Mối nguy từ thuốc lá điện tử

NGUYỄN HOÀI (thực hiện) 28/05/2023 10:00

Báo cáo tại một số cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, hầu hết các xét nghiệm của những trường hợp học sinh nhập viện liên quan tới thuốc lá điện tử đều có các chất gây nghiện trong thuốc lá thế hệ mới. Việc giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thuốc lá đang là mối nguy chung của xã hội. Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, PGS.TS Lê Văn Thảo - nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, đã có những trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về những hệ lụy của giới trẻ khi tiếp cận với thuốc lá điện tử.

PV: Thưa ông, ai cũng biết hút thuốc lá gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Nhưng tại sao số lượng người hút thuốc lá ở Việt Nam, đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên vẫn chiếm tỷ lệ cao so với thế giới?

PGS.TS Lê Văn Thảo.

PGS.TS LÊ VĂN THẢO: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng hiểu hết những tác hại phải đối mặt khi hút thuốc. Những tác hại hàng đầu do việc hút thuốc lá đối với con người, đó là: gây ung thư; gây suy tim, khiến người hút thuốc lá có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ gấp nhiều lần; hủy hoại, gây tổn thương phổi, dẫn đến suy hô hấp; gây mù lòa… Với các gia đình, việc có thành viên sử dụng thuốc lá đã lấy đi một phần thu nhập đáng kể.

Chúng ta được biết rằng, trong nhiều năm qua với những nỗ lực trong công tác phòng chống thuốc lá của Chính phủ và các bộ, ban, ngành, tỷ lệ hút thuốc lá của người trưởng thành và lứa tuổi thanh thiếu niên có giảm. Dù mức giảm chưa được như mong đợi nhưng cũng là kết quả tích cực. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn là một trong số nước có tỷ lệ hút thuốc nhiều nhất trên thế giới.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Theo thống kê, sử dụng thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Nhiều năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá. Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ liên quan xem xét vấn đề về luật, văn bản dưới luật cũng như các hành lang pháp lý cùng đề xuất hành động cụ thể.

Về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản căn cứ vào các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước tiên tiến, đặc biệt nghiên cứu ở Việt Nam để khuyến cáo và đề nghị cấm các sản phẩm này. Qua nghiên cứu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì quy định về thuốc lá nêu rõ: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Như vậy, nếu hiểu đúng thì thuốc lá điện tử cũng là một trong “các dạng khác” ấy. Nhưng một số ý kiến cho rằng, định nghĩa này chưa rõ nên việc có biện pháp mạnh cấm, xử phạt chỉ ở mức độ hạn chế. Quan điểm của Bộ Y tế là sẽ thảo luận với các bộ ngành liên quan, xin ý kiến Chính phủ để làm rõ hơn định nghĩa về thuốc lá trong luật và có những biện pháp cụ thể thể hiện ở các văn bản, nghị định, thông tư dưới luật để chúng ta có thể ngăn chặn đẩy lùi việc thuốc lá điện tử tràn lan hiện nay.

Tôi cho rằng, một trong số nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nước ta là do thuế thuốc lá còn thấp và chi phí thuốc lá rất rẻ so với các quốc gia trên thế giới và ngay cả các nước trong khu vực. Rõ ràng, thuế thấp, giá thành rẻ sẽ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp.

Để an toàn cho sức khỏe, nhiều người hút thuốc lá đang có xu hướng chuyển sang hút thuốc lá thế hệ mới như một giải pháp giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Vậy hút thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng có ít nguy cơ đối với sức khỏe hơn so với thuốc lá thông thường không, thưa ông?

- Trong những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng bắt mắt và nhiều hương vị hấp dẫn. Cách thức thu hút này nhắm vào giới trẻ. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu truyền thống giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong độ tuổi thanh thiếu niên. Trào lưu hút thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng xâm nhập vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên.

Trở lại câu hỏi, tôi khẳng định, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường và cũng không phải sản phẩm ít hại, ít nguy cơ đối với sức khoẻ.

Trong thuốc lá điện tử có nhiều loại hóa chất độc hại. Chỉ trong riêng khói của thuốc lá điện tử có thể chứa chất gây ung thư. Tôi cũng đặt vấn đề nếu như đơn vị sản xuất hay người bán thuốc lá điện tử tâm không tốt, không trung thực thì rất có thể họ đưa các chất gây nghiện vào trong thuốc lá điện tử. Như chúng ta đã thấy thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ việc học sinh bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu liên quan tới thuốc lá điện tử. Báo cáo tại một số cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, hầu hết các xét nghiệm của những trường hợp học sinh nhập viện liên quan tới thuốc lá điện tử đều có các chất gây nghiện trong thuốc lá thế hệ mới. Việc giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thuốc lá đang gây nhiều hệ lụy khó lường.

Mặc dù thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng là mặt hàng cấm quảng cáo nhưng trên thực tế không khó để bắt gặp các quảng cáo thuốc lá trên các nền tảng mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang có nhiều kẽ hở để thuốc lá dễ dàng len lỏi, tiếp cận giới trẻ?

- Hiện nay, việc thực thi các quy định pháp luật, xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến: bán thuốc lá, quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, hút thuốc lá tại nơi công cộng... vẫn còn phổ biến.

Bên cạnh đó, ở nước ta, thanh thiếu niên không bị từ chối khi mua thuốc lá. Thậm chí, các đơn bị sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử còn nhắm tới giới trẻ. Không ít hình ảnh người nổi tiếng, thần tượng của giới trẻ được sử dụng để quảng cáo, bán các sản phẩm thuốc lá. Đây là một thách thức lớn trong công tác phòng chống thuốc lá của chúng ta hiện nay.

Trào lưu hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang ngày càng gia tăng.

Vậy Việt Nam cần tăng cường giải pháp gì trong tình hình mới, thưa ông?

- Tôi cho rằng, Việt Nam cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn gia tăng sức mua, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Sử dụng chính sách thuế và giá là giải pháp hiệu quả cao trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Việc này cũng đã được chứng minh ở rất nhiều quốc gia khi tăng thuế và giá thuốc lá. Ví dụ, nếu ở nước ta, giá thuốc lá tăng từ 20-30 nghìn đồng/bao lên 50-60 nghìn đồng/bao thì khi mua thuốc lá, người ta sẽ phải suy nghĩ, đặc biệt là người hút thuốc có thu nhập thấp, thanh thiếu niên, học sinh…

Bên cạnh đó, cần tăng cường thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan tới hút thuốc lá tại nơi cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu. Đồng thời, nâng cao tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Qua đây, tôi khuyến cáo các bạn trẻ không nên sa đà vào thuốc lá điện tử, dễ gây nghiện. Đồng thời các nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của ma túy, thuốc lá điện tử, giúp các em có kiến thức cơ bản, tư duy và cái nhìn đúng đắn để phòng ngừa các tệ nạn, đặc biệt là tệ nạn ma túy.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cứ 2 người hút thuốc lá, có 1 người sẽ chết sớm

Sáng 27/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31/5.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Đây cũng là nguyên nhân gây bệnh tật, tử vong hàng đầu. Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học. Ước tính, cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó, 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dù công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, những năm gần đây, xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.

Năm 2023, WHO chọn thông điệp “Chúng ta cần lương thực, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5).

P.V

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)