Lo ngại trí tuệ nhân tạo ‘lấn sân’ giải trí
Với tốc độ phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI), ngoài lĩnh vực sáng tạo nội dung, các chương trình máy tính thậm chí còn "lấn sân" sang lĩnh vực giải trí, cho phép tạo ra bài hát chỉ trong vài giây. Ở Việt Nam, kỹ sư công nghệ Nguyễn Hoàng Bảo Đại đã xây dựng mô hình AI giúp viết 10 bài hát trong 1 giây.
Mới đây ca sĩ ảo đầu tiên ở Việt Nam - Ann chính thức phát hành sản phẩm MV đầu tay… Vấn đề đặt ra là, liệu đó có phải là hướng đi mới cho ngành công nghiệp âm nhạc, và trong tương lai AI có thể thay thế được giới nhạc sĩ, ca sĩ?
Hướng đi mới cho nhạc Việt?
Từ đầu năm, khán giả châu Á đã bất ngờ với video âm nhạc đầu tiên của nhóm nhạc ảo Hàn Quốc Mave được đăng tải trên kênh SNS chính thức với đội hình gồm 4 thành viên: Siu, Zena, Tyra và Marty sống trong siêu vũ trụ cùng các bài hát, điệu nhảy, cuộc phỏng vấn và thậm chí cả kiểu tóc của họ do các nhà thiết kế web và trí tuệ nhân tạo tạo ra.
Không chỉ tại làng giải trí Hàn Quốc, ca sĩ ảo cũng từng khuấy động làng giải trí Nhật Bản và nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả. Tại Mỹ, trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò lớn trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc. Open Al - công ty phát triển Chat GPT, đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra Jukebox, với khả năng sáng tác âm nhạc nhờ học từ hàng triệu bài nhạc thô.
Và ở Việt Nam, kỹ sư công nghệ 9X Nguyễn Hoàng Bảo Đại (TPHCM) cũng được nhiều người biết đến khi xây dựng mô hình AI giúp viết 10 bài hát trong 1 giây. Gần đây, ca sĩ thần tượng ảo Ann ra mắt thông qua MV (video âm nhạc) “Làm sao nói thương anh” tiếp tục gây chú ý trong đời sống âm nhạc Việt. Trước đó, cuối năm 2022, tại sân khấu Lễ hội âm nhạc quốc tế HOZO (TPHCM), nhà phát triển Pencil Group chính thức trình làng 2 ca sĩ siêu thực Michau và Damsan cũng nhận được quan tâm của công chúng. Với MV “Làm sao nói thương anh” - sáng tác mới của Kim Ngân do ca sĩ ảo Ann thể hiện đã đạt đã hơn 150 nghìn lượt xem trên YouTube.
Phải công nhận sự ra đời của ca sĩ Ann, Michau và Damsan hay việc xây dựng mô hình AI trong sáng tác nhạc của Nguyễn Hoàng Bảo Đại là bước tiến lớn của AI trong lĩnh vực giải trí và không nằm ngoài xu hướng của thế giới là tạo sự lựa chọn giải trí đa dạng cho khán giả, đồng thời đem lại những nguồn thu cho nhà sáng tạo. Dù cũng có những phản ứng trái chiều nhưng điều đó thể hiện sự quan tâm của công chúng đối với sự kết hợp AI và showbiz. Bởi với các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... việc phát triển thần tượng ảo còn đem lại doanh thu không nhỏ cho ngành công nghiệp văn hóa.
Có thể lấy ví dụ trường hợp ca sĩ ảo Hatsune Miku ở Nhật Bản được xem là biểu tượng. Viện Nghiên cứu Nomura ước tính từ tháng 8/2008 đến tháng 3/2012, Hatsune Miku mang về hơn 10 nghìn tỷ yên. Doanh thu bao gồm cả những sản phẩm phái sinh từ đĩa nhạc Hatsune Miku như: game, video quảng cáo, vật dụng lưu niệm. Năm 2019, các buổi biểu diễn trực tiếp của ca sĩ được phát trên nền tảng video Bilibili của Trung Quốc, đạt hơn 7,5 triệu người xem, thu về 73,3 triệu nhân dân tệ (251 tỷ đồng). Còn theo Paper, Hatsune Miku có khoảng hàng chục triệu người hâm mộ trên toàn cầu, thu về khoảng 35,35 triệu USD mỗi năm, tương đương một số ngôi sao ca nhạc hàng đầu ở Trung Quốc.
