Thị trường trái phiếu cần một nền móng vững chắc
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn trầm lắng, các đợt phát hành trái phiếu mới hầu như không có trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu cũ rất lớn. Là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng, thị trường TPDN cần được tạo nền móng vững chắc.
Thị trường tiếp tục đóng băng
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu tổng hợp từ HNX và SSC, chưa có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận trong tháng 5/2023. Trong tháng 4, có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng, với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng được ghi nhận (tương đương 10% tổng khối lượng phát hành của tháng liền kề).
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 31.658 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 17% tổng giá trị phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 26.137 tỷ đồng (chiếm 83% tổng số).
Về TPDN được mua lại, trong 3 tuần đầu tháng 5/2023, các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện mua lại 5.249 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5. Trong đó, Ngân hàng Phương Đông mua lại nhiều nhất với giá trị 3.500 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 55.885 tỷ đồng (tăng 45.6% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong khi thị trường TPDN đang đóng băng, thì DN chật vật tìm nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu đến hạn. Theo dữ liệu của VBMA, tính đến ngày công bố thông tin 19/5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của tháng 5/2023 là 11.191 tỷ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (4.931 tỷ đồng); nguyên vật liệu (2.600 tỷ đồng); ngân hàng (2.000 tỷ đồng).
Một số công ty chậm thanh toán lãi trái phiếu cũng đã được nêu tên. Ví dụ Công ty cổ phần Kinh doanh đá quý và trang sức Đức Tiến công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu do chưa thu xếp được nguồn. Tính ra từ đầu tháng 5 tới nay, đã có hàng chục DN thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu hoặc gia tăng thêm kỳ hạn trái phiếu. Cụ thể, Novaland, Hưng Phát, Đất Xanh miền Nam, Hưng Thịnh Investment… thông báo chậm trả gốc lãi trái phiếu. Ngoài ra, một loạt DN như: Kita Invest, Phát Đạt, Viễn thông Trịnh Gia Nguyễn… thông báo kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Thị trường trái phiếu phát triển đã đem lại tác dụng như một kênh dẫn vốn, chia sẻ hoạt động cung ứng vốn cho các DN, cho nền kinh tế, đặc biệt là giúp các tổ chức tín dụng bớt gánh nặng về rủi ro kỳ hạn (các tổ chức tín dụng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, trong khi TPDN đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn). Tuy nhiên, từ nửa cuối của năm 2022 cho đến nay, thị trường TPDN gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định: “Chúng ta đang trong bối cảnh các DN khó khăn và trái phiếu khó khăn. Khi sử dụng TPDN rồi, lẽ ra DN có thể phát hành tiếp để có dòng tiền trả nợ các trái chủ khi đến hạn, nhưng thị trường khó khăn, dòng tiền gặp khó dẫn đến áp lực lớn trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà phát hành”.
Giải pháp nào tháo gỡ?
Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa. Nếu giữ được điều này, sẽ là điểm tựa để thị trường tốt dần lên, tiếp tục phát triển.
Về các quy định liên quan đến thị trường, ông Chi cho biết, trong thời gian ngắn, Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết (số 65 và 08) để gỡ vướng cho thị trường, giúp DN phát hành có điều kiện, công cụ pháp lý, thời gian để giải quyết khó khăn trước mắt chứ không giật cục. Nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. DN phát hành chịu trách nhiệm đến cùng đối với các cam kết của mình với nhà đầu tư. Thông điệp của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Còn TS Vũ Minh Khương (Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore) cho rằng Việt Nam cũng lưu ý về vấn đề tạo nền móng cho tương lai. Việt Nam cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh. Theo ông Khương, trái phiếu phát hành có 3 loại: Một là phải mua bảo hiểm, loại này người dân rất yên tâm mua. Loại thứ hai là phát hành trái phiếu có bảo lãnh, bảo đảm bằng chính tài sản của mình. Loại trái phiếu thứ ba hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải có ít nhất 2 công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm. Ông Khương cũng đề xuất 3 tuyến phòng vệ hỗ trợ các DN. Thứ nhất là các lãnh đạo DN khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị DN; Thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ; Thứ ba là cần kiểm toán hằng năm để đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các ý kiến kiến nghị thường xuyên, liên tục.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, trong thời gian ngắn, Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết (số 65 và 08) để gỡ vướng cho thị trường, giúp DN phát hành có điều kiện, công cụ pháp lý, thời gian để giải quyết khó khăn trước mắt; chứ không giật cục. Nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.