Mong muốn chuyển hóa bạo lực thành yêu thương

CẨM THUÝ (thực hiện) 05/06/2023 10:15

Cho dù đã bước sang thập niên thứ ba của thế kỉ 21, thật đau lòng và khó tưởng tượng khi trong xã hội vẫn tồn tại những sự việc phụ nữ, trẻ em bị bạo hành nhức nhối. Một phụ nữ lấy chồng Hải Dương bị chồng đánh bầm dập nhiều lần phải tìm mọi cách mới chạy thoát về quê; một đứa trẻ bị người đàn ông sống chung với mẹ đánh tới hôn mê… là hai sự việc mới nhất vừa xảy ra.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia về bạo lực giới và gia đình Nguyễn Vân Anh - người từng được Tạp chí Forbes Việt Nam bầu chọn là một trong 50 phụ nữ quyền lực nhất của năm vì ảnh hưởng của bà ở lĩnh vực bảo vệ quyền của những người yếu thế, trẻ em và phụ nữ bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực - xung quanh câu chuyện bạo lực phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra.

PV: Đánh giá một cách khách quan nhất, sau hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bạo lực giới và gia đình, ở góc nhìn của một chuyên gia, bà có nhìn thấy sự chuyển biến trong nhận thức về bạo lực giới không?

Chuyên gia Nguyễn Vân Anh.

Chuyên gia NGUYỄN VÂN ANH: Có chứ! Đã có thay đổi rất nhiều so với cách đây hơn 20 năm. Lúc đó người ta nghĩ từ "bạo lực" chỉ dùng để nói về chiến tranh giữa các quốc gia. Không ai nói về gia đình lại dùng chữ bạo lực. Hoặc là "cưỡng hiếp" thì người ta nghĩ rằng chỉ sử dụng với người ngoài thôi tại sao trong hôn nhân cũng có cưỡng hiếp. Xã hội lúc đó coi việc vợ chồng là đương nhiên, không có hành vi cưỡng hiếp trong hôn nhân.

Đến bây giờ, hơn 20 năm sau, những quan niệm đó đã thay đổi rất nhiều. Khái niệm về bạo lực giới và bạo lực gia đình đã được biết đến ở Việt Nam. Tuy nhiên điều đáng buồn là nhận thức thay đổi nhưng hành vi thì chưa thay đổi nhiều.

Theo bà thì nhận thức của phụ nữ hay của nam giới thay đổi nhiều hơn?

-Theo tôi, nhận thức của phụ nữ thay đổi nhiều hơn. Tôi có cảm giác đàn ông Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn "đứng một chỗ". Có lẽ vì nam giới từ xưa đến giờ trong gia đình vẫn được đặc quyền to nhất, cho nên họ chẳng cảm thấy họ cần phải thay đổi hay học hỏi cái gì cả (Cười).

Theo CSAGA, kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, khoảng 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và/hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời.

Một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực về thể chất và/hoặc bạo lực tình dục do người chồng/bạn tình gây ra không kể cho bất cứ ai về tình trạng của họ và hầu hết những người trong số họ (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào.

Hoạt động trong lĩnh vực này nhiều năm, lắng nghe nhiều câu chuyện, bà có thể lý giải vì sao hành vi này chưa thay đổi nhiều? Có phải như bà nói là do đàn ông vẫn "đứng một chỗ"?

-Qua các phương tiện truyền thông, hiện tại hiểu biết về bạo lực của cả nam giới và phụ nữ đã được cải thiện. Song tư tưởng nam quyền vẫn đang rất nặng nề, ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt, dẫn đến tình trạng một bộ phận người chồng/bạn tình có nhiều mưu mô trong việc đối phó, che đậy hành vi bạo lực.

Chẳng hạn, nhiều ông chồng lôi vợ vào góc khuất, tránh camera để đánh vợ. Thậm chí, rất tiếc khi phải thừa nhận rằng trong thời đại xã hội phát triển, tình trạng bạo lực đã ghi nhận những xu hướng, biến thể mới. Ngày nay, phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng cũng có nguy cơ bị bạo lực.

