Kiều hối, thu hút và sử dụng
Tính trung bình 5 năm qua, lượng kiều hối chuyển về nước tăng 7,6%/năm. Đáng chú ý, bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối cũng là nguồn vốn từ nước ngoài quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Kiều hối vẫn giữ được đà tăng
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho hay, 5 năm qua lượng kiều hối chuyển về TPHCM luôn đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2018, lượng kiều hối chuyển về đạt 4,7 tỷ USD, tăng 8,8%; năm 2019 đạt 5,45 tỷ USD, tăng 15,8%; năm 2020 đạt 6,09 tỷ USD, tăng 11,8%; năm 2021 đạt 7,07 tỷ USD, tăng 16% và năm 2022 đạt 6,6 tỷ USD, giảm 7%. Như vậy, nếu tính tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua, lượng kiều hối chuyển về trong nước tăng 7,6%/năm. Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối cũng là nguồn vốn từ nước ngoài quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
“Trong số các quốc gia có người Việt Nam sinh sống gửi tiền về nước thì Mỹ chiếm khoảng 60% tổng số tiền gửi về nước hàng năm. Trong đó, khoảng 1/3 lượng kiều hối về TPHCM” - chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết. Nguồn kiều hối về từ Mỹ không trồi sụt do kiều bào sống và làm việc tại đây có thu nhập ổn định, ngay cả giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Đánh giá về lượng kiều hối thời gian qua, ông Hiếu cho biết lượng kiều hối 2022 thấp hơn nhưng gần bằng mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỷ USD, đồng thời cao hơn nhiều so với nguồn vốn ODA đã giải ngân trong năm 2022.
“Nhìn một cách tổng quát, về số lượng nguồn vốn về Việt Nam thì nguồn kiều hối đứng sau FDI, đứng trước ODA. Nhưng về định tính, nguồn kiều hối ổn định hơn cả FDI và ODA. Đặc biệt, kiều hối là nguồn viện trợ không hoàn lại và không phải trả lãi, không tạo ra gánh nợ cho thành phố. Kiều hối mang tính ưu việt so với những nguồn tài trợ khác” - ông Hiếu nói.
Nhận định về tầm quan trọng của kiều hối, ông Võ Hồng Đức - Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh, kinh tế và tài nguyên (Trường Đại Học Mở TPHCM) cho rằng, kiều hối là nguồn thu nhập của hộ gia đình, giúp tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Kiều hối còn là nguồn vốn đầu tư lớn. Dòng kiều hối ít bị tác động bởi bất ổn vĩ mô hay tỷ suất sinh lời. Ngay cả khi dòng vốn FDI, ODA giảm, dòng kiều hối vẫn ổn định, thậm chí có xu hướng tăng. Kiều hối hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế và góp phần phát triển thị trường tài chính ở các quốc gia đang phát triển.
Sử dụng hiệu quả dòng kiều hối
Khẳng định tầm quan trọng của kiều hối đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, song một số ý kiến cho rằng nguồn kiều hối sử dụng chưa thật hiệu quả.
“Nếu xem kiều hối là nguồn lực đầu tư thì phải sinh lời, tiền phải đẻ ra tiền. Do đó cần cơ chế về dòng tiền ra mới khuyến khích dòng tiền vào. Trường hợp xác định kiều hồi cũng là một nguồn đầu tư cần có chính sách ưu đãi thuận lợi như FDI” - ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh và cho rằng TPHCM với cơ chế đặc thù thì cũng cần có chính sách cụ thể hơn để thu hút kiều hối.
Về vấn đề này, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay hơn 50% kiều hối được sử dụng vào mục đích mua bất động sản trực tiếp hay qua người quen tại TPHCM. 3 năm qua, kiều hối chuyển về thành phố để đầu tư vào sản xuất kinh doanh là rất ít. Nhằm khuyến khích, thu hút dòng tiền này đổ về nhiều hơn phải đảm bảo tình hình kinh tế vĩ mô, tăng cơ hội đầu tư. Song song đó, không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào. Chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối cần được nâng cao hơn, đổi mới quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận kiều hối, đưa vào sử dụng nhiều phương tiện thanh toán hiện đại.
Trong khi đó, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, nhận thức rõ kiều hối là nguồn lực vàng của nền kinh tế nên TPHCM hướng mục tiêu tăng trưởng kiều hối khoảng 10%/năm, giai đoạn 2023-2030. Tuy nhiên, để thu hút tốt nguồn lượng lớn kiều hối cần nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước. Thứ hai, tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hoạt động ngân hàng, điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư. Đây là giải pháp quan trọng, không chỉ thu hút nguồn kiều hối mà còn thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Cuối cùng, nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối.
Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới nên dự báo kiều hối về nước năm nay có thể không bằng năm 2022. Cụ thể, tại Mỹ và châu Âu, lạm phát và lãi suất tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2024. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến lượng kiều hối về nước năm nay và năm sau có thể sẽ sụt giảm, vì vậy cần nhiều biện pháp để sử dụng hiệu quả dòng vốn này.
Thông tin tại hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia ngành tài chính về xây dựng Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức, ngày 22/5, cho biết, lượng kiều hối chuyển về TPHCM tiếp tục tăng trưởng khá, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2023, tăng khoảng 6-7% so với năm 2022. Riêng lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong quý I/2023 đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.