Hạnh phúc

TRẦN HỮU THĂNG 10/06/2023 07:16

Hạnh phúc là một khái niệm triết học và tâm lý học phức tạp nhất, khó hiểu nhất, khó định nghĩa nhất. Vì thế ai cũng muốn được biết đến hạnh phúc một cách đơn giản và dễ hiểu.

Thi sĩ người Pháp, ông Jean Pierre de Florian (1755 -1794) đã nói một cách dễ hiểu và thiết thực về hạnh phúc: “Hạnh phúc không ở thiên đường/Ở ngay bên cạnh tình nương dịu hiền”. Câu thơ này đã có hơn 200 năm về trước nhưng vẫn soi sáng cho tất cả chúng ta, những người khao khát đi tìm hạnh phúc.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Thí dụ: Vì hạnh phúc của trẻ thơ. Gia đình hạnh phúc”.

Theo Từ điển tiếng Pháp Larousse: “Hạnh phúc là trạng thái sung sướng, thỏa mãn, vui vẻ”. Như thế, nhờ có từ điển ta hiểu rằng: Hạnh phúc chỉ là một trạng thái cảm xúc trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Triết gia De Sirvy đã nói rõ hơn về hạnh phúc như sau: “Không nên nhầm lẫn giữa giàu sang và hạnh phúc, cũng như không nên nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện. Như thế chẳng khác gì cho rằng con dao và cái dĩa mà giúp được ta ngon miệng”. Câu này rất bao quát, nó bao trùm rất nhiều nghĩa, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nên thực sự không dễ hiểu. Có gia đình nghèo về tiền bạc nhưng anh em lại hòa thuận đầm ấm, hạnh phúc, biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có gia đình giàu có về tiền bạc nhưng anh em hãm hại lẫn nhau để tranh giành của cải do bố mẹ để lại, kiện tụng nhau ra tòa, người nọ hại người kia đến nỗi phải sa vào vòng lao lý, tù tội.

Thi sĩ người Pháp, ông Jean Pierre de Florian (1755 - 1794) đã nói một cách dễ hiểu và thiết thực về hạnh phúc: “Hạnh phúc không ở thiên đường/Ở ngay bên cạnh tình nương dịu hiền”. Câu thơ này đã có hơn 200 năm về trước nhưng vẫn soi sáng cho tất cả chúng ta, những người khao khát đi tìm hạnh phúc.

Văn hào Pháp, ông La Cordaire (1802 - 1861) lại xác định: “Hạnh phúc chỉ là cái phương hướng mong muốn theo đuổi của con người”. Nói cách khác: “Hạnh phúc không phải là một điểm đến, không có địa chỉ nhất định. Hạnh phúc chỉ là một con đường, một mục tiêu, đó là khát vọng, mong ước, ước muốn, hy vọng mà con người suốt đời muốn theo đuổi”. Có người sớm thành đạt, sớm thành công, tìm được hạnh phúc mà mình ao ước bấy lâu. Có người cả đời thất bại, ít khi gặp được may mắn nên vất vả cho đến già. Dân gian hay nói: “Cuộc đời mà, có người sướng, có người khổ”, hoặc “Ai nắm tay đến tối, ai duỗi tay đến sáng”, hoặc “Sông có khúc, người có lúc”, hoặc “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, hoặc “Nghèo lâu chứ giàu thì chóng” ...

Triết gia người Đức, ông Gustave Droz thì cho rằng: “Người ta đạt được đến mức sung sướng chỉ bằng cách góp nhặt cẩn thận từng mẩu vụn của hạnh phúc”. Bàn luận về ý kiến này của Droz nhiều người cho là rất đúng với thực tế. Nhiều người giàu có vì suốt đời tiết kiệm, không bao giờ dám chi tiêu hoang phí hoặc “vung tay quá trán”. Người xưa đã dạy: “Buôn tàu không giàu bằng hà tiện”. Nhiều người đã học và áp dụng theo lời dạy này và nửa đời sau của họ đã thành công, có của ăn, của để. Với những người này, tiết kiệm suốt đời được coi như kim chỉ nam, được coi như vũ khí để làm giàu, phương cách sống để kiếm tìm hạnh phúc.

Tranh mang tính trang trí.

Triết gia Emine de Girardin (1806 - 1881) đã mạnh dạn phân loại hạnh phúc như sau: “Có hai thứ hạnh phúc: Hạnh phúc vì vật chất (tiền bạc, địa vị cao sang) và hạnh phúc vì tình cảm (gia đình, bạn bè, quê hương).

Loại thứ nhất mang tính hướng ngoại (xã hội), loại thứ hai mang tính hướng nội (nội tâm)”. Cách phân loại này tuy còn có nhiều ý kiến bàn cãi, tranh luận nhưng có một thực tế ai ai cũng thấy rõ là: Những hạnh phúc hướng nội vừa dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ tìm thấy trong cuộc sống.

Còn hạnh phúc hướng ngoại tức là suốt đời chạy theo tiền bạc và địa vị xã hội thì thật quá khó vì lòng người tham lam biết đến điểm nào thì dừng lại. Vì thế có người giàu có suốt đời lo giữ của, lo gia đình bất hòa tranh nhau của cải và cho đến lúc chết vẫn không được yên lòng.

