Tìm hướng đi cho thủy sản
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu khó khăn đang khiến nhiều doanh nghiệp phải vất vả tìm kiếm đơn hàng. Trong đó có cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam.
Thiếu đơn hàng, khan nguyên liệu
Thông tin từ VASEP, tháng 4/2023 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 khi giảm 38%, còn đạt 67 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam giảm 33%, đạt gần 248 triệu USD. Các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu cá ngừ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường nhập khẩu lao dốc, giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao chạm đỉnh, chi phí sản xuất cũng tăng…
Trong tháng 5, giá cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh cỡ >1,8kg tại Bangkok đã tăng lên mức 2.050 USD/tấn, tăng gần 21% chỉ trong 3 tháng, và tăng 8% so với cùng kỳ. Đây là mức giá cao nhất trong 5 năm qua.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Hà - chuyên gia của VASEP, thị trường Mỹ vẫn tiếp tục giảm sâu khi người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn. Người dân Mỹ đang dần cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn... Tình trạng này đã khiến cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục giảm sâu 60% trong tháng 4. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ giảm 55%, chỉ đạt gần 90 triệu USD. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ từ mức 50% trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giảm xuống còn 36% trong cùng kỳ năm nay.
Vẫn theo bà Hà, không chỉ vậy xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường truyền thống đều giảm trong tháng 4. Xuất khẩu cá ngừ sang EU sau khi tăng nhẹ 5% trong tháng 3 nhưng lại đảo chiều trong tháng 4. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong tháng 4 chỉ đạt gần 11 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm 9%, đạt hơn 48 triệu USD.
Tuy nhiên, tín hiệu khả quan là một số thị mới tăng mạnh, như Israel tăng 49% và Nga tăng 486%.
Đáng chú ý trong tháng 4 là sự vượt lên của Lithuania. Sau khi sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Lithuania đã tăng trưởng liên tục trong 2 tháng trở lại đây. Điều này đã giúp Lithuania vượt qua Italy trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 3 trong khối EU, sau Đức và Hà Lan. Cùng với Lithuania, xuất khẩu cá ngừ sang Đức cũng đã tăng trở lại trong tháng 4, với mức tăng 25% so với cùng kỳ.
Cần tiếp sức về vốn
Mặc dù vậy, thị trường xuất khẩu suy giảm khiến DN xuất khẩu gặp khó cả về việc tìm kiếm đơn hàng và vốn mua nguyên liệu của ngư dân để dự trữ; nhưng để giữ chân lao động và tiêu thụ cá ngừ cho ngư dân, DN vẫn cố duy trì sản xuất qua việc gia tăng sản xuất cá ngừ chế biến, đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để bù lại các thị trường chính bị giảm sút.
Đại diện VASEP tại thị trường Mỹ cho rằng, trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, khiến lượng tồn kho tăng cao; chi phí đầu vào tăng… nhiều DN phải hoạt động cầm chừng, rất cần sự tiếp sức từ nhà nước.
Trong khi đó, VASEP cho rằng hậu quả của lạm phát kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đang là một trong những khó khăn cho ngành thủy sản, trong đó có xuất khẩu cá tra. Người nuôi và DN thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức từ thị trường sụt giảm, chi phí nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê, xuất khẩu tất cả các sản phẩm cá tra đều âm. Trong đó, xuất khẩu cá tra phile/cắt khúc đông lạnh (mã HS 0304) đạt 471 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 45%. Xuất khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (mã HS 03) đạt 89 triệu USD, giảm 9%, xuất khẩu cá tra chế biến (mã HS 16) đạt 9 triệu USD, giảm 23%.
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, từ đầu năm tới nay, các DN Việt Nam đã tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như các chương trình giao thương trong nước, hy vọng sẽ tăng thêm các kết nối và thu hút được bạn hàng nhiều hơn trong thời gian tới và từ đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang trông chờ một “bệ đỡ” để trụ vững trong năm 2023, trước mắt là “tìm đường bơi” cho con cá ngừ, để dần có đà hồi phục khi thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Người nuôi cá lóc thua lỗ
Đó là xuất khẩu, còn với thị trường trong nước, người nuôi cá lóc tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp khó khăn khi giá cá xuống thấp. Nhiều hộ treo ao, có hộ chuyển sang nuôi các loại cá khác. Theo tính toán của người nuôi, giá thức ăn dao động trong khoảng 500.000 - 530.000 đồng/bao (25 kg/bao). Để nuôi cá lóc đến khi thu hoạch người dân cần khoảng 1,3 kg thức ăn/1 kg cá thương phẩm. Tính toán thêm giống, chi phí thuốc, điện... giá thành mỗi kg cá lóc người dân phải đầu tư không dưới 32.000 đồng (chưa tính nhân công). Trong khi giá cá thương phẩm dao động từ 24.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) cho biết, đến thời điểm này sản lượng thu hoạch cá lóc của huyện đạt 2.800 tấn. Bà con đều phải bán dưới giá thành, thua lỗ khá nặng. Trên địa bàn huyện chỉ còn hơn 280 hộ dân thả nuôi cá lóc, giảm hơn 50% so với trước đây.
Huyện Hồng Ngự và Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) cũng là hai địa phương nuôi cá lóc nhiều, tuy nhiên người dân đang chịu thua lỗ nặng khi phải bán lỗ khoảng 4.000 đồng/kg, chưa kể tiền thuê ao nuôi. Trong khi đó, nuôi cá lóc mất 6 - 7 tháng mới cho thu hoạch.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu cho ngành thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay, ngoài những giải pháp trọng yếu được giao cho ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thị trường, thể chế, thuế phí; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.