Trà Cổ, ngày tôi trở lại
Tôi từng nhiều lần tới Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nhưng mỗi lần tới là một lần có những cảm nhận khác.
Đầu tiên là chặng đường đi. Nếu như mấy chục năm trước đây muốn đi từ Hà Nội tới Trà Cổ thì phải trải qua chặng đường với thời gian dài và tương đối mệt mỏi thì nay, 8 giờ sáng còn ở nội đô mà đến tầm trưa đã có thể ngồi ăn cơm ở bãi biển Trà Cổ rồi. Việc kết nối những con đường cao tốc với nhau đã cho phép rút ngắn thời gian đi lại đáng kể. Chỉ hơi tiếc là chốc chốc hành khách lại lên tiếng hỏi bác tài xe đi tới đâu rồi, vì lẽ trên đường cao tốc khách ngồi trong xe không thể nhận biết được địa danh đang đi qua…
Trà Cổ dịp chúng tôi trở lại chưa vào mùa du lịch nên đường đi hơi vắng, bãi biển cũng thưa thớt du khách. Sáng nay trời như chiều lòng người nên có chút se lạnh khi đứng bên rặng phi lao rì rào gió hát.
Nhớ lần đầu tiên được tới Trà Cổ tôi cứ hong hóng mắt, chỉ sợ cơn buồn ngủ làm hỏng lần đầu được cảm nhận về những vùng đất đang qua, nhất là cảm giác như bừng lên khi tiếng bác tài vọng xuống: “Trà Cổ đang ở trước mắt mọi người đấy”.
Trà Cổ đang ở trước mắt, sau khi đi ngang qua thành phố Móng Cái, hiện lên bên đường tấm bảng chỉ dẫn “Trà Cổ 10km”. Tấm bảng chỉ dẫn như một gợi ý khiến tôi chợt thấy bồn chồn, chợt thấy háo hức. Đây rồi, ngồi đình làng biển, đình làng Trà Cổ nổi tiếng ngự nơi biên cương suốt mấy trăm năm qua. Ở một nơi xa xôi mãi ngoài Đông Bắc này, những người dân chài hai làng Cổ Trai và Trà Phương miệt Đồ Sơn, Hải Phòng đã ngược biển tới đây lập nghiệp. Những người dân chài ngỡ chỉ biết ra khơi đánh cá ấy vậy mà vô cùng thâm thúy, vô cùng ý chí. Họ không chỉ xác lập chủ quyền lãnh thổ bằng việc lập nên làng nên xã mà còn suy nghĩ sâu xa hơn là “dựng” ở nơi biên khu này một dấu ấn sâu đậm văn hóa Việt. Đình làng Trà Cổ không chỉ là nơi thờ 6 vị Thành hoàng làng mà còn là nơi ghi khắc về một tinh thần Việt biểu hiện ở bức hoành phi và đôi câu đối treo chính giữa trong đình, nêu bật về sự hình thành của dân cư và khí phách của dân tộc Việt.
Đang miên man nhớ lại lần vào thăm đình Trà Cổ năm nào thì bác tài lại lên tiếng: “Bãi biển Trà Cổ ở bên tay phải các cô các chú đó”. Nói rồi bác tài vừa lắc lư đầu vừa như đang cất tiếng hát thầm. Tôi nói với lên: “Bác tài hát to lên đi”. Dường như bị “chọc quê” nên bác tài ngưng câu hát, thay vì đó mà lại nói dõng dạc: “Bãi biển này đã được mệnh danh là "trữ tình nhất Việt Nam" đấy các cô các chú ạ. Tới đó các cô các chú sẽ thấy một vẻ đẹp còn vẹn nguyên, hài hòa, bình dị với bãi cát trắng trải dài phẳng lặng trong nền nước biển xanh. Đến đây, các chú các bác sẽ tìm được những khoảnh khắc bình yên, thơ mộng và tha hồ thả hồn mình vào nắng, vào gió”.
Chà chà, tay lái xe tuổi chừng ngoài băm vậy mà cũng “dẻo miệng” ghê. Được biết bãi biển Trà Cổ khá dài, nếu tính từ Mũi Sa Vĩ cho tới Mũi Ngọc thì cũng chừng gần hai chục cây số. Hai chục cây số với bãi cát mềm mịn và như phẳng lỳ thật vô cùng hấp dẫn. Tôi ngồi trong xe mà tưởng tượng cảnh mình với đôi chân trần đang chạy tuốt ra ngoài chân sóng. Cát mềm và ấm cứ như níu lấy bàn chân vậy, chẳng muốn rời.
Sáng nay, trời dịu mát, dường như nắng hè vẫn còn vấn vương đâu đó nên đã nhường lại màu xanh êm cho ngày tôi trở lại Trà Cổ. “Tổ quốc nơi địa đầu!” có ai đó vừa thốt lên khe khẽ khi chúng tôi đứng nhìn xa tuốt Mũi Tràng Vĩ, được biết mũi cát này chính là “điểm đầu tiên” là “địa đầu” của dải đất hình chữ S - Đất nước Việt Nam. Tôi phóng tầm mắt nhìn xa tít dải cát dài đang hiện hình dưới nắng. Đúng là chúng tôi đang đến với nơi địa đầu Tổ quốc bằng sự bình yên và tin sâu đến lạ.
Người đi tới chào hỏi chúng tôi là một trung úy biên phòng, anh công tác tại Đài quan sát Tràng Vĩ thuộc Đồn Biên phòng Trà Cổ. Anh làm nhiệm vụ nhắc nhở mọi người tôn trọng nội quy biên giới khi từng đoàn người đang nô nức chụp ảnh ngay bên tấm bảng bê tông có dòng chữ “Khu vực vành đai biên giới”. Chàng trung úy biên phòng mỉm cười khi chúng tôi lên tiếng hỏi chuyện, anh xin phép chúng tôi không nhắc tên anh trong bài viết…
Thì ra, ngoài tên gọi là Mũi Tràng Vĩ - dải cát nhoai ra biển ở Trà Cổ còn có tên gọi là Mũi Sa Vĩ, Sa Vĩ là để chỉ dải cát dài như vươn ra tận mũi sóng, theo như chàng trung úy biên phòng thì Sa Vĩ có nghĩa là “đuôi cát”. Chúng tôi lại quay mắt nhìn xa dải cát, người dân ta xưa thật có những liên tưởng phong phú và có nghĩa. Dải cát hôm nay lồ lộ xa tít cũng bởi thủy triều đã xuống mức thấp nhất. Thủy triều rút thấp cũng có nghĩa là dải cát như nối dài thêm xa, xa mãi.
Thực ra gọi là Mũi Sa Vĩ hay Mũi Tràng Vĩ cũng đều đúng, nhưng có một thực tế hơn mà hôm nay chúng tôi mới được biết, đó là về những người dân nơi đây. Theo như chàng trung úy cho hay thì người dân Trà Cổ còn gọi mũi này là “Bãi Gót”. Và chàng trung úy trẻ đã kể cho chúng tôi hay về những người phụ nữ ở Trà Cổ. Anh chỉ tay vào nhóm chừng bốn năm người phụ nữ quấn khăn, che nón, đang đi từ bãi cát lên, anh bảo: “Bà con đi cào ngao về muộn đó các chú”.
Tôi vừa nghe vừa nhắm mắt.Một làn gió mát ùa từ biển vào, rặng phi lao đứng bên bờ sóng chợt rì rào, rì rào. Trà Cổ - vùng đất bình yên, chưa xa đã nhớ...