Gieo thói quen xấu là nuôi lớn một mầm cây độc
Nếu như bản năng là bản chất thứ nhất của con người thì thói quen chính là bản chất thứ hai. Những thói quen lâu ngày sẽ tạo thành bản chất, và bản chất khi thể hiện thành lời nói, việc làm với tần suất dày đặc, lâu ngày thì cũng có thể gọi là thói quen…
Khi một người hút thuốc lá lâu năm không thể bỏ được, là người ấy tự gieo thói quen xấu mỗi ngày cho chính cơ thể mình và môi trường xung quanh, và người ấy mang bản chất nghiện thuốc lá. Một người nghiện bia rượu đến mức phụ thuộc vào nó mỗi ngày, say khướt mỗi ngày, cũng tương tự như vậy.
Ông anh tôi vốn tính có nhiều tật xấu từ sở thích, thói quen mà ra. Một trong những sở thích của anh là uống bia hơi vỉa hè. Bia hơi thì nhiều người thích uống, nhất là trong ngày hè hay lúc thời tiết khô hanh, có cốc bia hơi giải khát, chỉ cần kèm đĩa lạc rang, với đàn ông đã là nhất. Vì thế, quán bia hơi thường hay ồn ào do đông người tìm đến. Không gian quán bình dân, không khí rôm rả, thoải mái, ai mà không thích? Nhưng với ông anh vốn loẻo khoẻo nhiều bệnh tật của tôi, thì một quán không quá ồn ào càng hay. Có vài người cụng ly càng hay nữa, không thì một mình anh cũng thấy khoái.
Uống bia hơi lâu dần, anh chỉ thấy bia hơi là ngon. Nhiều khi nghe thông tin bia cỏ pha cồn, pha rượu rồi bia để lâu đã hả hết hơi rồi, uống vào chỉ tổ đầy bụng, hại sức khỏe, tôi gàn anh bớt bia hơi đi. Tôi mua bia lon đem đến nhà biếu anh uống.
Được mấy ngày, các con anh đến chơi, cứ thấy anh bật lon, nhấp một vài ngụm rồi để đấy, chúng mách với tôi. Rằng nhiều lúc thấy lon mở mà ngửi thấy bia đã chua, cháu phải dốc ngược lon đổ hết bia đi rồi bỏ lon vào thùng rác. Các cháu tôi thấy tiếc, bảo thôi, cô đừng biếu bố cháu nữa.
Tôi cũng không khỏi thắc mắc, bia ngon thế này sao anh không uống? Anh mới bảo, lạ thật, anh uống bia hơi thì thấy ngon, uống bia này ở nhà không được. Con gái tôi trêu: “Ôi bác cứ như “thú đồng hoang” ấy!”. Ông anh tôi không ngần ngừ, xác nhận: “Đúng thế, thói quen sống hoang dã trong bác rất mạnh”. Và anh kết luận: “Từ nay em đừng mua bia lon về cho anh nữa, khỏi lãng phí”. Nhưng bia hơi, thật thì ít, rởm thì nhiều, anh càng khoái chí với bia hơi vỉa hè, tôi càng thêm lo.
Nói anh tôi là “thú đồng hoang” và sống “hoang dã” thì có phần hơi quá, nhưng quả thật anh sống một mình nhiều năm rồi, có phần tùy tiện. Anh bảo, tách khỏi con cái cho đỡ vướng bận, chúng lớn cả rồi, đã tự lập. Vợ chồng anh thì đã ly hôn. Cứ sống một mình như thế, anh chả vướng bận ai, chả phải ý tứ gì, nên ngoài những thói quen ăn uống gặp chăng hay chớ, bia hơi vỉa hè liên miên, ở luộm thuộm, thức đêm làm việc vô tội vạ, còn có thói quen khó bỏ là hút thuốc lá. Thuốc anh hút là loại Thăng Long, khá nặng, mỗi ngày 2 gói, tức là 40 điếu! Anh từng 6 lần bỏ thuốc không thành. Mỗi lần bỏ, người vật vã đờ đẫn vô hồn, chỉ kém kẻ nghiện ma túy mỗi lần lên cơn vật thuốc!
