Nỗi lo tái nghèo khi về hưu
Tiền lương đúng với giá trị thực, đóng Bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập... là một trong những giải pháp ổn định lương hưu cho người lao động sau này.
Lương hưu của công nhân quá thấp
Sau 30 năm làm công nhân cầu đường, bà Nguyễn Thị Sáu (Vĩnh Phúc) về hưu với mức lương 3,2 triệu đồng/tháng. Chồng bà làm bảo vệ khi về hưu cũng có mức lương gần 3 triệu đồng/tháng. Những tưởng số tiền này sẽ đủ để cho hai vợ chồng trang trải vì ở quê sinh hoạt không đắt đỏ như ở thành phố. Thế nhưng tuổi già đi kèm với bệnh tật, hai ông bà thay phiên nhau đi viện và số lương hưu hàng tháng của cả hai vợ chồng gom vào không đủ trang trải 1 lần đi viện.
Tương tự, sau gần 30 năm làm công nhân, ông Nguyễn Quốc Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) về hưu với mức lương hưu 3,65 triệu đồng/tháng. Dù hai vợ chồng có nhà ở Hà Nội nhưng với số tiền này rất khó để đủ sống. Để có thêm tiền trang trải hàng ngày ông nhận làm bảo vệ cho một công ty tư nhân, còn bà thì nhận trông trẻ.
“Khi còn đi làm, cả lương và tiền làm thêm mỗi tháng cũng có thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Nhà nước quy định mức lương đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) không bao gồm thu nhập tăng thêm vì thế doanh nghiệp (DN) chỉ đóng theo mức lương tối thiểu. Rất nhiều người trong công ty để có mức lương hưu cao hơn đã tự thỏa thuận với DN và tăng mức đóng tiền BHXH. Cũng về hưu như nhau nhưng nhờ đóng thêm nên lương hưu của mọi người cao hơn tôi gần 2 triệu đồng. Nếu trước đây tôi suy nghĩ kỹ và làm theo thì giờ về già không phải trăn trở cho cuộc sống vì lương hưu thấp” - ông Tuấn giãi bày.
Trăn trở tái nghèo khi về hưu không phải nỗi lo của riêng những người như ông Tuấn, bà Sáu mà của hàng triệu người lao động (NLĐ) hiện nay. Mới đây tại chương trình đối thoại tháng 5 với chủ đề “BHXH với DN và NLĐ” do Công đoàn viên chức TPHCM tổ chức, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết, lương tối thiểu là 4,680 triệu đồng/tháng thì lương hưu nhận về sau thời gian 20 năm làm việc, cống hiến chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng.
Đưa tiền lương về đúng giá trị thực
Trước thực tế lương hưu quá thấp, không giúp NLĐ về hưu đảm bảo cuộc sống, mới đây Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất trình Chính phủ phê duyệt Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, thực hiện từ ngày 1/7/2023. Trong đề xuất này Bộ LĐTBXH đề xuất tăng lương hưu cho người hưởng lương hưu từ trước ngày 1/1/1995 có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng dưới 3.000.000 đồng/người/tháng. Theo Bộ LĐTBXH, việc thực hiện điều chỉnh tăng thêm được xác định là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nhóm đối tượng này. Theo đó, những người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 mà có mức lương thấp sẽ được điều chỉnh với tỷ lệ phần trăm cao hơn để bảo đảm mức lương đạt 3.000.000 đồng/người. Dự kiến, cả nước có khoảng 230.000 người thuộc đối tượng này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần cải cách tiền lương để đẩy lương hưu tăng.
Bà Phạm Thị Hồng Yến - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Việt Nam cho rằng, lương hưu tối thiếu là để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Nếu muốn duy trì và khuyến khích NLĐ tham gia BHXH thì đây là thời điểm cần xem xét lại. Theo bà Yến, nếu mức lương tối thiểu để NLĐ về hưu bằng mức lương tối thiểu vùng, sẽ chẳng có ai muốn rút BHXH một lần. “Thực tế lương hưu chỉ nhận được từ 2-3 triệu đồng. Đó là lý do nhiều người muốn rút BHXH, vì với số tiền nhận được còn có thể kinh doanh, buôn bán nhỏ để sinh sống… Lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu, trả thấp hơn mức đó thì làm sao NLĐ an tâm để trông chờ vào việc nhận lương hưu” - bà Yến nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, cần đẩy nhanh tốc độ cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành trung ương Đảng về Chính sách cải cách tiền lương. Tiền lương về đúng giá trị thực, đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập... là một trong những giải pháp "nâng cấp" tiền lương hưu cho NLĐ sau này.
Bà Hương cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ bởi thời gian qua đã có nhiều giải pháp trong việc điều chỉnh lương hưu cho người có thu nhập thấp. Gần đây nhất, Chính phủ cũng có đề xuất liên quan tới việc điều chỉnh lương hưu khi tăng lương cơ sở.
"Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp phần ngọn, vì chỉ điều chỉnh tạm thời cho người đang hưởng lương hưu thấp. Về lâu dài cần điều chỉnh tiền lương, đưa tiền lương về đúng giá trị thực, đồng thời nâng tỷ lệ đóng BHXH trên tổng thu nhập cho NLĐ có vậy mới giúp tăng lương hưu cho lao động khi về già, xóa cảnh lao động cống hiến cả đời tới lúc già nhận lương hưu không đủ sống " - bà Hương nói.
Hiện nay, BHXH thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu.Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước). Bên cạnh đó, nhiều trường hợp được hưởng mức lương hưu cao do trong quá trình tham gia BHXH có mức tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cao (theo quy định, NLĐ được đóng BHXH tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở từng thời kỳ).