Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Việt Á

Mai Loan 29/05/2023 10:13

Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụngcác nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Kết quả giám sát cho thấy: Về việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Từ tháng 1/2020-1/2023, Quốc hội đã ban hành 6 Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết, xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội, giảm nhẹ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 23 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 Quyết định, hàng trăm văn bản (chỉ thị, công điện, thông báo) để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; các bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều nỗ lực, chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, kịp thời ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Hệ thống văn bản pháp luật do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành đảm bảo phù hợp với Hiến pháp; cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch theo từng giai đoạn, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, huy động sự vào cuộc và đóng góp của toàn xã hội cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; góp phần giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện chủ động, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách. Đến 31/12/2022: Tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội làkhoảng 230 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 186,4 nghìn tỷ đồng vàtài trợ, viện trợ khoảng 43,6 nghìn tỷ; Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ vaccine phòng Covid-19; Tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng; Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch; Các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Quốc hội trân trọng sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình yêu thương, lòng nhân ái, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam; là nguồn cổ vũ, động viên, qua đó, mỗi người dân thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đất nước.

Đến ngày 31/12/2022, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được sử dụng như sau: hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên 87.000 tỷ đồng; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch (quân đội, công an, y tế ...) là 4.487 tỷ đồng; mua vaccine phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm là 2.593 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm là 5.291 tỷ đồng; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 là 719 tỷ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế là 89 tỷ đồng; hổ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến là 403 tỷ đồng; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến là 96 tỷ đồng; chi khác khoảng 2.600 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự kỳ họp (Ảnh: Quang Vinh).

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát chỉ rõ, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch, đặc biệt trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19; nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện việc huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch. Các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chịu trách nhiệm chính trong việc chưa kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thanh toán, quyết toán, bàn giao tài sản, xác lập sở hữu toàn dân đối với các tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong một số trường hợp ban hành văn bản còn chậm, chưa kịp thời xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh, tháo gỡ khó khăn trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đoàn giám sát nhận thấy, trong giai đoạn 2018-2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch Covid-19.

Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% các đơn vị hành chính cấp huyện đều có trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, trên 70% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.

Hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh.Nhân lực làm công tác y tế dự phòng được quan tâm đào tạo, phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn. Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễmvà bệnh truyền nhiễm đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ghi dấu trong cộng đồng quốc tế với nhiều “điểm sáng” như Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A(H1N1); khống chế, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm; cơ bản đã khống chế dịch HIV/AIDS và đặc biệt là việc kiểm soát được dịch Covid-19.

Tuy nhiên nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng có lúc, có nơi còn chưa sát sao; hành lang pháp lý để y tế cơ sở, y tế dự phòng hoạt động còn chưa hoàn thiện, đồng bộ; công tác phối hợp liên ngành nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng còn chưa chặt chẽ.

Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định, trải qua nhiều lần thay đổi, mô hình quản lý trung tâm y tế huyện chưa thực hiện thống nhất trên cả nước, làm ảnh hưởng tới việc bố trí, sắp xếp, ổn định nhân lực, sử dụng và quản lý vật lực, tài lực. Một số loại hình tổ chức như y tế tư nhân, y tế trường học, y tế cơ quan, tổ chức cũng thực hiện nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu song chưa thuộc phạm vi của hệ thống y tế cơ sở. Chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y dược cổ truyền trong hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn. Nhiều địa phương báo cáo có tình trạng thiếu nhân lực tại y tế cơ sở, trong đó có cả những thành phố lớn là thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các địa phương phản ánh tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các trạm y tế xã, trong đó, nhiều trạm y tế xã chưa có đủ số lượng nhân lực y tế theo các chức danh được quy định, bao gồm bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sỹ, y học cổ truyền, gây ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Số lượng các bác sĩ tại trạm y tế xã có xu hướng giảm. Trong 4 năm từ 2018-2021, tổng số bác sĩ xã giảm là 2.238 người, năm 2020 có số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019). Có sự chênh lệch về số lượng và chất lượng về nhân lực y tế giữa khu vực điều trị và dự phòng, giữa các chuyên ngành của lĩnh vực y tế, giữa trung ương và địa phương, giữa thành thị và nông thôn. Thiếu cán bộ y tế ở khu vực y tế dự phòng và một số chuyên khoa như phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng...cán bộ y tế có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh và trung ương. Nguyên nhân chính là do sự khác biệt về thu nhập cũng như môi trường làm việc, điều kiện phát triển của nhân viên y tế giữa các chuyên ngành, giữa các tuyến.

Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao (chỉ có 38% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục thuốc và 27,6% trạm y tế xã thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn).

Một số địa phương có tỷ lệ chi cho y tế dự phòng chưa đạt 30% trên tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; trong khi tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở là khoảng 75% thì tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, trong đó tại y tế xã chỉ đạt 1,7%. Vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới.

Khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền chưa đồng đều, đặc biệt ở tuyến xã vẫn còn ở mức hạn chế. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở, sử dụng dịch vụ dự phòng còn chưa cao, tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được khắc phục triệt để. Khi phải đối mặt với những tình huống y tế khẩn cấp trên diện rộng như dịch Covid-19, hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi bộc lộ rõ những tồn tại, yếu kém.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm trong đó chủ yếu là do nhận thức về vị trí, vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ, chưa thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc, là căn bản của công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Cơ chế tài chính và cơ chế quản lý chưa tạo điều kiện cho y tế cơ sở, y tế dự phòng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu, chưa tạođộng lực để y tế cơ sở, y tế dự phòng hoạt động và phát triển, chưa đủ sức thu hút vàđể nhân viên y tế gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng. Giai đoạn 2020-2022, hầu hết nguồn lực dành cho y tế cơ sở, y tế dự phòng phải chuyển sang cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công tác theo dõi, hướng dẫn, thống kê số liệu, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được thực hiện thường xuyên.

Trách nhiệm chính đối với các tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhất là cơ quan quản lý nhà nước về y tế có trách nhiệm trong việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm, thiếu, có lúc còn chồng chéo; việc tham mưu xử lý các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo yêu cầu.

Qua giám sát, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp; xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá; xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Hoàn thành dứt điểm việc thực hiện các giải pháp được quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể đối với các công việc như: việc thanh toán, quyết toán chi phí dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo khối lượng thực tế phát sinh đối với dịch vụ xét nghiệm theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng.

Bên cạnh đó, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở khu vực đô thị, nông thôn. Tổ chức hoạt động của trạm y tế xã gắn với đẩy mạnh quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng và thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, kết hợp quân y và dân y; gắn hoạt động của y tế trường học với trạm y tế xã. Huy động các cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng theo quy định của pháp luật và thực hiện kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân.

Các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Mai Loan