May sao, gần đây, do sức khỏe yếu, hơn nữa, không muốn mang tiếng là người hiểu biết mà ương gàn, vừa tự chuốc họa vào thân, vừa làm khổ con cái phải vì anh mà lo lắng, anh quyết tâm nghiến răng bỏ thuốc, và đã bỏ được gần một năm. Anh bị bệnh phổi tắc nghẽn giai đoạn 3, tức là chỉ còn 40% thể tích phổi lành lặn để thở, còn lại, X-quang lên phim, bác sĩ phán “đã đen hết rồi”. Anh thường nói, may sao bỏ được thuốc, nếu không, có lẽ anh đã “đi”…
Khi bỏ thuốc được vài tháng, nhiều đêm, anh đột ngột vùng dậy, toát mồ hôi toàn thân. Nửa đêm chuông điện thoại dồn dập đổ, tôi run rẩy cầm máy vì lo sợ nhà có việc chẳng lành. Hóa ra anh gọi tôi bảo, em ơi, anh vừa mơ thấy mình hút thuốc, đang nhả khói ngon lành lắm, bỗng nhớ đến mấy đứa con, nhớ cả việc em hay lo lắng cho anh, anh cảm thấy có lỗi, nên vội dụi đi ngay. Gần đây, thỉnh thoảng, anh vẫn mơ lại giấc mơ ấy.
Anh phân tích, rằng thói quen hút thuốc ám ảnh thật ghê gớm. Ban ngày không thèm, không nhớ gì cả, thậm chí, nhìn người khác hút thấy ghê ghê, nhưng trong tiềm thức, thói quen xấu ấy vẫn còn luẩn quẩn.
Anh lại nói, thường, với con người ta, những suy nghĩ, khát vọng ban ngày phải che giấu đi, thì ban đêm là cơ hội để bộc lộ, nên mới có những giấc mơ. Những giấc mơ phản ánh suy nghĩ, mơ ước, khát vọng của con người, có thể ngay vừa mới, có thể đã từ lâu rồi, giờ trở lại trong mơ. Anh dặn tôi, mỗi khi mơ hút thuốc như thế, anh phải kể ngay với em hoặc với các con anh, để chúng ta cùng cảnh giác. Bằng lý trí anh biết rằng anh không hút nữa, nhưng nhiều lúc tâm thức anh vẫn nhớ nó. Chẳng biết đâu được…
Bây giờ anh đã “lên chức” ông nội ông ngoại rồi, gặp các cháu, bế ẵm chúng nó mà cứ điếu thuốc kẹp tay ảnh hưởng đến sức khỏe chúng nó, quần áo lại nhiễm mùi thuốc hôi mù, thì coi sao được. May sao! Tôi mừng vì anh tôi đã ý thức được điều này.
Nhưng trong lần họp lớp đại học gần đây, anh lớp trưởng vừa đi làm vừa học, hơn chúng tôi cả một thế hệ, đã ngoài 60, trông hơi hom hem, rít thuốc liên tục. Chúng tôi đều khuyên anh bỏ thuốc đi cho khỏe người. Anh bảo, anh đã bỏ được 2 năm rồi đấy, nhưng một hôm gặp chính mấy ông em kia (anh giơ tay chỉ mấy bạn trai cùng lớp), chúng nó mời một điếu, anh nghĩ chỉ hút chơi cho vui, không ngờ nghiện lại. Còn một bác sĩ hàng xóm của chúng tôi, kiến thức y học đầy mình, người gầy như que củi, lại cứ bao biện với vợ con rằng bỏ thuốc ảnh hưởng đến nội tiết, ngừng hút vài ngày là nổi mẩn ngứa khắp người.
