Thất bại 'siêu' Dự án nuôi tôm công nghiệp – Bài cuối: Cần sớm tháo gỡ vướng mắc
Có thể nói, đến lúc này “siêu” dự án nuôi tôm công nghiệp tại xã Thanh Thủy đã thất bại. Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần phải đánh giá lại hiệu quả của dự án trong suốt 20 năm qua. Từ đó tìm ra giải pháp để xử lý dứt điểm những tồn đọng, vướng mắc...
“Con nợ” bất đắc dĩ
Ở kỳ trước, chúng tôi đã phản ánh về thực trạng “vô chủ” của dự án nuôi tôm công nghiệp tại xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), tình trạng trên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các hộ nuôi tôm ngập trong nợ nần.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Do bất cập trong quản lý dự án mà xã Thanh Thủy vô tình trở thành “con nợ bất đắc dĩ” với số tiền 4,7 tỷ đồng.
Cụ thể: Vào thời điểm dự án đi vào hoạt động, do không có ban quản lý dự án, chính quyền xã Thanh Thủy đã phải đứng ra mua nước sạch từ Ban quản lý thủy lợi hồ Yên Mỹ (huyện Nông Cống) cho người nuôi tôm có nước sản xuất. Cùng với đó là phải tu sửa một số hạng mục phụ trợ của đồng tôm đã xuống cấp sau các mùa mưa bão. Tổng số tiền mà UBND xã Thanh Thủy phải bỏ ra chi trả cho các hoạt động nêu trên khoảng 4,7 tỷ đồng.
Do không có kinh phí, xã đã vay từ Quỹ đầu tư tỉnh Thanh Hóa. Sau nhiều năm không thu được tiền từ người nuôi tôm. Đến nay, UBND xã Thanh Thủy mới trả được 950 triệu đồng cho Quỹ đầu tư tỉnh Thanh Hóa và đang còn nợ khoảng 3,75 tỷ đồng mà chưa biết lấy nguồn nào để trả nốt số nợ còn lại.
Ngày 17/11/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có công văn số 5029, yêu cầu địa phương có phương án trả nợ đối với các khoản nêu trên, trước khi tỉnh bàn giao lại dự án cho UBND thị xã Nghi Sơn quản lý.
“Để giải quyết tình hình nợ đọng, UBND xã Thanh Thủy đã có đề xuất kiến nghị lập dự toán hàng năm bố trí số tiền từ 250 đến 300 triệu đồng/năm, từ các nguồn thu tại địa phương để trả nợ. Tuy nhiên, ngay cả khi được thực hiện phương án này thì cũng hết sức khó khăn. Bởi hiện tại, xã Thanh Thủy còn chưa tự cân đối được toàn bộ cho nhiệm vụ chi hàng năm thì nói gì đến trả nợ” - ông Thái nói.
Đi tìm lời giải
Ông Cao Bát Chí - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành rà soát, kiểm kê lại toàn bộ thực trạng của dự án. Theo tôi được biết thì số tiền nhà nước đã đầu tư vào đây khoảng hơn 50 tỷ đồng. Để giải quyết được vấn đề tận gốc, dự kiến trong tháng 6/2023, chúng tôi sẽ bàn giao lại dự án cho địa phương quản lý. Sau đó, việc tổ chức quản lý thế nào là do thị xã Nghi Sơn tự quyết” - Ông Chí khẳng định.
Cũng nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đồng tôm tại xã Thanh Thủy, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu mà chưa được quan tâm, giải quyết trong suốt thời gian qua. Sắp tới, khi UBND tỉnh Thanh Hóa bàn giao dự án lại cho địa phương, thị xã sẽ tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể lại toàn bộ dự án. Ngoài các hạng mục đã đầu tư của nhà nước, các đơn vị thầu khoán đã đầu tư thêm được những gì... Đồng thời nếu cần thiết sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ dự án và cho đấu thầu lại.
“Với trường hợp các hộ đang nuôi tôm tại đây sẽ được tham gia đấu thầu trực tiếp. Nếu họ không có nhu cầu tiếp tục nuôi tôm hoặc không trúng đấu thầu thì những người trúng thầu sau đó sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ giá trị tài sản cho những cá nhân và công ty đã đầu tư cho đồng tôm trước đó. Song song, thị xã sẽ thành lập Ban quản lý dự án, tổ chức lại công tác sản xuất cũng như hệ thống xử lý nước thải. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề môi trường và đưa đồng tôm phát triển đúng với tiềm năng vốn có” - ông Dũng nói.
Như vậy, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án nuôi tôm công nghiệp tại xã Thanh Thủy đã được hoạch định. Tuy nhiên, nói là một chuyện nhưng để làm được và làm hiệu quả hay không vẫn cần thời gian để kiểm chứng và hơn ai hết, người nuôi tôm tại Thanh Thủy đang chờ sự thay đổi đến từ những giải pháp đó.
Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước khi bàn giao lại cho thị xã Nghi Sơn quản lý và vận hành, Sở đã tiến hành rà soát lại từng hạng mục của dự án, đặc biệt là hệ thống và quy trình xả thải. Sau khi bàn giao lại dự án, chúng tôi sẽ yêu cầu ngành chức năng của thị xã Nghi Sơn phối hợp với chính quyền xã, thường xuyên kiểm tra, giám sát và buộc các hộ tuân thủ xử lý nước và xả thải đúng theo quy định. Đây là yêu cầu mang tính sống còn đối với người nuôi tôm tại Thanh Thủy, nếu muốn phát triển đồng tôm hiệu quả và bền vững.