Ảo thì giá trị chỉ thuộc về ảo
Đối với người Việt, ca sĩ ảo vẫn còn mới lạ, bởi vậy việc xuất hiện của ca sĩ Ann vẫn đang gây tranh cãi. Nhà sáng lập Bobo Đặng chia sẻ, anh nhận ra những ưu điểm của các thần tượng ảo trong thế giới thực ngày nay nên quyết định theo đuổi mô hình này. Theo Bobo Đặng, giá trị cốt lõi của Ann là âm nhạc nên việc khán giả nói ca sĩ này ảo hay thật không quá quan trọng. Người sáng lập quan tâm giá trị âm nhạc mà họ mang lại, được khán giả đón nhận là điều thành công.
Phía quản lý của ca sĩ Ann cho biết, sau khi ra mắt “Làm sao nói thương anh”, cô tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc khác. Ngoài ra, nữ ca sĩ cũng sẽ được đi biểu diễn ở các buổi hòa nhạc, nhận show như các thần tượng thông thường. Về việc giao lưu tự nhiên hay bằng lập trình có sẵn, Bobo Đặng nói Ann sẽ được phát triển như một thần tượng thật, hiện hữu trên sân khấu và trò chuyện cùng khán giả.
Không ít khán giả bày tỏ sự không đồng tình vì vậy sẽ không chi tiền để theo đuổi một thần tượng ảo - vấn đề gây tranh cãi tương tự ở Hàn Quốc và các nước châu Á vào thời điểm thần tượng ảo mới xuất hiện. Bày tỏ quan điểm của mình, nhà sáng lập Bobo Đặng quả quyết: Nếu lo sợ tranh cãi, tôi đã không theo đuổi dự án này.
Từ góc nhìn của người trong nghề, ca sĩ Phương Thanh lại cảm thấy thú vị và tò mò. Cô nhận xét ca sĩ ảo Ann dễ thương, giọng hát hợp với thế giới mạng. Tuy vậy, theo ca sĩ Phương Thanh dù thể hiện theo dòng nhạc nào cũng phải có cảm xúc. Ảo thì các giá trị cũng chỉ thuộc về ảo. Cô ủng hộ các bạn trẻ trong dự án và cho biết sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và đội ngũ sáng lập là rất đáng nể. Nhưng giá trị âm nhạc và cảm xúc phải là thật.
Về lĩnh vực sáng tác, không thể không nhắc đến mô hình AI sáng tác nhạc của kỹ sư công nghệ 9X Nguyễn Hoàng Bảo Đại được xây dựng trong 2 năm qua. Chương trình có thể viết 10 bài hát/giây. Đến nay kho dữ liệu của Bảo Đại có khoảng 30.000 bài hát, trong đó 60% là do anh tự đàn. AI sáng tác nhạc của Bảo Đại hoạt động theo mô hình: Nhạc sĩ "mớm" cho máy 3 - 5 nốt nhạc, sau đó, AI sẽ tự hoàn thiện, đưa ra một bài hát hoàn chỉnh.
Theo Bảo Đại, điều đặc biệt của mô hình AI này là người dùng chỉ cần chọn một giai điệu ngắn muốn viết, sau đó bấm nút. Máy sẽ cho ra các lựa chọn khác nhau, bạn sẽ chỉ cần nghe và chọn giai điệu mình thích. Trong từng giai điệu cũng có thể tiếp tục điều chỉnh theo ý mình. Nếu AI chưa đưa ra được kết quả như ý, có thể bắt "nó" viết tiếp đến khi nào ưng ý thì thôi. Thuật toán ngẫu nhiên trong AI cho phép tạo ra các bản nhạc không trùng nhau. Vì vậy, nỗi lo về bản quyền cũng có thể được kiểm soát bằng chính AI.
