Đã viết thì phải viết sao cho chính mình ưng ý
Một trong những nhà văn viết cho thiếu nhi được nhiều người nhắc tới thời gian gần đây là nhà văn Trần Đức Tiến. Ông sinh ngày 2/5/1953, quê ở làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Một thời gian khá dài (từ năm 1970 đến năm 1986), ông sống và làm việc ở Hà Nội. Sau đó, nhà văn Trần Đức Tiến chuyển vào sống ở thành phố biển Vũng Tàu cho đến nay.
Tại thành phố của gió, của sóng biển này, nhà văn Trần Đức Tiến đã hoàn thành nhiều tác phẩm, như: “Linh hồn bị đánh cắp” (tiểu thuyết, 1990), “Bụi trần” (tiểu thuyết, 1992), “Bão đêm” (tập truyện ngắn, 1993), “Tuyệt đối yên tĩnh” (tập truyện ngắn, 2004), “Lỏng và tuột” (tập truyện ngắn, 2010)…
Không chỉ viết “văn cho người lớn”, trong thời gian ở Vũng Tàu, ông còn viết truyện cho thiếu nhi. Những “Vương quốc vắng nụ cười” (tập truyện thiếu nhi, 1993), “Dế mùa thu” (tập truyện thiếu nhi, 1997), “Thằng Cúp” (tập truyện thiếu nhi, 2001), “Làm mèo” (truyện vừa thiếu nhi, 2003), “Trăng vùi trong cỏ” (tập truyện thiếu nhi, 2006)… đã dần dần khẳng định một vị trí của Trần Đức Tiến trong địa hạt văn chương dành cho thiếu nhi.
Đặc biệt, năm 2018, với tập truyện đồng thoại “Xóm Bờ Giậu”, Trần Đức Tiến đã khiến nhiều độc giả nhí thích thú. Những nhân vật ngộ nghĩnh như cụ giáo Cóc thông thái, nhạc sĩ Dế Lửa trứ danh, người mẫu Ốc Sên đáng yêu, chuyên gia dự báo thời tiết Tắc Kè mẫn cán, thi sĩ Dê Còm lãng mạn… đều trở nên sống động và cá tính qua ngòi bút của Trần Đức Tiến và minh họa của họa sĩ Kim Duẩn. Tác phẩm này sau đó đã được trao Giải B - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai - năm 2019.
Sau “Xóm Bờ Giậu”, nhà văn Trần Đức Tiến tiếp tục cho ra mắt tập truyện dài “A lô! ... Cậu đấy à?”. Cuốn sách in đẹp, được độc giả nhí đón nhận và dịp 1/6 năm nay, tác phẩm “A lô! ... Cậu đấy à?” đã đưa nhà văn Trần Đức Tiến lên nhận Giải “Hiệp sĩ Dế Mèn” 2023.
Dưới đây là những suy nghĩ của ông về việc viết cho thiếu nhi.
* Tôi vẫn quan niệm tác phẩm viết cho thiếu nhi, đặc tính quan trọng là kích thích trí tưởng tượng và hài hước. Nếu lớp nhà văn trước kia chú trọng tới việc giáo dục tư tưởng, tới vẻ đẹp của ngôn ngữ thì lớp người viết trẻ sau này đã chú tâm nhiều hơn tới tính giải trí. Tác phẩm của họ thấy rõ sự hồn nhiên, tươi tắn trong câu văn, trong diễn đạt và trong cả nội dung. Tất nhiên trong truyện, họ cũng không bỏ qua nội dung tư tưởng, có điều nó được chuyển tải theo một cách dễ tiếp cận hơn với lớp trẻ.
Khi viết một câu chuyện cho bạn đọc nhí, được nhìn thấy chúng đọc một cách say sưa, thích thú là vui rồi. Những điều nhân văn sẽ đọng lại trong tâm hồn các em thật tự nhiên.
* Thực tình tôi không định tìm tòi nhằm sáng chế ra một thứ công thức hay bùa ngải nào để mê hoặc bạn đọc. Tôi chỉ cố gắng viết cho hay - hay theo ý mình. Không viết thì thôi, đã viết thì phải viết sao cho chính mình ưng ý. Vì thế mà tôi cứ viết đi viết lại, đôi khi chỉ là một câu văn. Biên tập viên nào làm việc với tôi chắc lắm phen khó chịu vì tôi rất hay đề nghị thay đổi bản thảo…
* Nhiều tuổi chưa hẳn đồng nhất với già, cũng như ít tuổi chưa chắc đã trẻ. Tôi nghĩ với những nhà văn viết cho thiếu nhi bằng tình yêu con trẻ - yêu thực sự, gần gũi chúng thực sự chứ không phải chỉ "làm ra vẻ", thì tự nhiên sẽ biết bọn trẻ con có thích những điều mình viết hay không.
* Những kỷ niệm về thời thơ ấu chắc sẽ còn theo tôi suốt cuộc đời. Đến độ tuổi nào đó, rồi bạn sẽ thấy tuổi thơ quay về trong tâm trí bạn. Cái chữ “vòng đời” tưởng bình thường, quen dùng, nhưng thực ra rất hay đấy. Bạn sinh ra, lớn lên, rời bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, đi đây đi đó, làm việc này việc nọ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mưu sinh, vui buồn được mất.
