Ngành tôm tìm cách vượt khó
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 287 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Tôm Việt Nam được xuất khẩu (XK) sang 92 thị trường. Tuy nhiên, trong top 10 thị trường nhập khẩu lớn tôm Việt Nam, thị trường Mỹ, EU ghi nhận sụt giảm mạnh nhất, trên 45%. Tôm XK sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ghi nhận giảm quanh mức 30%.
Dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), VASEP cho biết, quý I/2023, tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ đạt hơn 181.111 tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu trung bình mặt hàng tôm vào Mỹ quý I thấp hơn 13% so với cùng kỳ. Không chỉ Việt Nam, hầu hết các quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ đều sụt giảm mạnh.
Theo phân tích của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất tôm của Việt Nam, chiếm 18% tỷ trọng. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, tôm XK sang thị trường này đã giảm rõ nét. “Người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị…Trong khi đó, chi tiêu dùng của Nhật Bản cũng ghi nhận giảm. Những diễn biến của thị trường thế giới tác động mạnh đến hoạt động XK tôm của Việt Nam” – bà Thu nhận định.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, hiện nay, tồn kho các thị trường lớn tuy có giảm nhưng không mạnh. Các đầu mối nhập khẩu, phân phối phải bán giá thấp để nhanh chóng quay vòng vốn. Doanh nghiệp hạ giá mua khiến giá tôm nguyên liệu giảm khoảng 30%. Trong khi đó, người nuôi tôm cũng đang gặp khó do tỷ lệ tôm nhiễm bệnh cao, tình trạng này làm cho người nuôi tôm không dám thả giống vì cầm chắc lỗ.
Theo ông Huỳnh Xuân Diện - Giám đốc Hợp tác xã nuôi thủy sản năng suất cao Tân Hưng (Cần Thơ), giá tôm đang hạ thấp hơn nhiều so với trước đây. Trong khi đó, thương lái khi thu mua tôm luôn kèm theo những quy định khắt khe như kích cỡ, màu sắc tôm… khiến người nuôi tôm bán không được giá cao. “Giá tôm nguyên liệu giảm đã gây ảnh hưởng đến tâm lý và thu nhập của người nuôi tôm. Tôi mong rằng, ngành chức năng sẽ có giải pháp để hỗ trợ, giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn” - ông Diện đề xuất.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm mạnh đã và đang gây áp lực cho người nuôi lẫn doanh nghiệp. Do vậy, theo bà Kim Thu, doanh nghiệp và người nuôi tôm cần có sự chia sẻ về giá cả từ khâu thức ăn, con giống đến chế phẩm đầu vào cho nuôi tôm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang chờ đợi sự tiếp sức từ gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trong tháng 5 này. Gói vay lãi suất thấp này khi triển khai sẽ có tác dụng kích cầu để doanh nghiệp thu mua tôm nguyên liệu cho bà con nông dân. Từ đó, giúp doanh nghiệp chủ động được sản xuất, đón đầu thị trường để phục hồi trong thời gian tới.
Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu nuôi 750 nghìn ha tôm, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2022. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chỉ đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ, đang đe dọa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng. Năm 2023, ngành tôm phấn đấu đạt 750 nghìn ha nuôi tôm, với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2022.