Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách: Lương chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thu nhập?
Lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng, trong khi đó một công chức của Thái Lan là 56,7 triệu đồng/tháng, Malaysia là 29 triệu đồng, Campuchia là 17 triệu đồng.
Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã có những chia sẻ mà theo bà “đây là vấn đề không mới nhưng luôn có tính thời sự”.
Bà Mai cho biết: Tháng 10/2023, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị.
Bà nói: “Đến nay, đã 4 lần trải qua cải cách tiền lương. Tuy nhiên, thực tế mức lương cán bộ, công chức hiện nay là khá thấp. Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới. Sẽ là khập khiễng nếu như so sánh với các nước phát triển, song chỉ cần so với các nước trong khu vực cũng thấy một khoảng cách không nhỏ”.
Bà Mai dẫn chứng rằng, một sinh viên mới ra trường, mức thu nhập 3,48 triệu đồng, lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng, trong khi đó một công chức của Thái Lan là 56,7 triệu đồng/tháng, Malaysia là 29 triệu đồng, Campuchia là 17 triệu đồng.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phân tích: Xét về căn cứ chính trị thì Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn. Trong 3 năm liên tiếp, Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm cách cải tiền lương, nguyên nhân là chúng ta cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển cho chương trình phục hồi kinh tế.
Đó là chủ trương đúng đắn tuy nhiên đến nay sau 2 năm thực hiện, dù Chính phủ cũng quyết liệt đôn đốc, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính cũng quyết liệt đôn đốc, nhưng vẫn còn hơn 14.000 tỷ vốn chương trình phục hồi kinh tế chưa thể phân bổ; hơn 429.000 tỷ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao.
“Như vậy, trong lúc chúng ta đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực chưa được phát huy hiệu quả trong nền kinh tế. Đó là điều đáng tiếc. Một điều cử tri quan tâm nếu tới đây thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu? Tại thời điểm hiện nay không có thông tin nào được coi là chính xác, vì Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định”-bà Mai nói và đề nghị thực sự rất cần một sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không hình thức.
Có ý kiến đề xuất tăng ở mức 21-22%, như vậy với mức này thì một người đang hưởng lương 10 triệu thì cũng chỉ tăng thêm 2,1 triệu đồng. Trong khi đó Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu rất rõ ràng, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu và chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập.
Một lo ngại được bà Mai chỉ rõ: Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập thế giới thì rào cản quốc gia không còn là vấn đề. Và hiện nay, cuộc cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt, đặc biệt các quốc gia đang già hoá dân số thì việc thu hút lao động nhập cư đang là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế. Nếu như không có một chính sách hợp lý thì chúng ta hoàn toàn có thể thua ngay trên sân nhà trong cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Mai cũng cho biết, cử tri đang rất quan tâm tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu. Cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế.