Chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm: Dự báo điểm chuẩn tăng
Năm 2023 một số địa phương, cơ sở đào tạo không có nhu cầu tuyển sinh ngành sư phạm. Một số cơ sở khác bị cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh chính thức các ngành đào tạo giáo viên so với dự kiến của trường. Các chuyên gia tuyển sinh nhận định, điểm chuẩn của nhóm ngành này sẽ biến động mạnh.
Giảm tới 50% chỉ tiêu tuyển sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có công văn gửi 16 trường đại học (ĐH), cao đẳng về việc không giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023 cho các trường này. Trong đó, có 11 trường trực thuộc các địa phương đã có văn bản thông báo không có nhu cầu đào tạo giáo viên gồm: Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam. Các trường còn lại đã sáp nhập với các cơ sở GDĐT khác hoặc chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo.
Đồng thời, Bộ GDĐT cũng công bố quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sư phạm năm 2023 cho các trường ĐH. Tại phía Bắc, nhiều trường bị cắt giảm chỉ tiêu mạnh, như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được giao tuyển 919 chỉ tiêu cho 15 ngành sư phạm, trong khi chỉ tiêu trường dự kiến là trên 2.000. Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương từ 820 chỉ tiêu dự kiến giảm còn 666 chỉ tiêu.
Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) được giao 540 chỉ tiêu trong khi đề án dự kiến của trường là 1.100 chỉ tiêu, nghĩa là đã bị cắt giảm hơn 50%. Trong đó, có những ngành giảm mạnh chỉ tiêu so với dự kiến, như ngành Sư phạm Toán từ 190 chỉ tiêu còn 35.
Tại phía Nam, Trường ĐH Sư phạm TPHCM được giao tuyển 1.710 chỉ tiêu cho 22 ngành sư phạm. Trường ĐH Sài Gòn được duyệt tuyển 940 chỉ tiêu cho 15 ngành sư phạm. Trường ĐH An Giang được giao 514 chỉ tiêu. So với chỉ tiêu dự kiến của các trường thì chỉ tiêu được giao tương đương hoặc có sụt giảm ít.
Dự báo điểm chuẩn tăng
Từ năm 2022, thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm, Bộ GDĐT yêu cầu các trường đào tạo sư phạm phải tuân theo quy định tại Thông tư 03 của Bộ về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và báo cáo về Bộ để đăng ký. Sau đó, Bộ xác định và thông báo chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu địa phương và cả nước. Việc này dẫn đến số liệu trường đăng ký và chỉ tiêu được duyệt có sự chênh lệch.
Ở năm đầu tiên thực hiện là năm 2022, điểm chuẩn nhiều ngành đào tạo giáo viên của các trường đã tăng cao so với các năm trước. Với việc tiếp tục cắt giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên, các chuyên gia dự báo điểm chuẩn khối ngành này năm nay sẽ tiếp tục biến động mạnh theo chiều hướng đi lên, nhất là với các ngành có số lượng tuyển mới khá ít, như tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, các ngành Sư phạm Hóa học, Địa lý, Ngôn ngữ, Giáo dục đặc biệt... chỉ có 20 chỉ tiêu/ngành.
Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhìn từ thực tế, điểm chuẩn các ngành như Giáo dục tiểu học, Sư phạm Toán, Sư phạm Tiếng Anh của các trường sư phạm vẫn tăng đều trong 3-5 năm qua là những tín hiệu vui cho thấy sức hút của ngành sư phạm đã tăng lên. Tuy nhiên, với việc giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm trong bối cảnh thiếu giáo viên ở nhiều địa phương để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 càng gây khó khăn cho các địa phương.
Trong giai đoạn 2022-2026, mặc dù được giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông, riêng năm học 2022-2023 là 27.850. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương do nguồn tuyển hạn chế nên dù có được giao thêm biên chế thì vẫn không tuyển được. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhưng không mặn mà chuyện đặt hàng các trường sư phạm đào tạo sẽ ảnh hưởng đến việc khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, ông Nhĩ cũng chỉ ra tình trạng nhân lực các trường sư phạm dôi dư, thiếu việc làm, lãng phí cơ sở vật chất vì chỉ tiêu đào tạo giảm… là những bài toán đang đặt ra cần sớm có nghiên cứu thấu đáo và giải quyết triệt để nhằm giúp giải bài toàn cung – cầu giáo viên hiện nay.