Bình yên và yêu thương tràn khắp
Nguyễn Xuân Hoàng thuộc thế hệ 8X, là nghệ sĩ tiên phong, nhiệt thành trong hoạt động nghệ thuật đương đại, có nhiều khám phá biểu đạt mới từ trình diễn, sắp đặt đến hội hoạ.
Triển lãm “Tạo hình phối cảnh ngược” của Hoàng vừa diễn ra tại TP HCM, gồm 60 tranh sơn dầu và giấy dó, tranh sơn mài, theo giải nghĩa của Hoàng, nếu tách câu này ra thì sẽ là: Tạo hình và phối cảnh ngược. Mới nhìn loạt tranh này, ban đầu sẽ nghĩ Hoàng có thêm ý tưởng tạo hình mới, như cách anh vẫn làm, tìm tòi, thể nghiệm qua các loại hình, các kỹ thuật, các đề tài, chất liệu từ khi bắt đầu con đường nghệ thuật. Nhưng, nhìn sâu hơn, vẫn là cái chất bên trong của Hoàng, “ưa nhìn ngược”.
Hoàng bắt đầu sáng tác theo phong cách “Không gian phối cảnh ngược” từ khi còn là sinh viên cho đến tận vài năm sau khi anh ra trường. Năm 2008, Nguyễn Xuân Hoàng ra mắt công chúng triển lãm tranh và sắp đặt “Ngược” tại 25studio, Hà Nội. Năm 2009, Hoàng thực hiện tiếp triển lãm, sắp đặt cá nhân “Phối cảnh ngược” cũng theo phong cách này tại Sàn Art, TP HCM.
Khi ấy, “Phối cảnh ngược” của Hoàng chủ yếu giải quyết các vấn đề về không gian, ý niệm và hoà sắc. Từ cảm nhận cá nhân, anh vẫn thấy một sự thiếu hụt về tạo hình. Từ đó, Hoàng tiếp tục tập trung vào khai thác các phương thức tạo hình. Hoàng tự hỏi, tại sao lại không thử kết hợp khả năng tạo hình với không gian phối cảnh ngược. Từ đó, “Tạo hình phối cảnh ngược” đã xuất hiện.
Nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi - giám tuyển của triển lãm nhận xét về tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: “Tạo hình xuôi hoặc tạo hình bình thường có những yêu cầu quy chuẩn về bố cục, về giải phẫu và về thẩm mỹ. Nói nôm na, nó có những yêu cầu trường lớp cần phải đạt đến hoặc gìn giữ. Còn tạo hình ngược thì đôi khi làm ngược lại các quy chuẩn đó, có sự phá cách. Mới nhìn, về mặt thị giác, cứ ngỡ các chi tiết tạo hình đều ngược theo quy luật xa gần. Nhưng không, Nguyễn Xuân Hoàng muốn quy định điều này theo tâm lý, nghĩa là thích cái nào to thì vẽ to”.
Để có được 60 tác phẩm, Nguyễn Xuân Hoàng miệt mài vẽ hàng ngày. Đôi khi nhiều thứ cùng xuất hiện trong đầu cùng một lúc thì anh phải chọn lựa cái nào vẽ trước. Nguyễn Xuân Hoàng luôn có những chuyển biến mới về đề tài, và gây những ngạc nhiên. Lần này anh chuyển sang vẽ Phật. Lý giải điều này, Hoàng chia sẻ, mặc dù yêu thích và nghiên cứu về Đạo Phật nhưng anh chưa từng nghĩ mình sẽ vẽ hình tượng Đức Phật theo cách đặc biệt như trong triển lãm này. Trong quá trình vẽ, Hoàng cảm giác về sự chậm rãi và thư thái qua từng nét, màu.
Ở các tác phẩm lần này, ngoài sử dụng bố cục, điểm nhìn từ trên cao xuống, điều tạo thêm sự nổi bật khác biệt là ánh sáng, đi từ màu tối, đến sáng rực rỡ, nhân vật nhờ vậy mà như phát hào quang từ bên trong. Với bộ tranh, ngoài mong muốn chia sẻ về nghệ thuật, Nguyễn Xuân Hoàng muốn chuyển tải thông điệp: “Cầu cho thế giới được bình yên và yêu thương tràn khắp!”.