Có lẽ Girardin cũng chỉ muốn khuyên nhủ con người nên tìm đến cái hạnh phúc đơn sơ mà thắm nồng, là những tình cảm hướng nội hợp với những người lương thiện có lương tâm trong sáng, biết cách sống hòa đồng, biết chia ngọt sẻ bùi với anh em, với họ hàng, với cộng đồng. Đại đa số con người trên trái đất đều hướng thiện, hướng về cái đẹp, cái cao thượng nên cái hạnh phúc hướng nội vẫn luôn luôn chiếm tỷ lệ cao trong một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Triết gia cổ đại Lucrèce (Thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên) đã phổ biến về hạnh phúc một cách duy tâm, mang màu sắc tôn giáo thần bí như sau: “Tạo hóa đã an bài hạnh phúc vừa đúng mức cho con người. Vấn đề là biết cách lựa chọn nó mà thôi”. Vì ý kiến này được đưa ra cách đây hơn 2.000 năm nên phải lý giải nó theo cách suy nghĩ của thời đại mà chúng ta đang sống để tận dụng được câu danh ngôn bất hủ này.

Câu danh ngôn của Lucrèce được tôn trọng và lưu truyền bởi tính công bằng của nó. Ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc. Tạo hóa lại còn công bằng hơn nên đã tùy theo trình độ cống hiến và đạo đức của từng người mà ban cho họ cái hạnh phúc vừa đúng mức với từng người. Như thế là có 2 lần công bằng: Người ban phát công bằng và người tiếp nhận công bằng. Nhưng cái khó nhất chính là việc xử lý sự công bằng đó. Đó là việc “lựa cơm gắp mắm” như cha ông ta đã dạy. Trong hoàn cảnh gia đình nông thôn, khó khăn vất vả lắm mới cho con đi học hết lớp 12, vậy con đường thi vào đại học có phải là con đường duy nhất để vào đời không?

Rõ ràng là không phải, nếu không đủ tiền đi học 4, 5 năm đại học, người học sinh có thế đi học nghề 2 năm, 3 năm để sớm có công ăn việc làm đã. Sau này, nếu có điều kiện ta học tiếp đại học vẫn chưa muộn. Thực tế cuộc sống cho thấy nhiều em tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm lại quay về đồng ruộng, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, mang lại giàu có cho bản thân, gia đình và nhiều người lao động khác. Từ đó rút ra kết luận: Tùy hoàn cảnh mà biết cách tạo ra hạnh phúc, tìm thấy hạnh phúc chứ không nên chạy theo phong trào với ồ ạt đám đông sẽ mất phương hướng lựa chọn sáng suốt của cá nhân mình.

Suy cho cùng, biết cách lựa chọn là tùy theo năng lực, tùy theo hoàn cảnh thích hợp nhất với mình thì tỷ lệ thành công sẽ chắc chắn hơn là có ý muốn dựa vào người khác, tự mình quý hơn là cần phải có người khác chống lưng.

Bàn luận về hạnh phúc sẽ là vô cùng vô tận, vì thế nên khu trú lại một số kỹ năng thuộc về ý ăn, ý ở để có thể áp dụng ngay trong cuộc sống đời thường. Nhà triết học cổ đại Pythagore (Thế kỷ thứ năm trước Công nguyên) đã dặn dò con người một cách cư xử để đời: “Bạn đừng nói về hạnh phúc của mình với một người kém may mắn hơn bạn”.

Chao ôi, từ hàng nghìn năm về trước, con người đã biết yêu thương đồng loại tỉ mỉ và sâu sắc đến như thế. Rất tiếc, hiện nay có những người vô tâm, vô tình, vô ý thức, thích khoe khoang biệt thự nọ, xe ô tô đắt tiền kia với những người bạn phải chạy ăn từng bữa. Những lời nói khoe khoang hợm hĩnh đó nếu cố ý thì thật đáng chê trách, đáng khinh bỉ. Còn nếu vô tình nói ra thì làm đau lòng, chua xót cho người bạn kém may mắn kia. Thế mới biết, ở đời khó nhất là ý ăn, ý ở sao cho đừng xúc phạm đến ai.

Nhà triết học John Stuart Mill (1806 - 1875) lại phổ biến cho con người một phương pháp đi tìm, đi kiếm hạnh phúc một cách rất tài tình. Ông đã viết ra một phương pháp đầy sáng tạo như sau: “Tôi đã học được cách tìm thấy hạnh phúc cho mình bằng sự giới hạn những tham vọng hơn là cố sức làm thỏa mãn những tham vọng”.

Quả thực đây là một tư tưởng chỉ đạo quan trọng nhất, mang tính nguyên tắc, có thể áp dụng trong nhiều ngành khoa học về tâm lý, về học làm người, về tu dưỡng đạo đức, giữ vững nhân phẩm, đề cao lòng tự trọng ... Có thể tóm tắt công thức của Mill là:

Hạn chế tham vọng = Hạnh phúc.

Cố sức làm thỏa mãn các tham vọng = Bất hạnh.

Thí dụ để minh họa cho công thức này thì có rất nhiều, ai cũng biết, ai cũng hiểu. Cái khó nhất là làm sao chế ngự được lòng tham, vốn là bản năng rất mạnh của con người.

TRẦN HỮU THĂNG