Ngăn chặn lợi ích nhóm
Dự thảo Quy định về “Kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật” đã và đang được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xây dựng và dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua trong năm nay. “Lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách”, tiêu cực trong công tác này cần phải được loại bỏ.
T heo ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, mặc dù hệ thống pháp luật được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, khả thi, tạo cơ sở pháp lý, môi trường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ông Quyền cũng cho rằng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật là vấn đề quan trọng.
Từ đó, việc công khai, minh bạch các quy trình trong xây dựng pháp luật, cùng với đó quy trách nhiệm, có chế tài xử lý đối với các chủ thể có hành vi sai phạm cần phải được đặt ra. Trong đó có hoạt động phản biện chính sách của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia giám sát của nhân dân.
Đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực dưới hình thức nhóm lợi ích là vấn đề đã được đề cập tới trong nhiều văn kiện của Đảng, nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội. Từ đó, cần nhận diện rõ nhóm lợi ích, lợi ích nhóm để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Theo nghĩa chung nhất, "lợi ích nhóm" là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau để cùng có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó. Về chủ thể, nhóm người này là "nhóm lợi ích", cấu kết trục lợi, gây thiệt hại cho lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Trong thực thi chính sách, các nhóm lợi ích có thể tác động đến nhiều lĩnh vực, như phân bổ ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, hoạt động đầu tư công, ngân hàng, đất đai, xây dựng, khai thác tài nguyên; quá trình bổ nhiệm, lựa chọn nhân sự và kể cả hoạt động tư pháp, xây dựng pháp luật - tuy rằng ít hơn so với các lĩnh vực khác.
Để nhận diện, kiểm soát, ngăn chặn biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật, cần đặt câu hỏi: Chính sách đó làm lợi cho ai? Chính sách có được xây dựng minh bạch, công khai, theo đúng quy trình không, có biểu hiện mờ ám, tiêu cực không?
Tại phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội (ngày 9/3/2023) cho ý kiến về dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặc biệt nhấn mạnh phải chú trọng cả “phòng” và “chống”; xác định phạm vi, nội hàm của kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật như thế nào, nhận diện các hành vi lạm quyền trong xây dựng pháp luật ra sao.
Trước đó, ngày 22/8/2022, tại Hội nghị triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; trong đó cần đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ, đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình hàng năm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, xây dựng các cơ chế, quy định để phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu sự đồng hành với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và đánh giá rất cao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hết sức tích cực trong việc tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng luật; mong muốn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động này, nâng cao hơn nữa chất lượng phản biện chính sách để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng luật.
Trong quá trình xây dựng đất nước, pháp luật là vô cùng quan trọng, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh mọi lĩnh vực, mọi hoạt động vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, việc chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách luôn phải được chú trọng. Mọi tiêu cực trong công tác này cần phải được loại bỏ.