Quyết liệt chặn dạy thêm, học thêm
Tháng 6 bắt đầu với nhiều học sinh là mùa học hè với lịch học kín mít. Để học sinh có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, nhiều địa phương ra thông báo cấm các trường tổ chức dạy thêm dịp nghỉ hè, song thực tế vẫn rất khó kiểm soát hoạt động này.
Nhiều quy định cấm dạy thêm, học thêm
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa yêu cầu các trường phổ thông trong thời gian nghỉ hè không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Sở không cho phép các nhà trường cũng không được dạy trước chương trình hoặc tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2022 - 2023. Có kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh, học viên có học lực yếu, kém. Các trường cần bố trí thời gian hợp lý để tổ chức thi và xét lên lớp cho những học sinh, học viên thuộc diện thi lại, học sinh phải rèn luyện trong hè.
Sở GDĐT Hải Phòng yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục nghiêm cấm dạy học hè từ ngày 1/6 đến hết 31/8 ở mọi cấp học. Các trường tiểu học, THCS và THPT không được tổ chức dạy học hè và không dạy thêm dưới mọi hình thức. Sở cũng yêu cầu các trường, đơn vị giáo dục không được dạy trước cho trẻ mầm non 5 tuổi vào lớp 1.
Sở GDĐT Bắc Giang cũng chỉ đạo các trường học tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong và ngoài nhà trường, trừ học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp. Sở cũng yêu cầu trường học không được dạy trước chương trình. Các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, ôn tập, phụ đạo cho học sinh chỉ được thực hiện sau ngày tựu trường năm học 2023 - 2024.
Trước đó, Bộ GDĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn, trong đó có Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Dẫu vậy, việc quy định cấm dạy thêm học thêm trong dịp hè đang áp dụng với các cơ sở GDĐT còn các lớp học thêm ngoài nhà trường thì không dễ xử lý. Các lớp học này do giáo viên trong trường hoặc các trung tâm công khai hoạt động, tuyển sinh trên khắp các nền tảng xã hội, phát tờ rơi quanh các khu dân cư… Điều đáng nói, một bộ phận phụ huynh chủ động tìm kiếm, thậm chí gom lớp mời giáo viên về dạy cho con em mình trong dịp hè nên khó áp dụng quy định hành chính để xử lý.
Cần giải pháp từ gốc
Học thêm là nhu cầu chính đáng của gia đình học sinh, nhằm giúp các em bổ trợ kiến thức. Hoặc cũng có gia đình không có điều kiện trông con nên chọn cách gửi đến các lớp học thêm. Tuy nhiên, không mấy phụ huynh quan tâm đến việc cơ sở dạy thêm ấy có được cấp phép hoạt động hay không mà chủ yếu tìm hiểu về chương trình học, cơ sở vật chất hay đội ngũ giáo viên… Khi cảm thấy ổn thì phụ huynh gửi con đến học, tối đón về hoặc đăng ký cho con học theo ca.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi cho chính học sinh, các chuyên gia cho rằng, trước khi quyết định đăng ký học cho con, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về trung tâm, về giáo viên, giấy phép hoạt động… để hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra. Khi gửi con, phụ huynh thường được yêu cầu viết đơn xin tự nguyện học thêm nhưng không hề được cam kết về trách nhiệm, về quyền lợi sẽ được đảm bảo từ phía cung cấp dịch vụ.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng hiện nay sách giáo khoa đã rất mở, cho phép xây dựng các dự án học tập để dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh. Bộ GDĐT cũng yêu cầu phải đánh giá trên sản phẩm của học sinh, đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập, phẩm chất của các em, không phải chỉ đánh giá trên kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, dù Bộ đã chủ trương mở như vậy nhưng ở một số nơi, các sở, phòng đang chậm hơn một bước khi vẫn dùng những cách cũ để đánh giá người học.
“Vấn đề trước mắt là làm sao thay đổi được từ các phòng, các sở. Khi họ ý thức được, tiếp cận chuyển đổi số sẽ giúp học sinh thi cử rất nhẹ nhàng, không phải thi theo đề cương, đề mẫu… Sẽ không còn cảnh thầy trò vội vã chữa bài trong đề cương ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Nếu các đề thi chuẩn hóa, phủ hết các nội dung học tập với các câu hỏi đơn giản, có thể làm trên máy tính luôn thì thi cử sẽ nhẹ nhàng, kết quả có luôn, phản ánh được luôn sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học” - PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói và và cho rằng, khi chậm thay đổi, vẫn làm theo cách ôn đề sẽ tạo điều kiện cho dạy thêm, học thêm còn đất sống. Và khi chỉ chú trọng vào luyện đề chỉ để thi thì học sinh không thể học toàn diện được.