Khác với hình dung của mọi người về việc sáng tác, nhạc sĩ thường mất rất nhiều thời gian để viết phần giai điệu. Có khi mỗi ngày chỉ viết được vài giai điệu, hôm sau nghe lại thấy không hay lại bỏ đi. Việc này cứ lặp đi lặp lại khiến một bài hát có thể phải sáng tác trong 5 - 6 tháng. Nhưng với mô hình AI sáng tác nhạc, nhạc sĩ có thể rút ngắn công đoạn này, thay vì viết, mình chỉ việc bấm nút, nghe, lựa chọn và điều chỉnh cho giai điệu đúng với ý mình. Thời gian còn lại có thể chăm chút nhiều hơn cho phần hòa âm, phối khí, viết lời. Đây đều là những yếu tố quan trọng, hình thành nên một bài hát hay chứ không chỉ là viết giai điệu.
Tạo sự phong phú trong đời sống âm nhạc
Còn với ca sĩ - nhạc sĩ Cao Bá Hưng, việc AI viết nhạc hay hơn con người là khả thi. Mặt khác, khi AI “lấn sân” giải trí, các nhạc sĩ cần phải giỏi hơn nữa để cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc.
Giới chuyên môn cũng thừa nhận trong tương lai, chắc chắn AI sẽ tham gia, thậm chí tham gia sâu vào đời sống âm nhạc. Điều đó sẽ tạo thêm sự phong phú, cho người nghe thêm những lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ khẳng định, AI sẽ không thể thay thế được sự sáng tạo âm nhạc của con người, bởi con người có cảm xúc, tâm hồn và lòng trắc ẩn.
Cũng có ý kiến cho rằng, công nghệ đã thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc theo nhiều cách, đặc biệt với các nhạc sĩ. Tuy nhiên vẫn cần tới trải nghiệm cảm xúc thật sự có được những tác phẩm thỏa mãn người nghe. Đó cũng chính là sáng tạo nghệ thuật - điều giúp phân biệt cá tính cũng như giúp định danh người nghệ sĩ trên thị trường âm nhạc.
Nói như nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, AI tham gia vào đời sống âm nhạc là điều tất yếu. Từ đó sẽ tạo sự phong phú để khán giả thêm những lựa chọn. Dù vậy, nó sẽ không bao giờ là lựa chọn thay thế cho sự sáng tạo âm nhạc mang tâm hồn và cảm xúc của mỗi cá nhân nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Hoài An: Cái khó của viết nhạc là tạo được cảm xúc
Tôi cho rằng, với tốc độ phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay, các nước phát triển công nghệ đi trước họ còn chưa “lo” thì nhạc sĩ ở Việt Nam cũng không cần quá lo lắng về điều này. Ít nhất trong khoảng thời gian ngắn, ứng dụng AI vào sáng tác và biểu diễn chỉ có thể thu hút bằng sự mới lạ, độc đáo. Để thương mại hóa và phổ biến rộng rãi (nếu được) còn cần thêm thời gian và nhiều điều kiện khác. Hiện có nhiều chương trình máy tính về âm nhạc hỗ trợ công việc đào tạo, sản xuất khá tốt. Về nguyên tắc, “đầu vào” trước hết là thu thập data từ các sáng tác, lý thuyết, âm nhạc… đã có để thực hiện “máy học”. Kho dữ liệu âm nhạc này ngày càng hay (chất) và số mẫu, bài càng lớn (lượng) thì “máy học” càng “xịn”. Sau đó sắp xếp và sử dụng “bộ óc âm nhạc” này như thế nào tuỳ thuộc vào thuật giải của lập trình viên. Ở “đầu ra”, chương trình viết nhạc tự động có thể có nhiều chức năng: viết tự động hoàn toàn; viết theo chỉ dẫn cho trước về: âm nhạc gồm có motif, giai điệu, hòa âm, thể loại, nhịp điệu, âm vực… Và cảm xúc là khó nhất. Thực tế một câu nhạc chủ đề, phát triển, kết… đều có mạch cảm xúc của tác giả. Câu được chọn là kết quả của quá trình thử-bỏ-chọn… lặp nhiều lần. Cái khó của chương trình viết nhạc là tạo được mạch cảm xúc của chính đoạn nhạc mà nó tạo ra, chứ không đơn thuần là sắp xếp các nốt thành câu, nối nhiều câu thành đoạn, nhiều đoạn thành tác phẩm… Do đó, đoạn, bài nhạc “sáng tác” bởi chương trình sẽ rất khác với tác phẩm được viết bởi tác giả (thật).
