Theo sử sách, đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xây dựng từ năm 1617 niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông (1600 - 1619). Đến năm 1628, con trai thứ hai của ông là Binh bộ thượng thư Đăng quận công Nguyễn Khải đã mở rộng thêm quy mô kiến trúc. Đến đời cháu ngoại của ông là Lê Khắc Tuy- tri phủ Hà Trung cùng dân 14 xã trong huyện Đông Sơn tu bổ hoàn chỉnh vào tháng 9 năm 1632, đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1643), đền thờ được tôn tạo đúng vị trí ban đầu. Là ngôi đền cổ với tuổi đời hơn 400 năm, tọa lạc trên mảnh đất của dòng họ Nguyễn - dòng họ “danh gia thế phiệt” ở vùng đất danh tiếng Cổ Bôn xưa (nay là thôn Phúc Triền, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn). Với tổng diện tích 38.000m2, khu đền thờ - lăng mộ Nguyễn Văn Nghi bao gồm nhiều thành phần kiến trúc với chức năng khác nhau được bố trí theo kiểu "Nội công ngoại quốc", gồm 2 vòng thành khép kín: Thành đất (thành ngoại) ở ngoài, thành đá (thành nội, rộng tới 16.000m2) ở trong. Bên trong thành nội là các cụm kiến trúc gỗ được xây dựng theo hình chữ "Công", chữ "Tam", chữ "Nhị" và "Nhất" rất tiêu biểu cho lối kiến trúc thời hậu Lê. Đường dẫn từ thành ngoại vào trong khu nội viên được lợp đá tảng, hai bên là hàng chó đá, ngựa đá, voi đá và tượng thần hộ pháp. Hai chiếc bia đá rộng hơn 2,5m đối xứng hai bên, một chiếc bao gồm cả phần mái che cũng được đục nguyên khối không tách rời khiến người xem phải kinh ngạc vì sự tỉ mỉ của từng con chữ và hoa văn được khắc tinh tế trên bia. Cổng vào hình mái vòm, bên trên có khắc ba chữ “Tướng công môn”. Tường đá bao bọc cao tới gần 2m, bề rộng 1,5m dựng bằng hai hàng đá tảng, ở giữa đổ đất nện, phía trên là những phiến đá hình mai rùa úp xuống. Theo ông Nguyễn Xuân Lọc - người trông còi đền Nguyễn Văn Nghi thì cứ đến ngày lễ, ngày tết, nhất là ngày nhà giáo, tết âm lịch, ở đền lúc nào cũng rộn rã tiếng người. Người đến đây cũng chẳng phải vì cầu danh, cầu lợi mà là đến để tri ân một người thầy lớn, đạo học lớn của vùng. Phần mái ngói của ngôi đình có hình thù giống một chiếc hài. Đây là công trình được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1990. Ngôi đền mang tính điển hình về nghệ thuật kiến trúc của một thời kỳ lịch sử, ẩn chứa những tư tưởng, trí tuệ của người xưa. Hiện di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi ở Thanh Hóa còn lưu giữ nhiều tượng đá, kiến trúc nghệ thuật thời xa xưa.
Đình Minh