Trường hợp anh tôi ngày hút 2 gói thuốc nặng có thể coi là “vô địch nghiện”, nhưng đã bỏ được. Giờ nghe những “bạn nghiện” phân trần, anh tôi cười, thú nhận, chỉ là biện bạch. Đến nghiện ma túy người ta còn cai được. Cái chính là lý trí của con người, hơn nữa, nếu liều mình thì cũng nên nghĩ đến những người thân.
Chuyện những người nghiện thuốc lá chính là câu chuyện của thói quen, bản chất và sự ám ảnh. Từ thói quen đến bản chất, khoảng cách rất gần. Có những thói quen làm nên bản chất tốt, như thói quen sạch sẽ, thói quen sống khoa học, thói quen tập thể dục mỗi buổi sáng sớm, thói quen nghĩ điều thiện, làm việc tốt… Nhưng thói quen hút thuốc lá thì không tốt chút nào, hơn nữa, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực, thuốc lá đã bị cấm hút tại nơi công cộng.
Bố tôi mất cách đây hơn 20 năm vì bệnh phổi, bởi chính ông là người nghiện thuốc lào cực nặng. Điếu bát cứ vứt xuống giếng cái này lại đi mua cái khác, vẫn không bỏ được. Cuối cùng, ông mất khi chưa kịp lên lão 60 vì căn bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Hơn ai hết, tôi là người chứng kiến thuốc lá âm thầm khiến người ta “chết chậm” như thế nào…
Với một con người, thói quen, kể cả xấu và tốt đều được hình thành từ những hành động lặp đi lặp lại hằng ngày. Với thói quen tốt, như ăn ngủ đúng giờ, tập thể dục buổi sáng, sẽ tạo ra những hiệu ứng tốt cho sức khỏe con người. Thói quen xấu, sẽ dẫn đến những hệ quả xấu cho cơ thể và tâm trí, và chính những hệ quả xấu đó sẽ cản trở chúng ta trong việc hoàn thành các mục tiêu tốt đẹp của cuộc sống.
Có người đã đưa ra sự ví von về thói quen xấu để hy vọng mọi người có thể nhìn vào đó mà thay đổi nhận thức, hành vi: Thói quen xấu là cái giường êm ái, quá dễ để ngả lưng, quá khó để bật dậy; Thói quen xấu là một cái hang rất sâu, mà đi xuống thì bao giờ cũng dễ hơn là trèo lên…
Mỗi hành động của chúng ta hàng ngày trong cuộc sống, tựa như gieo một mầm cây vào trong đất ẩm. Nếu đó là hành động tốt, thói quen tốt, chúng ta sẽ sớm có một rừng cây tươi xanh ấm áp trong tâm trí.
Chúng ta cùng trưởng thành với sự lớn lên của rừng cây mát lành trong thân thể, tâm trí mình, đang ươm cho mình những mùa quả ngọt. Còn nếu mỗi ngày, chúng ta để những thói quen xấu ngự trị trên thân-tâm mình, thì lâu dần tích tiểu thành đại, chúng ta đã để cho những thói quen xấu nảy nở, phát triển thành bản chất xấu xí trong tâm trí, lấn át dần những phần tốt đẹp và dẫn dắt nhiều hành động của chúng ta về phía tiêu cực.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu những hành động tốt giống như ta đang chăm bẵm một giống cây tốt, chờ ngày đơm hoa kết trái, thì ngược lại, việc gieo thói quen xấu cũng tựa như chúng ta đang “nuôi lớn” một cái cây độc. Mà thói quen xấu cũng được ví như cái cây, càng lớn thì rễ của nó càng bám sâu vào lòng đất, khó mà nhổ đi. Khi cây độc có cơ hội lớn lên trong thân tâm con người ta, không nhổ đi được, thì thân thể, tâm trí ta sẽ phải chung sống, hít thở, ăn uống với độc tố. Hẳn chúng ta không hề muốn điều này.