Ảnh minh họa.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, bà Nguyễn Vân Anh bắt đầu công việc là phóng viên Diễn đàn các vấn đề xã hội Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng những vấn đề xã hội bà gặp khi đi viết báo ám ảnh tới mức đã khiến bà quyết định chuyển sang tham gia các hoạt động xã hội về giới và bình đẳng giới, trong đó đặc biệt là vấn đề bạo lực giới, vận động phụ nữ và trẻ em chống lại bạo lực gia đình.

Bà là người khởi xướng đường dây nóng (hotline) về bạo lực gia đình đầu tiên ở Việt Nam, với hơn 20 năm hoạt động xã hội phát triển đường dây nóng thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA).

Theo bà, về mặt chính sách, làm thế nào để thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ hơn không phải chỉ ở nhận thức mà cả hành vi trong vấn đề bạo lực giới và gia đình?

-Theo tôi được biết thì Chính phủ đang lấy ý kiến thảo luận để thông qua Nghị định về phòng, chống bạo lực gia đình trong đó khuyến khích các mô hình dịch vụ hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập. Trước đó, cũng đã có các nghị định về các trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập với những điều khoản rất nhân văn. Chỉ cần các ngành, các địa phương tuân thủ Luật, nghị định và các văn bản pháp luật khác là phụ nữ được nhờ rồi.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu khoa học về giới, bạo lực giới và gia đình của các cơ quan nghiên cứu nhà nước đang tác động như thế nào đến chính sách ở lĩnh vực này?

-Tôi không đủ thông tin để đánh giá họ. Nghiên cứu gì thì cuối cùng phải đạt được đến mức thay đổi các chính sách xã hội nhằm tác động trên một diện rộng ở cấp quốc gia. Còn các đề tài nghiên cứu mang tính đặt hàng, làm xong thì rồi cũng quên luôn, hôm nay đặt hàng cái này mai đặt hàng cái khác, không dẫn đến những tác động xã hội.

Sự kiên định với một chủ đề đòi hỏi rất nhiều sự hi sinh, sự quyết liệt, tình yêu và sự đam mê. Hơn 20 năm qua nếu nhảy vào rất nhiều lĩnh vực thì có lẽ chúng tôi không chuyên sâu được như bây giờ.

Với CSAGA, bà đã chứng minh mình đủ đam mê, sự hy sinh và tình yêu với công việc đó?

- Tôi nghĩ rằng một trong những mặt mạnh mà cũng là nhược điểm của tôi đấy là sự đam mê và sự kiên định. Kiên định theo đuổi một mục đích, đam mê trong công việc của mình và luôn luôn tìm các hướng mở khác nhau để làm vấn đề của mình. Nhưng giữa thời trẻ và bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Nếu như ngày xưa sự theo đuổi đấy chỉ nhằm một hướng rất thẳng và quyết liệt để đạt đến đích nào đấy thì bây giờ điều đó không còn nữa. Có nghĩa là tôi vẫn còn nguyên đam mê, nhưng tôi biết bằng lòng với kết quả của đam mê đấy tạo nên và tiếp tục bước tiếp. Trong con người tôi hiện tại không có sự bức xúc mà thời tuổi trẻ rất mạnh.

Vậy hiện nay bà có quan điểm như thế nào để tác động tới việc thay đổi hành vi của xã hội đối với vấn đề bạo lực giới và gia đình?

-Tôi không phải là người đấu tranh để chống lại bạo lực. Tôi chỉ là người góp phần để thay đổi tình trạng bạo lực đối với những người bị bạo lực trên cơ sở giới, với mong muốn là được chuyển hóa bạo lực thành tình yêu thương.

Tôi là người tình cảm và lãng mạn, mà một người tình cảm và lãng mạn thì sẽ không bao giờ chống lại cái gì cả, người ấy không đấu tranh, người ấy chỉ muốn chuyển hóa thôi. Nên bạn sẽ thấy CSAGA có một chương trình rất kì lạ là tác động đến nam giới và trẻ em trai. Chúng tôi muốn những người gây ra bạo lực sau khi tiếp xúc với chương trình của chúng tôi thì họ trở thành những người có thể đem hạnh phúc cho bản thân họ, biết cách sống hạnh phúc với họ và với những người thân.

