không có quyền từ chối”, chị Ngọc Anh so sánh.

Suất bún chả 35.000 đồng tại một nhà hàng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Facebook.

Thay đổi tư duy

Có thể thấy, nhìn nhận về du lịch trong nước của chị Ngọc Anh không còn là chuyện mới, bởi du khách trong nước đã tìm đến với các tour xuất ngoại trong những năm gần đây bởi nhiều ưu điểm. Trở lại du lịch kỳ nghỉ lễ vừa qua, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả nước ước tính đã đón khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó, hơn 300.000 khách quốc tế, khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022). Nhìn vào con số để thấy sự khởi sắc của du lịch, nhưng nó cũng thể hiện rõ cách làm một mùa của du lịch Việt. Tại sao lại nói như vậy, bởi một số điểm đến nổi tiếng kỳ vọng hút khách thực sự đã sốc khi khách giảm tới 40%, ví dụ Phú Quốc. Câu chuyện Phú Quốc vừa qua được chỉ ra nhiều nguyên nhân: giá dịch vụ "cắt cổ"; giá vé máy bay tăng đột biến; sản phẩm du lịch thiếu phong phú; chất lượng phục vụ chưa cao, xâm phạm cảnh quan thiên nhiên…

Hay điểm đến TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), bên cạnh những nỗ lực của địa phương, vẫn còn những bộ phận làm du lịch có cách ứng xử khiến du khách “giật mình”. Tại Cầu Đất, xã Trạm Hành (TP Đà Lạt), từ một cơ sở ban đầu hình thành vài năm trước, bây giờ các khu “săn mây” mọc lên như nấm sau mưa, đi đâu du khách cũng thấy các bảng hiệu, chỉ dẫn. Người dân và du khách vào cửa dù không mua vé, nhưng phải mua một loại nước bất kỳ với giá không dưới 100.000 đồng/người. Nhiều du khách cũng ngao ngán trước một số cách làm du lịch chạy theo trào lưu, thiếu bản sắc giữa không gian núi rừng. Cổng trời Bali Đà Lạt (lấy ý tưởng từ đền Pura Lempuyang trên đảo Bali, Indonesia), bàn tay Phật khổng lồ (tương tự bàn tay tại Philippines), cây cầu vàng (giống cầu vàng ở Đà Nẵng), cầu thang vô cực… đang dần rơi vào quên lãng bởi sự nhàm chán. Ở phía Bắc, điểm đến Sa Pa (Lào Cai) cũng đang đánh mất vẻ đẹp vượt thời gian bởi sức phát triển du lịch quá nóng. Những khách sạn mọc lên chen chúc, môi trường ô nhiễm, một số sản phẩm du lịch lai căng… khiến sự lựa chọn đến Sa Pa ít dần.

Có ý kiến cho rằng, nhiều nguyên nhân trong số này là hệ quả của tư duy mùa vụ, “ăn xổi”. Thay vì nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, các bên liên quan tới điểm đến đều tranh thủ tận thu: hàng không tăng giá vé, khách sạn tăng phí dịch vụ, ông taxi, bà chủ nhà hàng cũng nhân dịp này “chặt chém” du khách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân du lịch Việt “đi trước, về sau”. Do đó, cần nhìn thẳng vào sự thật, bởi "chặt chém" là biểu hiện của cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, những vụ việc chỉ xảy ra ở một số địa phương nhưng làm xấu hình ảnh du lịch quốc gia, khiến du lịch mãi ì ạch.

Làm gì để khắc phục điểm yếu của du lịch, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Hữu Hiệp, đây là bài toán phải giải quyết từ việc thay đổi tư duy, nhận thức của người làm du lịch. Vấn đề này cần thời gian và cả sự trả giá. Hiện tượng Phú Quốc năm nay sẽ để lại bài học cho người làm du lịch về sự cần thiết nuôi dưỡng nguồn khách lâu bền.

Tăng cường liên kết

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nhận định, nhiều khả năng Việt Nam về đích sớm so với chỉ tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế. Mục tiêu phục vụ 102 triệu lượt khách nội địa cũng không quá xa vời. Tuy vậy, doanh thu từ du lịch khó chinh phục hơn so với mục tiêu về lượt khách. “Khách có xu hướng du lịch nhiều nhưng cũng chắt bóp hầu bao chi tiêu. Giá cả dịch vụ tăng, chi phí đi lại đắt đỏ là trở ngại”, ông Long phân tích.

