Châu Âu 'dễ thở' với giá điện
Giá điện tại một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã giảm xuống mức âm do năng suất các nguồn năng lượng tái tạo tăng và nhu cầu sưởi ấm hoặc làm mát thấp trong bối cảnh thời tiết dễ chịu.
Dồi dào năng lượng
Tờ The Guardian ngày 30/5 cho biết, giá điện giảm xuống mức âm khi dư thừa tài nguyên trên thị trường. Điều này là do năng suất cao của các nhà máy năng lượng mặt trời, gió và thủy điện (HPP). Năng lượng tái tạo (RES) đáp ứng nhu cầu, song điện năng do chúng tạo ra không thể lưu trữ cho tương lai. Trong những trường hợp như vậy, các công ty điện trả thêm tiền cho người tiêu dùng khi sử dụng tài nguyên để tránh làm quá tải hệ thống.
Theo dự báo, tuần này và tuần tới, thời tiết tại Anh, Ireland và phần lớn khu vực Trung Âu, Bắc Âu được dự báo tiếp tục khô và nhiều nắng. Khả năng giá điện xuống âm vào thời điểm ban ngày có thể tăng lên. Những nước vùng Trung Âu và Tây Bắc đang dư thừa điện mặt trời. Trong khi đó, ở Phần Lan, tuyết tan dày đặc đã làm ngập các con sông, dẫn đến việc sản xuất quá nhiều thủy điện. Dự báo, thời tiết này sẽ kéo dài ít nhất 2 tuần nữa.
Tại Hà Lan, việc giá điện xuống âm cũng phổ biến trong mùa hè và các ngày nghỉ lễ, đặc biệt là những ngày nhiều gió. Tháng trước, giá điện tại đây từng xuống -739Euro/MWh, do thị trường quá tải nguồn cung từ năng lượng sạch.
Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình ở Anh - những người đang bị siết chặt bởi chi phí sinh hoạt - có thể mong đợi hóa đơn năng lượng rẻ hơn từ tháng 7 sau khi cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của Anh cắt giảm giá trần để phản ánh sự sụt giảm của chi phí bán buôn.
Mức giới hạn mới của Ofgem là 2.074 bảng Anh (2.618 USD)/năm đối với việc sử dụng điện và khí đốt trung bình, được gọi là nhiên liệu kép, đánh dấu mức giảm gần 40% so với trước đó. Tuy nhiên, mức giảm giá đối với hầu hết các hộ gia đình ở Anh sẽ vào khoảng 17% vì kể từ tháng 10, chính phủ bảo đảm đã giữ chi phí năng lượng trung bình hàng năm ở mức 2.500 bảng Anh/năm.
Một số người dân cho rằng, sau một mùa đông khó khăn đối với người tiêu dùng, thật đáng mừng khi các dấu hiệu cho thấy thị trường đang ổn định và giá cả đang đi đúng hướng.
Ngoài điện, giá khí đốt châu Âu cũng được một số nhà buôn dự báo xuống âm tại một số thời điểm trong mùa hè này. Giá khí đốt tại đây hiện thấp nhất kể từ giữa năm 2021. Năm nay, giá khí đốt trên thị trường tương lai đã giảm 2/3, góp phần giảm sức ép cho các hộ gia đình.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá khí đốt đi xuống. Đó là các nước tăng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) để thay thế nguồn cung từ Nga, thời tiết mùa đông ấm bất thường giúp lượng tiêu thụ không tăng mạnh, cũng như tình hình kinh tế ảm đạm tại các thị trường tiêu thụ lớn.
Vai trò của điện hạt nhân
Dù hầu hết ý kiến cho rằng, giá điện giảm xuống mức âm là do dư thừa tài nguyên trên thị trường, do năng suất cao của các nhà máy năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Tuy nhiên, điện hạt nhân vẫn có một vai trò nhất định, tác động phần nào vào mức giá “trong mơ” đối với nhiều người dân châu Âu. Minh chứng là khi một lò phản ứng hạt nhân của Phần Lan đi vào sản xuất thường xuyên sau thời gian dài trì hoãn, giá điện ở nước này giảm hơn 75%.
Trước đó, giá năng lượng đã tăng mạnh ở quốc gia châu Âu này sau khi chính phủ cấm nhập khẩu điện từ nước láng giềng Nga. Vì vậy việc sử dụng điện hạt nhân sẽ được người tiêu dùng Phần Lan hoan nghênh, đặc biệt khi Phần Lan có mức tiêu thụ điện bình quân đầu người cao nhất trong Liên minh châu Âu.
“Chúng tôi đã có sự ổn định hơn trong hệ thống nhờ Olkiluoto 3. Đó là một nhà máy hạt nhân khổng lồ, một trong những nhà máy lớn nhất thế giới, được kết nối với một hệ thống nhỏ”, ông Jukka Ruusunen - Giám đốc điều hành công ty điều hành lưới điện quốc gia Phần Lan Fingrid - cho biết.
Phát biểu với báo The National, ông Ruusunen giải thích rằng, điện gió sẽ là nguồn năng lượng lớn nhất ở Phần Lan vào năm 2027 và năng lượng hạt nhân hiện là một phương án thay thế hữu ích và đáng tin cậy cho tới khi đó.
Ông Ruusunen cho rằng, năng lượng gió có khả năng thu hút đầu tư lớn hơn, trong khi năng lượng hạt nhân dường như đang bị một số nhà đầu tư môi trường đưa vào “danh sách đen”. Tuy nhiên, hạt nhân tiếp tục là nguồn sản xuất năng lượng ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu. Pháp, Thụy Điển, Ba Lan và Hungary đều đang tìm cách mở rộng sản lượng năng lượng hạt nhân.
Tháng trước, Ba Lan đã nhận được 4 tỷ USD tiền tài trợ để xây dựng 20 lò phản ứng mô-đun nhỏ trên khắp đất nước vào năm 2029, trong khi Hungary tập trung vào mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks.
Ví dụ của Phần Lan là một minh chứng cho thấy năng lượng hạt nhân có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, khi người tiêu dùng vẫn phải trả phí năng lượng cao ngất trời ở nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, Đức là nước duy nhất đã đi theo con đường ngược lại và gây tranh cãi khi đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại vào tháng trước.
Trong tháng 5, các nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự đoán rằng, đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ vượt quá đầu tư cho khai thác dầu mỏ. Theo họ, cứ mỗi USD đầu tư cho khai thác nhiên liệu hóa thạch thì có gần 1,7 USD được chi cho việc sản sinh năng lượng tái tạo.