Mô hình nhà tạm lánh

Hiện nay, với sự hợp tác của một số tổ chức quốc tế, CSAGA đang triển khai mô hình nhà tạm lánh có tên là Ngôi nhà Ánh Dương ở một số địa phương: TPHCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa. Mô hình được thành lập trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tác động của Covid-19 lên nhóm dân cư dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến trình quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Mục đích hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương nhằm phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ những người bị bạo lực trên cơ sở giới thông qua đường dây nóng 024 3333 5599 hoạt động 24/7 và cung cấp nơi tạm trú cho người bị bạo lực.

Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tổng hợp cho phụ nữ, trẻ em gái đang gặp phải hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.

Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư và bí mật.

Quan niệm này có khác gì so với thời kỳ đầu tiên bà tham gia hoạt động trong lĩnh vực này không?

-Có khác. Hồi đầu tôi quyết liệt khiến mọi người nghĩ tôi đang đấu tranh cho nữ quyền, bởi vì tôi không chấp nhận sự lưng chừng, sự thờ ơ vô cảm đối với những thứ liên quan đến số phận con người. Thực ra sau này tôi đã phải nhìn lại, nhìn mọi thứ bằng tình thương hơn, kể cả với những kẻ gây ra tội lỗi với phụ nữ và trẻ em.

Vì sao bà lại có sự thay đổi đó?

-Tôi đọc “Một mình và cô đơn” của Oslo. Ông ấy nói rằng cô đơn là một cảm giác tiêu cực, nó là cảm giác của người đi xin. Người cô đơn là người thiếu hụt và cần sự bù đắp. Còn người một mình là người đó lặng xuống, vững vàng và yên ổn về sự một mình của mình. Tôi nghĩ trong công việc cũng như vậy, bây giờ tôi vẫn vận động cho công bằng và bình đẳng giới, nhưng bằng tâm thế bình tĩnh và thấu hiểu trong bối cảnh hiện tại.

Trong trường hợp cấp bách khi phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, mô hình nhà tạm lánh có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

-Lần đầu tiên đến cách đây hơn 20 năm, lúc ấy Thái Lan còn chưa có cái nhà tạm lánh nào. Nhưng mới đây tôi trở lại thì tất cả các bệnh viện đều có trung tâm hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới ở ngay cổng viện, màu hồng êm ái thân thiện. Tôi từng thăm 2 nhà tạm lánh lớn nhất của Thái Lan, và 1 trong 2 cái đó là nhà tạm lánh lớn nhất thế giới, nó như một cái resort. Giá mà Bộ Y tế tới đây có thể triển khai làm nhà tạm lánh ngay tại cổng các bệnh viện thì thật tuyệt.

Cùng với việc trông chờ chính sách và các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, bà mong muốn điều gì ở nạn nhân của bạo lực gia đình?

-Trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, một trong những điều khi hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực giới là chúng tôi khích lệ sự tự cường để tự giải quyết vấn đề của mỗi người mà không trông chờ. Cái này không phải chỉ phù hợp đối với lúc giãn cách, mà lúc nào cũng vậy.

Xin cảm ơn bà!

Ngăn chặn bạo lực gia đình là tạo thêm cơ hội cho mỗi cá nhân phát triển

Do công việc của mình, tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với các phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình. Không thể nói hết những trải nghiệm đau đớn mà họ cũng như con cái họ phải chịu đựng. Tuy nhiên, tôi muốn nói đến một khía cạnh ít được quan tâm: Bạo lực gia đình có thể làm thui chột mọi năng lực, lấy đi nguồn năng lượng và làm suy giảm sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Đó là một thiệt thòi lớn cho người trong cuộc cũng như cho xã hội.

Tôi nhớ đến một nữ trí thức từng bị người chồng hành hạ cả chục năm ròng. Khi nào anh ta cũng nói vợ là người đàn bà xấu xí, ngu dốt, ít hiểu biết. Anh đã khiến cho vợ thấy hình ảnh của mình luôn là người kém cỏi, chẳng bằng ai. Và rằng xung quanh, những người đàn bà khác luôn có giá trị hơn cô về mọi mặt. Vì vậy, theo anh ta, cô đáng bị đối xử không ra gì. Cô phải phục vụ chồng vô điều kiện. Cô có nhiệm vụ kiếm tiền, chăm sóc con cái, giặt giũ, nấu nướng và phục vụ anh cùng bạn bè trong các bữa nhậu. Cô cũng phải chấp nhận việc ngoại tình của chồng vì anh cho rằng, đó là quyền của người đàn ông.

