Tiếp tục hạ lãi suất, tạo đà cho tăng trưởng
Phát biểu tại buổi thảo luận ngày 31/5, theo ĐBQH Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà), cần xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Ông Trí cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, để đạt được các mục tiêu trong năm 2023 thì cần có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
“Cần đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế cho dù chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường” - ông Trí nói và cho rằng trước tình trạng các DN phá sản, giải thể thì cần có sự chia sẻ, hỗ trợ phục hồi bằng chính sách tiền tệ. Đồng thời cần xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, phải có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là lãng phí tài sản của các dự án; cũng như các giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại, vướng mắc về vấn đề xăng, dầu, điện.
Còn theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) thì cần đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh. Trong đó, vốn, tài khoá, tiền tệ là biện pháp cần thiết phải triển khai. Các biện pháp này phải thực hiện trong môi trường minh bạch rõ ràng. Nếu thủ tục, quy định còn chồng chéo, phiền hà thì việc triển khai giải pháp về hỗ trợ vốn hay thuế cho DN là không tránh khỏi.
“Chính vì vậy tôi nhấn mạnh cần đưa ra giải pháp tức thời hỗ trợ, tiếp sức cho DN. Chừng nào có quy định pháp lý minh bạch, thủ tục rõ ràng thì lúc đó các giải pháp hỗ trợ về tiền bạc cho nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả” - ông Lộc nói và cho rằng chúng ta phải chấp nhận quá trình đào thải và cơ cấu lại cộng đồng DN. Đây là quá trình sàng lọc để cộng đồng DN phát triển bền vững trong tương lai.
Thời gian qua, DN gặp khó khăn, dẫn tới tình trạng nhiều công nhân bị nghỉ việc, mất việc. Về vấn đề này, ĐBQH Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay; phân thất nghiệp thành 3 loại chính: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế; và thất nghiệp xảy ra, quy luật cung cầu trên thị trường.
Cho rằng hiện nay DN khó tiếp cận với vốn vay, từ đó bà Vang đề nghị: Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của DN. Đồng thời cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của DN, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp DN giảm bớt khó khăn.
Cùng quan điểm, ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) cho rằng thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập. Người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ, như trẻ em hay người già không còn sức lao động, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội. Bà Dung băn khoăn: Nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì cuộc sống của họ sẽ ra sao?
Người dân và DN đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Theo ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (đoàn Đắk Lắk), cần nắm bắt tình hình rất cụ thể để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả của DN nhà nước.