Lao động nữ di cư: Áp lực và thiệt thòi
Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ chiếm hơn 30% nhưng lại đóng góp tới 50% lượng kiều hối. Tuy nhiên, khi tham gia vào thị trường lao động nước ngoài, không ít lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới .
Chuyện của người trong cuộc
Kể về những áp lực, khó khăn khi đi làm việc ở nước ngoài, chị Lê Thị Xuyến (ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, chị từng đi lao động tại Malaysia vào năm 2012, làm việc cho một công ty sản xuất linh kiện ô tô. Quá trình làm việc, được trả công đầy đủ. Tuy nhiên, chị Xuyến cũng cho biết, không ít lao động nữ gặp nhiều khó khăn. Một số người bỏ trốn, ra ngoài làm việc tự do dễ dẫn đến việc bị áp đặt, đe dọa và cưỡng bức lao động, bạo lực tình dục. Bất đồng ngôn ngữ cũng là một rào cản đối với lao động nữ.
“Khi sang đó, ngôn ngữ bất đồng, làm việc không như lúc mình được tư vấn. Có một số người nghe theo bạn bè, bỏ ra ngoài nên gặp phải chủ không tốt, nơi ăn ở không được đảm bảo cũng như ăn uống thiếu thốn. Nơi tôi ở, khi đó đi rất nhiều, 43 người đến Malaysia nhưng một số chỉ đi được 6 đến 9 tháng thì phải về trước hạn do gặp nhiều trục trặc. Một số người dành dụm được tiền thì mua vé máy bay về, nhưng một số người, gia đình phải gửi tiền sang để mua vé máy bay” - chị Xuyến chia sẻ.
Đề cập về những khó khăn của lao động nữ khi di cư, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, khi tham gia thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới, đặc biệt là trong các thời điểm trước, trong khi đi lao động và sau khi trở về nước.
Trước khi đi lao động ở nước ngoài, lao động nữ có xu hướng ít được tiếp cận thông tin tuyển dụng, hạn chế trong việc được đào tạo an toàn, hiệu quả và di cư hợp pháp. Sau khi lao động trở về và tái hòa nhập cộng đồng, lao động nữ gặp khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm, khó có thể phát huy được tay nghề. Tình trạng khá phổ biến là người lao động di cư ít nhiều học được kỹ năng chuyên môn trong quá trình lao động ở nước ngoài (70%) nhưng lại ít được áp dụng ở quê nhà khi trở về (3%)… Khi hồi hương, lao động nữ di cư còn có thể phải đối mặt với các rạn nứt trong hôn nhân và gia đình, thậm chí cả bạo lực gia đình.
Có chính sách ưu đãi cho lao động nữ khi về nước
Là một tổ chức xã hội chuyên trợ giúp cho lao động di cư trong và ngoài nước, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light) cho rằng, bên cạnh việc phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và mua bán người dựa vào cộng đồng, cần có thêm các dịch vụ hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ di cư hồi hương, tăng cường nhận thức về di cư an toàn và khả năng ứng phó cho lao động nữ di cư.
Còn theo bà Vũ Hồng Minh - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và các tổ chức, đơn vị để thực thi và giám sát việc thực thi Luật và các chính sách mới trong thực tiễn cuộc sống; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu rõ được quyền lợi đi kèm trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn; thông tin rộng rãi địa chỉ, số điện thoại các cơ quan, đơn vị hỗ trợ để giải quyết nhanh chóng các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ di cư lao động ở nước ngoài; chia sẻ các điển hình tốt, các kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, bảo hộ công dân giữa các nước gửi lao động.
“Trong Điều 69 Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 đã có những quy định cụ thể hơn một số các điều kiện như vấn đề tuyển chọn và đào tạo cho người lao động trước khi đi, chúng ta nhấn mạnh bảo đảm bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử cho người lao động. Điều này cho thấy về hành lang, pháp chế đã khá đầy đủ, giải pháp cần lúc này là sự vào cuộc để đưa những quy định này vào đời sống” - bà Minh nói.
Bên cạnh hành lang pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho lao động khi đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia về lao động, cũng cho rằng, cần thiết phải bổ sung và hoàn thiện những chính sách dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đảm bảo nguyên tắc giới; cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ tái hòa nhập thị trường.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn từ 2013 - 2021 đã có gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. 3 tháng đầu năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là gần 38.000 người, trong đó có gần 13.000 lao động nữ. Từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 30% tổng số lao động hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài.