Tín hiệu vui cho doanh nghiệp
Biểu lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng của hàng loạt ngân hàng đã được điều chỉnh giảm mạnh. Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất các khoản vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm đẩy mạnh sản xuất.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Điển hình như TPBank, VietcapitalBank hay SeABank, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn này giảm sâu về 4,5% - 4,8%/năm. Thậm chí, ACB giảm mạnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 tháng - 5 tháng từ 0,5 điểm % - 0,7 điểm %, xuống còn 3,9 - 4,3%/năm, lãi suất tiết kiệm 6 tháng còn 6,2%/năm và 12 tháng còn 6,6%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này là 6,7%/năm tại các kỳ hạn từ 15 tháng – 36 tháng.
Khi lãi suất huy động giảm sâu, ngân hàng cũng cam kết hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Đại diện Agribank cho biết, đã dành 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trung dài hạn cho 2 triệu khách hàng hiện hữu. Tùy từng đối tượng, lĩnh vực, có đối tượng Agribank đã giảm 4% so với đầu năm, bình quân giảm 1%/năm.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, OCB cũng đã giảm lãi suất cho vay. Với khách hàng cũ, OCB sẽ giảm ít nhất 0,5 điểm % cho tất cả khách hàng; thậm chí một số đối tượng khách hàng sẽ được giảm sâu hơn. Đối với khách hàng mới sẽ không giảm thêm do lãi suất đã ở mức thấp.
Một số DN cho biết, họ đã được hưởng lợi khi lãi suất giảm. Điển hình, Công ty cổ phần Cơ khí chính xác HBT Việt Nam vừa được ngân hàng thông báo sẽ được giảm thêm 0,5% lãi suất cho khoản vay ngắn hạn, bắt đầu từ tháng 6 tới. Đây đã là lần thứ hai, HBT Việt Nam được giảm lãi suất cho vay trong năm nay.
Ông Dương Ngọc Hạnh - Giám đốc HBT Việt Nam, chia sẻ: “DN được giảm từ 8,3% xuống 7,7%/năm cho kỳ hạn 5 tháng. Chúng tôi là những DN trẻ nên rất cần các nguồn vốn lưu động để đầu tư máy móc, tăng năng suất lao động, mua nguyên, vật liệu phục vụ khách hàng. Với số lượng vốn lớn, chúng tôi sẽ mua được nguyên vật liệu tốt với mức giá tốt hơn”.
Cần thêm nhiều giải pháp
Tuy nhiên, trên tổng thể, cộng đồng DN vẫn hết sức khó khăn. Số DN rút lui khỏi thị trường vẫn lớn.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm cho biết, DN đang khó khăn, bản thân các DN không ai muốn “bán mình” cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Do đó, DN rất cần chính sách hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để họ yên tâm sản xuất.
Khó khăn hiện hữu được chỉ ra, đó là tăng trưởng kinh tế đang bị chậm lại ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững chặt chẽ hơn. Điều này khiến các DN phải thay đổi tổ chức sản xuất, dây chuyền công nghệ sẽ đi kèm với gia tăng chi phí đầu tư. Trong khi đó, đa số DN nhỏ và vừa không có đủ vốn để tiếp cận được những công nghệ tiên tiến, dẫn đến khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường thấp.
Chưa kể lãi suất neo cao trong thời gian dài, DN tăng chi phí vốn, yếu tố trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm, dịch vụ làm giảm sức cạnh tranh của DN đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu nêu trên. Bên cạnh đó, áp lực về giá nhiên liệu (xăng, dầu) làm chi phí đầu vào của DN biến động mạnh, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là chi phí vận tải (hành khách), vận chuyển.
Đáng lưu ý môi trường đầu tư, kinh doanh còn tiềm ẩn những rủi ro; một số quy trình, thủ tục hành chính chưa được thuận lợi do các cấp thực thi có tâm lý lo ngại làm sai dẫn đến nguồn lực DN chưa được khơi thông hiệu quả.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, một điểm nữa là thiếu đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật, đặc biệt là ở cấp thông tư cũng gây ra không ít trở ngại cho DN trong việc vận hành kinh doanh và thực thi các quy định pháp luật.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ DN, quan trọng là cần triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như: sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để DN ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Hạn chế thanh tra, kiểm tra DN, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm) và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính. Để hỗ trợ DN, các ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi vay và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Chính phủ luôn quan tâm và đề ra rất nhiều nhóm chính sách quan trọng, đồng thời thúc giục các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đồng hành, hỗ trợ DN. Kỳ vọng thời gian tới, chất lượng thực thi trong các hoạt động hỗ trợ được đẩy mạnh hơn, triển khai rộng hơn với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ động, tích cực.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ở thời điểm khó khăn, chính sách tác động nhanh nhất, trực diện nhất là tài chính, thuế khóa. “Lúc DN khó khăn, thì chính sách tài khóa, tiền tệ cần hỗ trợ mạnh hơn, chứ lúc nền kinh tế “no đủ” rồi thì cần gì hỗ trợ. Hỗ trợ DN là nuôi dưỡng nguồn thu”- ông Thiên nói.