Vòi bạch tuộc của tín dụng đen
Mới đây, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 9 người là các giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm thuộc Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit; Công ty TNHH Fincap VN và Công ty TNHH Sofi Solutions về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Đây là một vụ tín dụng đen rất lớn khi các nhóm này núp bóng công ty dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính để cho vay với lãi suất 153,2% đến 1.289,67%/năm; gấp từ 7 đến 64 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự.
Tới thời điểm này, với những vụ tín dụng đen đã bị phát giác thì vụ này có lãi suất khủng khiếp nhất (gần 1.300%/năm). Đó phải coi là tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có tổ chức. Các công ty trên hoạt động cho vay nặng lãi thông qua trang web tamo.vn và findo.vn. Từ tháng 4/2019 đến khi bị triệt phá mới đây, thông qua 2 trang web trên, 3 công ty đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.072 tỷ đồng; thu lợi bất chính hơn 4.123,4 tỷ đồng.
Nhìn vào những con số kể trên cho thấy hoạt động của những nhóm này rất quy mô, rất tàn bạo.
Vẫn theo Công an TPHCM, chỉ qua 1 tháng triển khai tấn công tội phạm tín dụng đen, cơ quan điều tra đã phát hiện, xác minh hàng trăm số điện thoại liên quan hoạt động cho vay tài chính với 50 đối tượng nghi vấn; khởi tố 3 vụ với 17 bị can về các hành vi phạm tội liên quan đến tín dụng đen; xử phạt vi phạm hành chính 43 trường hợp về hành vi quảng cáo trái pháp luật.
Lâu nay, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, báo chí liên tục cảnh báo nạn tín dụng đen. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn không chấm dứt mà cho thấy hoạt động càng ráo riết, tinh vi. Có công ty dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính còn thuê cả luật sư để “tham khảo ý kiến”, nhằm lách luật, nếu bị phát giác thì chỉ xử lý dân sự chứ không bị xử lý hình sự.
Tín dụng đen gây bất ổn xã hội, đẩy nhiều người đến chỗ khốn cùng, nhiều gia đình tan nát. Chúng không từ phương cách nào để đòi bằng được người vay, với lãi suất cắt cổ. Cách đây chưa lâu, một nhóm đối tượng ở Gia Lâm (Hà Nội) đã dán cáo phó ghi thông tin nạn nhân, ném dầu luyn pha sơn vào nhà con nợ để uy hiếp, đòi tiền. Nhóm này tổ chức cho vay nặng lãi nhằm thu lợi bất chính; áp mức lãi suất 109% đến 182%/năm, trong đó có hình thức “bốc bát họ” với tỷ lệ 10 ăn 8 (vay 8 nhưng phải trả 10). Nhóm này đã bị truy tố với các tội danh: Cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cố ý làm hư hỏng tài sản, khủng bố tinh thần để đòi nợ.
Do khó khăn, nhiều người đã phải tìm đến tín dụng đen. Cho dù đã biết phải trả lã suất cao nhưng cũng ít người hình dung được số nợ lại chất chồng đến thế. Và nhiều người cũng không thể tưởng tượng được mình sẽ bị truy ép, khủng bố tàn tệ đến mức nào nếu chậm trả lãi.
Thời gian qua, nhiều đường dây tín dụng đen đã bị công can triệt phá. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Các băng nhóm tội phạm vẫn hoạt động dưới nhiều hình thức, ngày càng mưu mô hơn, xảo quyệt hơn. Gần đây, chúng mở rộng hoạt động thông qua cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội; thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập, thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Đáng chú ý, không chỉ thu lãi theo thỏa thuận, các đường dây tín dụng đen còn thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt... gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Kể cả số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần pháp luật cho phép (20%).
Vì thế, cuộc chiến với tín dụng đen là cuộc chiến lâu dài, quyết liệt khi “vòi bạch tuộc” của chúng vẫn còn vươn rộng.