Tiêu dùng và đầu tư: Hướng vào phát triển bền vững
Tư duy đúng về phát triển bền vững, coi đó là cơ hội để bứt phá thay vì nghĩ đó là gánh nặng. Đó là nhận định được đưa ra tại lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2023 (CSI 2023), sáng 31/5.
Xu hướng toàn cầu
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) chia sẻ, kinh doanh bền vững giúp doanh nghiệp (DN) tăng cường nội lực, nâng cao vị thế và chiếm được niềm tin của Chính phủ, khách hàng, các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan khác.
Ông Vinh dẫn chứng, nếu nhìn vào những DN đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn đại dịch Covid-19 xảy ra, như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO… Đây là những DN vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch và cũng có sự phục hồi nhanh hơn so với các DN khác.
Đáng chú ý, xu hướng tiêu dùng và đầu tư hiện nay cũng tập trung vào tính bền vững. Mới đây, PwC đã thực hiện một cuộc khảo sát về “thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.
“80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh” và “sạch” hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường” - báo cáo của Nielsen năm 2020 chỉ rõ.
Tất cả những dữ liệu nói trên cho thấy, phát triển bền vững ngày càng được cộng đồng DN, người tiêu dùng chú trọng. Chưa hết, các nhà đầu tư khi hướng dòng vốn ngoại vào trong nước ta, cũng chú trọng hơn vào các dự án xanh. “Nhìn từ góc độ đó, DN sẽ thấy phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp” – ông Vinh khẳng định.
Tại lễ phát động, nhiều ý kiến cũng chung nhận định rằng, phát triển bền vững không còn là ý niệm nữa, mà đã bước sang giai đoạn phải làm. Một DN khi bước chân vào con đường phát triển bền vững, hướng đến môi trường và cộng đồng, xã hội cũng chính là tạo nên lợi thế cạnh tranh cho chính bản thân DN đó.
Trên thực tế, bắt nhịp với xu hướng này, nhiều DN cũng đã có kế hoạch, chiến lược vì mục tiêu phát triển bền vững. Theo Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) Đoàn Mai Hương, SASCO tập trung vào các mục tiêu trọng tâm, kết nối chặt chẽ với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SGDs), hài hoà giữa lợi ích DN và cộng đồng xã hội. Trong chiến lược phát triển, SASCO kiên định tiêu mục tiêu bền vững, thực hiện duy trì tăng trưởng kinh doanh đi đôi với phát triển con người, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường...
Cần sự tiếp sức kịp thời
Nếu như vài năm trở về trước, phần lớn các DN nhỏ và vừa còn rất mơ hồ, cho rằng, phát triển bền vững là một vấn đề vĩ mô chỉ dành cho “các ông lớn”, thì giờ đây, xu hướng này đã ở rất gần mỗi DN. Bởi đơn giản, nếu DN không chú trọng sản xuất xanh, sạch, làm ảnh hưởng đến môi trường... chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau. Bởi khi người tiêu dùng chứng kiến những tác động của DN tới môi trường, yếu tố gắn bó sát sườn với sức khỏe, thậm chí là tuổi thọ của họ, thì đương nhiên họ sẽ không lựa chọn những sản phẩm có hại cho bản thân và môi trường sống.
Điều đó cho thấy, vấn đề phát triển bền vững hiện đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN, từ ngành hàng thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp đến các ngành hàng phi thực phẩm như da giày, may mặc, điện tử.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Vũ Kim Hạnh, DN nào cũng cần và phải thực hiện phát triển bền vững. Nhưng trong giai đoạn khó khăn này, việc phát triển xanh, bền vững phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Bởi DN đang rất khó khăn, lại phải đeo đuổi thêm các tiêu chuẩn xanh nữa thì rất khó.
Phó Chủ tịch VCCI Phạm Quang Vinh cho rằng, cộng đồng DN rất cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ, tiếp sức kịp thời, đồng bộ để tháo gỡ những nút thắt, khó khăn mà DN đang đối mặt. Còn về phía DN cần một tư duy đúng về phát triển bền vững. Cùng với tư duy đó, DN nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của xã hội.
Năm nay, Bộ chỉ số CSI đã có sự cải tổ toàn diện về mặt cấu trúc, rõ ràng, dễ tiếp cận, lượng hóa được nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp với 130 chỉ số, trong đó 63% là các chỉ số tuân thủ, 37% là các chỉ số nâng cao. Theo các chuyên gia, với đa số là các chỉ số tuân thủ thì việc thực hiện phát triển bền vững không khó với DN, mà ngược lại, chỉ cần đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật, DN đã có một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.