Nhìn nhận về tình hình du lịch trong nước, ông Long khẳng định, khó khăn lớn nhất sau đại dịch là sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng dịch vụ gồm ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mua sắm... “Khi chuỗi cung ứng hoạt động tốt, các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ, sẵn sàng ủng hộ, hợp tác với nhau. Sau đại dịch, du lịch bùng nổ trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp đóng cửa, phá sản dẫn đến quá trình phục hồi chậm lại. Chuỗi cung ứng ở Việt Nam xưa đã yếu, nay để đòi hỏi vận hành trơn tru rất khó khăn và cần thời gian”, PGS.TS Phạm Hồng Long nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng Ban Lữ hành, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội nhấn mạnh: Cần xác định rõ những vấn đề tồn tại để khắc phục. Nếu chúng ta không có sự liên thông, liên kết giữa các đơn vị cung ứng hiện nay giống các nước khác tạo thành chuỗi hàng không, hệ thống hiệp hội du lịch và các cộng đồng doanh nghiệp du lịch, du lịch nội địa Việt Nam rất khó phát triển, bởi các bộ phận này gần như tách bạch hoàn toàn, thậm chí đối trọng với nhau.

Theo ông Tài, liên kết chuỗi cung ứng thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng dễ nhìn thấy nhất ở gói dịch vụ (combo) vận chuyển - lưu trú - ăn uống. Các gói dịch vụ này đang được khách ưu tiên lựa chọn nhờ ưu thế vừa tiện, vừa rẻ, tạo cho khách hàng sự linh hoạt trong hành trình.

Ở góc nhìn rộng hơn, nói như ông Trần Hữu Hiệp thì chúng ta phải thay đổi cách làm để du lịch hấp dẫn hơn bằng cách làm mới sản phẩm du lịch, các tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn, nhưng lâu dài là tập trung tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, chứ không chỉ dựa vào tính mùa vụ, hay khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên mà thiếu sự đầu tư, tôn tạo và phát huy tương xứng. “Cách làm nặng tính mùa vụ của nông dân đang được chuyển đổi bằng tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật, thì ngành du lịch, một ngành kinh tế tổng hợp, không lý do gì chưa chuyển đổi để thoát khỏi sự lệ thuộc của du lịch mùa vụ”, ông Hiệp nói.

GS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Cần xử lý nghiêm hành vi "chặt chém" du khách

“Chặt chém” du khách là hành vi chụp giật, tiếc rằng những vụ việc này vẫn đang diễn ra, và cứ vào mùa du lịch một số địa phương lại xuất hiện hiện tượng tượng này. Có thể thấy, khi hét giá, bắt chẹt du khách, người làm du lịch chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt do tư duy “ăn xổi” chứ không thấy được hậu quả lâu dài là du khách sẽ một đi không trở lại. Nhất là trong thời buổi công nghệ số 4.0 phát triển như hiện nay thì những hình ảnh, thông tin về hành vi “chặt chém” ở một điểm đến nào đó ngay lập tức sẽ xuất hiện trên các trang mạng xã hội, đưa tới một hình ảnh không đẹp về văn hóa và con người Việt Nam, nói cách khác đây là những hành vi làm xấu hình ảnh du lịch quốc gia.

Tôi cho rằng, để ngăn chặn nạn “chặt chém”, bắt chẹt du khách cần xử lý nghiêm bằng pháp luật với chế tài đủ sức răn đe. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của pháp luật. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, tận dụng thế mạnh của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hay các mạng xã hội để phê phán, điều chỉnh những hành vi bắt chẹt du khách nhằm làm sạch môi trường du lịch.

TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch): Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch

Một trong những hạn chế lớn của Việt Nam để bắt nhịp với các nước trong khu vực chính là sự thiếu liên kết trong phát triển du lịch. Do đó chúng ta cần liên kết chặt chẽ các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và liên quan để hình thành tour cho khách du lịch, bao gồm: lữ hành - hàng không - khách sạn - nhà hàng - cơ sở vui chơi giải trí - các điểm mua sắm để đưa ra cho du khách mức giá tour hợp lý và từ đó khiến khách hàng thỏa mãn và chi tiêu gấp nhiều lần so với giá tour ban đầu. Ngoài ra, chúng ta cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách và thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực đơn phương và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử; đồng thời tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Về phía doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt thích ứng nhanh với thay đổi trên thị trường, nhạy bén điều chỉnh chiến lược, xây dựng sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Các doanh nghiệp nên cùng chia sẻ lợi ích, cạnh tranh nhau về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, không nên cạnh tranh thông qua việc bán phá giá, vì điều này sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

HẠNH NHÂN - HOÀI DƯƠNG