Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc 'Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc' lần thứ VIII, giai đoạn 2023-2028 - Bác Hồ với đồng bào Công giáo Nam Định

Trần Duy Hưng 29/05/2023 07:00

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định đã tổ chức nhiều hoạt động trang trọng, ý nghĩa kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Nam Định (21/5/1963-21/5/2023).

Giáo xứ Thạch Bi (xã Nam Thái, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) ngày nay.

Trong dịp đặc biệt này, cán bộ, nhân dân trong tỉnh, các nhà nghiên cứu đã hồi tưởng, chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc, câu chuyện cảm động về tình cảm, những lời dạy giản dị nhưng sâu sắc, vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay của Bác dành cho Đảng bộ, nhân dân Nam Định trong 5 lần được đón Người về thăm.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Nam Định 60 năm thực hiện lời dạy của Bác”, PGS.TS Đỗ Lan Hiền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, năm 1945, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Bác đã mời một số chức chức sắc Công giáo, trong đó có Giám mục Hồ Ngọc Cẩn - Giám mục Giáo phận Bùi Chu (Nam Định) làm cố vấn cho Chính phủ. Và 1 năm sau, vào ngày 10/1/1946, trong điều kiện nước nhà vừa giành được độc lập, ngổn ngang nhiều việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian về thăm Nam Định. Trong lần đầu về thăm tỉnh, Bác đã dành thời gian đến thăm trại trẻ mồ côi ở phố Hàn Thuyên (TP Nam Định), do các nữ tu dòng Thánh Phaolô phụ trách.

Trong buổi nói chuyện với cán bộ tỉnh Nam Định (ngày 24/4/1957), Bác căn dặn: Phải đoàn kết, đoàn kết từ trên xuống, từ trong ra ngoài, cán bộ cũ - mới đoàn kết, đảng viên cũ - mới đoàn kết, lương - giáo đoàn kết.

Trong lần cuối về thăm, dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V (tháng 5/1963), Bác chỉ ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. Bác dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào Công giáo ở địa phương. Bác căn dặn Đảng bộ, chính quyền phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào. Bác khen ngợi đồng bào Công giáo Nam Định đã hưởng ứng mô hình kinh tế tập thể, tham gia vào hợp tác xã (HTX). Bác nhắn nhủ Đảng bộ và chính quyền phải ra sức giúp đỡ củng cố và phát triển tốt các HTX của đồng bào Công giáo nhằm làm cho HTX ngày càng vững chắc, xã viên thu nhập ngày càng tăng, đời sống ngày càng no ấm hơn. Bác nhấn mạnh, đồng bào Công giáo càng hiểu rõ chính sách của Đảng thì càng gắn bó với HTX hơn.

Theo PGS.TS Đỗ Lan Hiền, những tư tưởng, tình cảm, phong cách ứng xử của Bác với đồng bào Công giáo Nam Định cùng với chính sách tôn giáo đúng đắn trên nguyên tắc “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” đã khơi dậy và khích lệ người Công giáo Nam Định tích cực tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương đất nước.

Năm 1945, hưởng ứng Lời kêu gọi ủng hộ “Tuần lễ vàng” của Chính phủ để kiến thiết đất nước, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã nói: “Khi tôi thụ phong Giám mục, có một đấng biếu tôi Thánh giá và dây đeo bằng vàng. Nhưng tôi nghĩ, trên có giời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này, tôi vui lòng chia vật Thánh giá thiêng liêng này làm 2. Thánh giá tôi giữ lại để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi xin dùng để phụng sự quốc gia”.

“Tinh thần yêu nước của người đứng đầu giáo phận của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã lan tỏa trong đồng bào Công giáo Nam Định, là gạch nối đưa Đạo vào Đời, là động lực để đồng bào Công giáo Nam Định tích cực tham gia cách mạng, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần đưa 2 cuộc kháng chiến (năm 1945 và 1954) của nhân dân ta đi đến thắng lợi” - PGS.TS Đỗ Lan Hiền nhìn nhận.

Trong lịch sử kháng chiến, Nhà nước đã ghi nhận công lao to lớn của đồng bào Công giáo Nam Định đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, với 544 gia đình là cơ sở bí mật, 54.000 lượt anh chị em thanh niên Công giáo lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 1.700 người người Công giáo Nam Định đã hy sinh cho Tổ quốc, gần 1 nghìn thương binh, 23 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Giáo dân xứ Vinh Phú (xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh) được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện nay, Nam Định là một trong những tỉnh có đông đồng bào theo đạo Công giáo nhất cả nước (470 nghìn tín đồ, tương đương 25% dân số toàn tỉnh). Đồng bào Công giáo Nam Định luôn giữ vững đức tin và chu toàn bổn phận công dân. Nhiều giáo dân ở Nam Định là cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện là người Công giáo. Nhiều cấp ủy viên, bí thư chi bộ là người Công giáo. Đặc biệt, hơn 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của các cấp chính quyền và dưới “mái nhà chung” MTTQ Việt Nam, đồng bào công giáo Nam Định, từ các chức sắc đến tín đồ đã luôn đoàn kết, có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, như hiến đất làm đường, công trình phúc lợi; bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự; phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; duy trì, nâng cao chất lượng phong trào “xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”…, góp phần đưa Nam Định trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 sớm hơn 1,5 năm. Từ năm 2020 đến nay tỉnh tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu với kết quả đến năm 2023 toàn tỉnh đã có 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Riêng huyện Hải Hậu, huyện có rất đông đồng bào Công giáo đang phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu.

Trần Duy Hưng