Mua bán sổ tiết kiệm trên mạng xã hội: Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Hoạt động mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm đang diễn ra khá rầm rộ trên nhiều trang mạng xã hội. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn không ít rủi ro cho cả người mua lẫn người bán nếu không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
Nở rộ hoạt động chuyển nhượng sổ tiết kiệm
Việc lãi suất huy động chuyển trạng thái nhanh chóng từ rất cao xuống thấp đã khiến nhiều người tìm đến dịch vụ chuyển nhượng sổ tiết kiệm.
Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người đăng tin chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Truy cập vào nhóm "Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng" với 33.500 thành viên, không ít những bài muốn sang nhượng sổ tiết kiệm gần đến ngày đáo hạn như: "Nhờ ad duyệt giúp. Mình có sổ 100tr đến tháng 9/2023 hết hạn ls (lãi suất-PV) 8.7% muốn sang nhượng cho ai ở hoàng mai hà nội", hay "Cần chuyển nhượng lại sổ tiết kiệm HDBANK : 605tr ls 9.9 , Việt á bank 340tr ls 10. đều hạn đến tháng 11 tại Hà Nội. B nào có nhu cầu ib (inbox-PV) nhé", "Có bác nào cần rút tiền tiết kiệm trước hạn nên chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao >11% tại Hà Nội không inbox em gấp nha"...
Có thể nhận thấy, những người có nhu cầu chuyển nhượng chủ yếu là những khách hàng đã gửi được tiền với lãi suất trên 10% trong giai đoạn lãi suất tiền gửi tăng nóng hồi cuối năm ngoái, nhưng đến nay lại cần vốn gấp và ngại việc tất toán sổ tiết kiệm trước hạn, không muốn mất đi phần lãi trước đó; hay có mong muốn có vốn đáo hạn sớm để gửi lại trước khi lãi suất giảm sâu.
Trong khi đó, bên mua cũng được hưởng lợi khi kỳ hạn còn lại chỉ ít tháng nhưng lại được hưởng lãi suất cao hơn rất nhiều so với mở số tiết kiệm mới với mức lãi suất thấp hơn ở thời điểm hiện nay.
Có cầu ắt có cung, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm nở rộ khiến một số cá nhân hoặc tổ chức làm trung gian mua bán sổ tiết kiệm để hưởng “hoa hồng”. “Có bác nào cần rút tiền tiết kiệm trước hạn nên chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao >11% tại Hà Nội không inbox em gấp nha”, một tài khoản ẩn danh đăng tải.
Dạo quanh 1 vòng các group mua bán sổ bảo hiểm, giá bán sổ thông thường sẽ bằng số tiền gốc trên sổ tiết kiệm + lãi trên sổ tiết kiệm tính đến thời điểm hiện tại + lãi trả thêm cho chủ sổ + phí dịch vụ. Trong đó, lãi trả thêm cho chủ sổ là lãi thỏa thuận giữa người mua và người bán, phí dịch vụ sẽ được quy định trong từng thời kỳ.
Dù mất phí sang nhượng, chi phí cho người môi giới nhưng lại giữ được toàn bộ số tiền lãi theo lãi suất ở mức cao của các tháng đã gửi trước đó khiến không ít người tìm đến dịch vụ này.
Rủi ro tiềm ẩn
Trên thực tế, việc mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm không phải là mới. Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Theo đó, sổ tiết kiệm cũng được coi là giấy tờ có giá và người chủ sở hữu có đầy đủ các quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.
Thủ tục chuyển nhượng cũng đơn giản, nhanh gọn tại chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng dưới sự hỗ trợ của giao dịch viên.
Hiện có 2 hình thức các ngân hàng đang áp dụng cho hình thức chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm, một là ủy quyền cho người khác nhận tiền khi đến hạn, hai là cho - tặng sổ tiết kiệm.
Ở hình thức ủy quyền, ông A có thể ủy quyền cho bà B rút tiền tại sổ tiết kiệm của mình (lãi suất giữ nguyên) nhưng bà B chỉ được sở hữu số tiền này khi đáo hạn sổ. Còn ở hình thức cho - tặng, quyền lợi của người nhận chuyển nhượng sẽ được đảm bảo và đầy đủ hơn.
Tuy vậy, chuyên gia cũng lưu ý người chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cần phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 48.
Bởi, việc thực hiện ngoài ngân hàng thông qua các hình thức như ký hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn tiềm ẩn rủi ro vì bên ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Lúc này, ngân hàng sẽ không có trách nhiệm giải quyết do việc chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.
Theo chuyên gia pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm có thể gặp rủi ro nếu không thực hiện quy trình sang tên. Chính vì vậy, hoạt động mua bán sổ tiết kiệm không thể đơn giản như "trả tiền, nhận sổ".
Trong trường hợp không đăng ký tại ngân hàng, người mua đã chuyển tiền đầy đủ và cầm sổ về nhưng người bán thì vẫn còn nguyên quyền tài sản đối với số tiền gửi trong ngân hàng. Vì vậy, người bán vẫn có thể làm thủ tục báo mất sổ và làm lại, hoặc ra ngân hàng thực hiện các thủ tục rút tiền một cách bình thường mà không cần cầm theo sổ tiết kiệm.
Do đó, chuyên gia khuyên rằng, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm chỉ nên thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng và phải đầy đủ các giấy tờ cần thiết của cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới và ngân hàng chủ quản, dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên để tránh những rủi ro về mặt pháp lý về sau.