Canh tác thuận thiên, nông dân vùng thượng nguồn Đồng Tháp thu lãi lớn
Là một trong những địa phương vùng thượng nguồn, thời gian qua, Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình giúp nông dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó sinh kế mùa lũ được xem là mô hình hiệu quả, mở ra hướng canh tác mới cho nông dân vào mùa nước nổi.
Anh Nguyễn Văn Kiểm ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có đất sản xuất màu mỡ với diện tích 10ha, nhưng trước đây anh canh tác lúa 2 vụ/năm chưa mang lại thu nhập như mong đợi.
Sau nhiều lần trăn trở, năm 2018 được sự hỗ trợ của Tiểu Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” (ICRSL Đồng Tháp), thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (MD-ICRSL), anh Kiểm mạnh dạn động viên gia đình, anh em tham gia mô hình sinh kế mùa lũ 2 lúa – 1 cá, sản xuất lúa theo hướng an toàn và nuôi, trữ cá đồng tự nhiên.
Với việc chuyển đổi theo hình thức sản xuất này, mỗi năm, gia đình anh Kiểm có thu nhập từ mô hình lúa - cá là 837 triệu đồng/10ha/năm, cao hơn so với cách làm truyền thống trước đây (trước chỉ 525 triệu đồng). Đặc biệt, nhờ nuôi cá trên ruộng lúa nên giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, một số loại dịch hại gây bệnh như rầy giảm rõ rệt (khoảng 30%).
Đây cũng là “bí quyết” để hạt gạo ngon, chất lượng, an toàn và được công ty bao tiêu với giá cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg.
Chính từ lợi thế gạo sạch này, năm 2021, anh Kiểm mạnh dạn xây dựng thương hiệu, cho ra mắt sản phẩm Gạo an toàn Huỳnh Kiểm. Anh Kiểm cho biết, thời gian tới, anh sẽ mở rộng thêm diện tích trồng lúa theo mô hình này, tiếp tục giảm lượng phân, thuốc để hướng đến sản xuất lúa hữu cơ.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp, trong các loại hình sinh kế đang thực hiện, loại hình sinh kế 2 lúa – 1 cá là phổ biến nhất trong vùng dự án vì tương đối dễ thực hiện, với nền sản xuất cơ bản là 2 vụ lúa sẽ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản xuất bảo đảm ATTP, được chứng nhận VietGAP để liên kết tốt trong tiêu thụ, nâng cao hiệu quả. Tùy điều kiện ruộng, hạ tầng cơ sở sẵn có, khả năng đầu tư, kỹ thuật, lao động, nông dân có thể nuôi hoặc trữ cá tự nhiên vào mùa lũ để có thêm thu nhập, tạo điều kiện trữ lũ, thoát lũ theo mục tiêu dự án.
Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án Thuỷ lợi - CPO (Bộ NN&PTNT), qua 6 năm thực hiện, Dự án MD-ICRSL do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ đã giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Các loại hình sinh kế của Dự án đã chứng minh có thể là giải pháp thay thế cho các loại hình sinh kế truyền thống mà vẫn đem lại lợi nhuận cho người dân.
Để tăng tìm thêm các giải pháp, tăng nguồn lực cho ĐBSCL vừa qua, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo về đề xuất dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (WB11), do Thứ trưởng Bộ N&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Điều hành hoạt động của WB đồng chủ trì, với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tỉnh của khu vực ĐBSCL.
Theo tổng hợp đề xuất của CPO Thuỷ lợi, Dự án WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.
Dự án WB 11 dự kiến với 3 hợp phần: Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin; Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng; Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.
Về tiến độ Dự án WB 11, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT nỗ lực để tháng 12/2023 sẽ có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo Ngân hàng Thế giới.