Năm 2023 chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm có tăng?
Trong khi tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước thì năm 2023, Bộ GDĐT sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm cho 16 trường.
Nhiều địa phương không có nhu cầu tuyển giáo viên
Bộ GDĐT vừa có công văn gửi 16 trường đại học, cao đẳng về việc không giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 cho các trường này.
Lý do Bộ GDĐT không giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 cho các trường này bởi trường trực thuộc các địa phương đã có văn bản thông báo không có nhu cầu đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, một số trường đã sáp nhập với các cơ sở giáo dục và đào tạo khác hoặc chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo.
Theo đó, 11 trong số 16 trường thuộc các địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên năm nay, gồm: Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam.
Bốn trường cao đẳng đã sáp nhập vào cơ sở đào tạo khác gồm các trường cao đẳng sư phạm: Hà Tây, Hà Giang, Bình Thuận, Hải Dương. Duy nhất Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế không được giao chỉ tiêu tuyển sinh do chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo.
Cụ thể danh sách các trường không được giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 như sau:
Các trường đại học được giao chỉ tiêu đào tạo
Căn cứ nhu cầu của các địa phương, bộ, ngành về nhân lực giáo viên trình độ đại học chính quy, Bộ GDĐT cũng vừa có quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sư phạm năm 2023 cho các trường đại học trên cả nước.
Bộ GDĐT nhấn mạnh, các trường đại học, cao đẳng sư phạm trực thuộc UBND tỉnh, thành phố, Bộ, ngành chỉ tuyển sinh khi được giao chỉ tiêu và kinh phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.
Trong đó, năm 2023 Trường Đại học Sư phạm TPHCM được giao tuyển 1.710 chỉ tiêu cho 22 ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, ngành Giáo dục tiểu học có số lượng chỉ tiêu cao nhất là 320. Một số ngành có số lượng chỉ tiêu thấp nhất chỉ có 20 chỉ tiêu như: Sư phạm Hoá học, Sư phạm Địa lý, Giáo dục đặc biệt, Giáo dục công dân…
Trường Đại học Sài Gòn được duyệt tuyển 940 chỉ tiêu cho 15 ngành sư phạm. Trong đó, ngành Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non có chỉ tiêu tuyển cao nhất 180.
Trường Đại học An Giang được giao 514 chỉ tiêu, cao nhất là ngành Giáo dục tiểu học 200 chỉ tiêu. Trường Đại học Đà Lạt được duyệt 318 chỉ tiêu.
Ở các trường đại học phía Bắc, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được giao tuyển sinh 617 chỉ tiêu đào tạo giáo viên.
Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương được giao 666 chi tiêu tuyển. Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 tuyển 919 chỉ tiêu cho 15 ngành sư phạm.
Trường Đại học Hồng Đức được duyệt 985 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, giảm 100 chỉ tiêu so với năm trước.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, đến hết 2022, nước ta thiếu 94.700 giáo viên nhưng ngành giáo dục cũng thừa cục bộ hơn 10.300 người.
Bộ GDĐT nhìn nhận, hiện nay tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học diễn ra ở nhiều địa phương; thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với cấp học THPT khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023.
Theo quyết định của Bộ Chính trị ký ban hành năm 2022 về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 cần bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.