Loanh quanh một hồi, lúc lưng đau chân mỏi, bỗng nhiên lại thấy rưng rưng nhớ về những năm tháng tuổi thơ. Người cũ, cảnh cũ, một cánh diều, một chiếc cần câu, một buổi trưa đi bắt ve sầu, bắt chuồn chuồn, một trò nghịch dại… cứ gọi là hiện về rõ mồn một. Những thứ đó là một phần tài sản tinh thần vô giá của bạn, là tâm hồn bạn, con người bạn. Không muốn đánh mất mình thì bạn phải biết cách giữ lấy chúng.
* Trong các mảng đề tài viết cho thiếu nhi, tôi thấy hiện đang thiếu nhất là mảng truyện giả tưởng. Hiện, truyện sinh hoạt - chuyện có thật hàng ngày, chiếm tỷ lệ lớn. Tất nhiên đề tài này cũng hay, nhưng tính kích thích trí tưởng tượng cho trẻ em không nhiều. Cá nhân tôi - một người viết cho thiếu nhi, tôi không thích kiểu viết thực tế này mà ít nhất cũng phải đồng thoại, nhân cách hóa đồ vật, con vật…
* Đồng thoại, ở một số nền văn học khác, được hiểu là thể loại truyện dành cho trẻ em. Ở nước ta, theo cách hiểu thông thường, cũng là truyện dành cho trẻ em, nhưng nhân vật là loài vật hoặc những vật vô tri vô giác được nhân cách hóa: con chó, con mèo, cái bàn, cái ghế, hòn đá, bông hoa, cuốn sách…
Phải để con trẻ nghe thấy tiếng hát của con Thằn Lằn, tiếng thở dài của con Ốc Sên, và đọc được bài thơ của con Dế trên chiếc lá mít. Hơn thế, còn phải làm cho bạn đọc nhỏ tuổi tin vào những điều đó, và từ đó, các cháu sẽ học được cách “nghe” và “đọc” được nhiều thứ khác. Đấy là thử thách khó vượt qua nhất, nhưng cũng là tham vọng lớn lao của những người viết truyện đồng thoại, tôi nghĩ vậy.
* Đọc truyện tranh là nhu cầu rất chính đáng của trẻ em. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước phương Tây, truyện tranh khá phát triển, thậm chí cả người lớn cũng thích truyện tranh chứ không chỉ trẻ em.
Có người nói rằng truyện tranh với ngôn ngữ thoại nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới việc phát triển ngôn ngữ, văn phong của trẻ. Nhưng, chỉ có những cuốn truyện tranh chất lượng kém thì mới như vậy. Chúng ta đừng thành kiến với truyện tranh. Thực tế, có những cuốn truyện từ đầu đến cuối chỉ vài chục chữ, còn lại toàn tranh nhưng rất hay, thú vị, kích thích trí tưởng tượng của trẻ em vô cùng.
* Không hiểu với người khác thế nào, chứ với tôi, khi đọc một số tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất sắc của các nhà văn nước ngoài được dịch ra tiếng Việt trong những năm gần đây, tôi luôn cảm thấy kinh ngạc, phấn khích vì sự hấp dẫn lạ lùng và ý nghĩa sâu sắc của chúng. Chẳng hạn: “Momo”, “Chuyện dài bất tận” (M.Ende), “Peter Pan” (J.M. Barrie), “Mắt sói” (D.Pennac), “Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm” (M.Haddon), “Nhóc Nicolas: những chuyện chưa kể” (Goscinny & Sempé), “Cédric tôi thích đi học” (Laudec & Cauvin), “Pippi tất dài” (A. Lindgren), “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” (Sepulveda), “Khu vườn bí mật” (F.H. Burnett)... hay gần đây là một loạt tác phẩm của Roald Dahl. Trong số đó, có những tác phẩm đã ra đời cách đây năm, bảy chục năm (như “Nhóc Nikolas…”), hoặc trăm năm, hơn trăm năm (như “Khu vườn bí mật”).
Kinh ngạc, phấn khích, rồi tự mình đặt ra những câu hỏi: Cái gì đã làm nên sự hấp dẫn lạ lùng đó? Các nhà văn Việt Nam có thể viết được như thế không? Tại sao chúng ta chưa viết được như thế?...
Tôi mạnh dạn và thành thật nói ra suy nghĩ của mình, nếu chưa đúng thì xin các nhà văn rộng lòng chỉ bảo, nếu khiến ai tự ái thì tôi xin lỗi, rằng: Rất tiếc là chúng ta hầu như chưa có những tác phẩm tầm cỡ như vậy.
* Viết cho thiếu nhi cũng quan trọng, vinh quang, cần thiết... chẳng kém gì viết cho người lớn. Phải làm cho những người viết trẻ biết yêu và tin khi quyết định chọn con đường sáng tác cho các em.
Điều có tính chất quyết định là ở chính bản thân các nhà văn viết cho thiếu nhi. Chúng ta đã thực sự trăn trở với trang viết của mình, đã thực sự ham học hỏi và làm việc chuyên cần, đã thực sự cầu thị, biết mình đang ở đâu so với các đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới, để nỗ lực tự vượt lên mình hay chưa?