Khi thanh niên khởi nghiệp làm giàu
Với khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đã có không ít mô hình khởi nghiệp thành công, từng bước lan tỏa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhiều sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ mạnh dạn khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công. Nhận thấy thế mạnh của sản vật tự nhiên, vợ chồng chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân, (huyện Trà Bồng) đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để khởi nghiệp, với mô hình nuôi đông trùng hạ thảo từ gạo lúa rẫy.
Theo chị Ý, đông trùng hạ thảo được nuôi trồng bằng giá thể từ gạo lúa rẫy cho hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với nuôi trồng bằng các giá thể khác. Sau một thời gian triển khai, hiện tại mô hình đã thu về kết quả nhất định, với sản lượng xuất bán bình quân mỗi tháng khoảng hơn 2kg nấm đông trùng hạ thảo khô. Ngoài ra, vợ chồng chị Ý còn sản xuất các sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong... Thu nhập hàng tháng từ các sản phẩm đông trùng hạ thảo của gia đình chị dao động từ 70 - 80 triệu đồng.
Hay như tại xã Long Hiệp, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) cũng là nơi có hàng trăm héc ta cây chè xanh, một loại chè bản địa rất được thị trường ưa chuộng. Song, do đầu ra của cây chè xanh không ổn định, nên nhiều hộ dân địa phương dần thu hẹp diện tích trồng chè. Chứng kiến sản phẩm đặc trưng của quê hương gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường, chàng thanh niên Đinh Văn Khó đã lên ý tưởng và tập hợp nhiều thanh niên địa phương cùng lập nên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến, liên kết cùng các hộ dân mở rộng vùng nguyên liệu và chủ động đầu ra cho cây chè xanh.
Chia sẻ vấn đề này, anh Khó cho biết, năm 2021, khi mới thành lập, HTX chủ động được đầu ra cho gần 20ha chè xanh. Đến nay, con số này đã lên hơn 40ha. HTX đi vào hoạt động không chỉ giải quyết được bài toán thị trường cho sản phẩm chè xanh của 17 thành viên HTX, mà còn liên kết, bao tiêu được đầu ra cho cây chè của người dân địa phương. Thu nhập của các hộ dân trồng chè xanh ở Long Hiệp dần ổn định hơn, bởi giá thu mua của HTX luôn cao hơn thương lái 15 - 20%.
Tại tỉnh Hòa Bình, phong trào thanh niên đồng bào DTTS và miền núi khởi nghiệp cũng đã lan tỏa rộng rãi đến các bản, làng xa xôi. Được biết, toàn tỉnh Hòa Bình hiện có trên 160.000 đoàn viên, thanh niên, trong đó số lượng đoàn viên là đồng bào DTTS chiếm đến 70%. Với tư duy đổi mới cùng khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, nhiều thanh niên đã quyết tâm bứt phá với các ý tưởng, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp.
Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp kinh doanh hiệu quả, tiêu biểu là hai dự án “Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và sản xuất các sản phẩm của cây Sachi theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Đà Bắc” và “Sản xuất sợi tự nhiên từ cây Gai lai” của cô gái người Tày Trịnh Thị Thanh Hòa. Những mô hình trên đã góp phần từng bước giúp đồng bào dân tộc nơi đây cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Còn tại tỉnh Bắc Giang, để đồng hành với thanh niên đồng bào DTTS trên con đường “lập thân, lập nghiệp”, các cấp bộ Đoàn, Hội của tỉnh đã tích cực chăm lo, hỗ trợ thanh niên đồng bào DTTS phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như câu chuyện làm giàu của anh Nguyễn Văn Khiêm (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn). Trong một lần đến thăm trại giống đà điểu ở huyện Ba Vì (Hà Nội), anh đã bị thu hút bởi giống gia cầm này. Với suy nghĩ quê mình đồng đất rộng, có thể phát triển mô hình kinh tế mới, đầu năm 2019, anh Khiêm bàn với vợ đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi đà điểu. Sau 10 tháng nuôi, từ con giống ban đầu khoảng 1,5 kg, đà điểu đạt trọng lượng khoảng 90 - 100 kg/con và được xuất bán.
Nhận thấy nuôi đà điểu không khó, sản phẩm đầu ra thuận lợi nên năm 2020 và 2021, gia đình anh tăng đàn lên 100 con/lứa, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Với nguồn thức ăn gần 7 sào cỏ voi nuôi đà điểu, năm 2021, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư 100 triệu đồng xây dựng chuồng vỗ béo 100 con dê thương phẩm/lứa, xuất bán cho các quán ăn, nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh.
Với cách làm hiệu quả, nhiều thanh niên đồng bào DTTS và miền núi đã khởi nghiệp thành công từ chính đồng đất quê hương mình. Những việc làm đó đã giúp cho nhiều thanh niên đồng bào DTTS và miền núi tự tin bước trên con đường làm giàu chính đáng.