Tôi chắc khi đọc câu chuyện này, nhiều người sẽ bảo: Trí thức gì mà không biết cách phản kháng? Tại sao chấp nhận?

Có một sự thực ít người thừa nhận là: câu chuyện này có thể tồn tại khá phổ biến trong nhiều gia đình trí thức tại Việt Nam. Không ai muốn thừa nhận, vì chúng ta quen với việc kể chuyện hạnh phúc, phô bày cái đẹp, cái tốt. Và đậy lại cái thối tha, vô lý và ngu muội. Nhưng chừng nào chúng ta còn đậy lại thì có nghĩa là chúng ta còn đang cam chịu và chấp nhận .

Vòng tròn bạo lực bây giờ đã trở thành kiến thức phổ biến, rất nhiều người đã biết đến nó và hiểu ra vì sao mình lại cam chịu đến thế khi cứ tiếp tục chung sống theo cách chịu đựng. Chúng ta đã hiểu sau mỗi lần bạo lực, người đàn ông đầu gối tay ấp lại quỳ xuống xin tha thứ với lời nói dịu dàng: nếu em không nói láo, anh đã không đánh em. Có thể người đàn ông còn mua cho vợ, người tình vòng và nhẫn nếu anh ta giàu. Nghèo thì có thể là nấu cho bữa cơm… Và ta lại hy vọng. Anh ấy yêu thương mình. Mà mình thì chỉ cần có thế. Và thế là, một bước cam chịu cho những lần cam chịu tiếp theo.

Đó là lý do khiến cho người đàn bà hơn 60 tuổi ở Hà Tĩnh bị chồng đánh hơn 40 năm. Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi bà bị ông chồng già hơn 70 tuổi cắt hết gân chân tay nằm thoi thóp trên vũng máu. Hàng xóm đưa bà đi cấp cứu và công an đến bắt kẻ vũ phu đi tù.

Đó là lý do khiến người vợ ở Phủ Lý - Hà Nam đã phải chết vì đòn của chồng và gia đình nhà chồng. Khi người đàn ông có nhân tình, anh ta tìm mọi cách hạ nhục để vợ phải ra đi. Nếu chị không cam chịu, nếu chị tìm kiếm sự trợ giúp hiệu quả, có thể hôm nay con cái chị đã không phải sống trong cảnh côi cút vì mẹ chết, bố đi tù.

Quay trở lại chuyện bạo lực và năng lượng, sự sáng tạo trong mỗi con người. Người phụ nữ trí thức trong câu chuyện thứ nhất đã sống cam chịu cả một quãng thời gian dài với suy nghĩ mình kém cỏi, xấu xí, ngu dốt. Có một quy luật là nếu mình nghe mãi một điệp khúc, dù sai lầm, mình sẽ tin vào nó. Chúng ta bị người mà ta hết lòng tin yêu, nói đi nói lại rằng ta không ra gì, một lần không tin, hai lần không tin, nhưng hàng chục năm, với những dẫn chứng rất cụ thể… có thể làm cho một người thông minh tưởng mình là đần độn. Rồi vòng tròn bạo lực có những quãng thời gian rất đẹp với quà, với xin lỗi, với nước mắt và ân hận đã làm ta mờ mắt. Có mấy ai không mủi lòng và hy vọng trước những đường mật, nhất là phụ nữ?

Vì vậy, xin đừng vội chê trách những người phụ nữ đã để cho cái vòng tròn ấy lặp đi lặp lại. Đó là chưa kể đến những ràng buộc của quan niệm, và đủ thứ hệ luỵ liên quan đến hai chữ “gia đình”. Nó như những sợi dây chằng chịt mà người đàn bà Á Đông khó thoát ra.

Nhưng khó không có nghĩa là không thể.

Ngày nay, chúng ta có nhiều thuận lợi để thoát khỏi bạo lực gia đình và đến với tự do, để giải phóng mọi năng lượng sáng tạo và được sống một cách đầy tự trọng. Nhưng làm được việc ấy, chúng ta phải vượt qua được những thách thức đầu tiên là chính bản thân mình, từ thói quen, quan niệm… rồi mới đến những thách thức bên ngoài.

(Chuyên gia Nguyễn Vân Anh)

CẨM THUÝ (thực hiện)