Cá nhân tôi cho rằng công việc sáng tạo hãy để cảm xúc “phụ trách”. Người viết nhạc có cái “sướng” của họ, để máy viết là một câu chuyện hoàn toàn khác, dù chưa bàn đến tình hiệu quả của chương trình máy tính (và xác suất trùng lặp tạo ra câu nhạc liên quan đến bản quyền bài hát). Về cô ca sĩ ảo Ann vừa ra mắt MV, tôi chưa xem nên không có đánh giá cụ thể. Tuy nhiên khó làm được liveshow ca sĩ ảo. Nếu làm thì như khán giả xem MV thôi, bởi rất khó có cảm xúc như với một ca sĩ thật.
Nhạc sĩ Đỗ Thụy Khanh: Khán giả sẽ có thêm lựa chọn
Đây có thể là hướng đi mới chia ra nhiều phân khúc để khán giả có nhiều lựa chọn vì sự hiếu kì và tò mò về Al, khi trí tuệ nhân tạo còn là sự mới mẻ. Là nhạc sĩ, tôi không bất an hay lo lắng trước câu hỏi liệu AI có “lấn sân” giải trí, thậm chí thay thế được giới nhạc sĩ chúng tôi trong tương lai gần hay không. Bởi tôi luôn cho rằng chất xám từ cảm xúc thật bao giờ cũng mang giá trị cao trong nghệ thuật. Tôi nghĩ từng cá nhân nhạc sĩ với gia tài âm nhạc mà bản thân mỗi người mang đến cho xã hội luôn có từng “tệp” khán giả quan tâm yêu mến nếu họ. Khán giả theo dõi được hành trình và dành tình cảm mến mộ cho người nhạc sĩ đó lẫn tác phẩm ấy. Vấn đề này thực sự không đáng lo ngại.
Theo tôi, đã là nhân tạo do con người tạo ra thì con người luôn chủ động điều khiển nên khó có thể thay thế.
Kỹ sư công nghệ Nguyễn Hoàng Bảo Đại: AI không làm mờ đi bản sắc của người nghệ sĩ
Hiện công nghệ AI của tôi chỉ mới đạt hiệu suất 70-80% so với kỳ vọng. Ưu điểm của phần mềm là tốc độ viết giai điệu rất nhanh, từ đó nhạc sĩ chỉ cần nghe và chọn hoặc chỉnh sửa một chút để chốt phần giai điệu cho ca khúc, tiết kiệm được nhiều thời gian để có thể tập trung vào những công đoạn khác như viết lời, hòa âm phối khí, thu âm... Nghĩa là mô hình AI này chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ nhạc sĩ trong quá trình sáng tác, giúp cho quá trình hoàn thành cả dự án được diễn ra nhanh hơn chứ chưa thực sự “siêu phàm” để có thể làm mọi thứ chỉ với một cú click chuột. Nói cách khác, hiện tại AI vẫn còn rất thô sơ, mới chỉ viết được phần giai điệu, nhưng phần giai điệu này vẫn chưa phải xuất sắc, nhạc sĩ vẫn phải điều chỉnh, tham chiếu, lựa chọn. Vì vậy, những người viết nhạc cũng không cần lo lắng về việc AI sẽ lấy đi công việc của mọi người, hay sáng tác nhạc bằng AI sẽ làm mờ đi bản sắc của người nghệ sĩ. Tôi tin rằng bản chất của AI vẫn là giúp con người giải quyết những công việc tiêu hao nhiều thời gian, công sức. Con người vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm mình làm ra.
Bản thân tôi thích viết những ca khúc vui tươi, mới mẻ . Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng mô hình nhằm giải quyết vấn đề về hòa âm và viết lời bài hát. Tôi hy vọng công cụ này sẽ là trợ thủ đắc lực cho nhạc sĩ trong quá trình sáng tác. Thậm chí, mọi người đều có thể trở thành người viết nhạc và có bài hát cho riêng mình khi sử dụng công cụ này.