'Ngôi làng vui vẻ' - Món quà đặc biệt dành cho trẻ nhỏ và gia đình
"Ngôi làng vui vẻ" là chương trình dành cho trẻ em sẽ lên sóng VTV3 khung 21h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 5/6. Chương trình được thiết kế dựa trên các nghiên cứu về tâm lý tiếp nhận và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em ở độ tuổi mầm non.
Sân chơi cho trẻ nhỏ
“Ngôi làng vui vẻ” là một vùng đất nằm ở ngay chân một cầu vồng khổng lồ lơ lửng gần thác nước và bao quanh là núi non. Các cư dân sống ở ngôi làng này rất đa dạng, thú vị và thân thiện với các bạn nhỏ. Hàng ngày các nhân vật trong mỗi ngôi nhà sẽ mang đến cho các em nhỏ và cả gia đình một trò chơi gắn kết để cả nhà cùng xem và cùng tương tác với nhau.
Trong "Ngôi làng vui vẻ" có 5 ngôi nhà với tên gọi Nhà Cây, Nhà Bánh, Nhà Đậu, Nhà Mây và Nhà Nấm. Chị Bool Bool yêu thiên nhiên và Ếch cốm nghịch ngợm sống trong Nhà Cây sẽ cùng các bạn nhỏ khám phá thiên nhiên kỳ thú và chơi các trò chơi với các gia đình vào tối thứ Hai.
Anh em Cừu Xanh và Cừu Hồng sống cùng bố mẹ trong Nhà Bánh sẽ gặp khán giả vào tối thứ Ba. Gia đình Cừu cùng mọi người chia sẻ các cảm xúc ẩn hiện trong mỗi chúng ta, từ đó giúp các bé biết cách làm bạn với cảm xúc và tạm biệt những cảm xúc khó chịu thỉnh thoảng xuất hiện như tức giận, thất vọng, chán nản...
Chị Chim Sâu và bạn Bánh bao ở Nhà Đậu sẽ cùng các em bé và cha mẹ tìm hiểu về những nguyên tắc an toàn trong đời sống thông qua những câu chuyện gần gũi, hài hước và sinh động vào tối thứ Tư.
Ở Nhà Mây, chị Hoa và anh Gió mang đến những trò chơi gắn kết cả gia đình thật vui và mới mẻ vào mỗi tối thứ Năm.
Tại Nhà Nấm, cả nhà có thể cùng hát, tương tác với các trò chơi âm nhạc, vận động với Meo Meo và Nana vào thứ Sáu.
Mỗi ngày, khi ghé thăm “Ngôi làng vui vẻ”, các bé và bố mẹ sẽ có một khoảng thời gian cùng nhau vui chơi, cùng biết thêm những điều mới mẻ thông qua các câu chuyện thú vị và trò chơi tương tác hấp dẫn trên truyền hình.
Mở cơ hội để bố mẹ và con trẻ tương tác
“Ngôi làng vui vẻ” với các bạn trẻ nhỏ là âm nhạc vui nhộn, những câu chuyện hấp dẫn và trò chơi cho cả gia đình là những khoảng thời gian chất lượng bên con.
Lựa chọn những chủ đề thiết thực, gần gũi cùng cách thể hiện sinh động, lôi cuốn, chương trình sẽ mang đến cho khán giả nhỏ tuổi không gian giải trí vui vẻ gắn liền với yếu tố giáo dục, được thiết kế dựa trên các nghiên cứu về tâm lý tiếp nhận và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em ở độ tuổi mầm non.
Trong đời sống hiện nay, mặc dù ở gần nhau, trong một ngôi nhà, nhưng nhiều khi người lớn vẫn "biến mất" đối với các em bé. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, được gắn kết và chơi cùng cha mẹ hay người lớn chăm sóc mình là món quà mà mỗi em bé yêu thích nhất, đặc biệt là những em bé ở độ tuổi mầm non.
Chính vì thế, “Ngôi làng vui vẻ” được thiết kế để cung cấp cho bố mẹ những trò chơi tương tác, những nội dung giáo dục giải trí gần gũi, giúp các bé yêu thích việc khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống và giúp bố mẹ yêu thích hành trình vui học cùng con mỗi ngày.
Giáo sư Hà Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Eurasia vì hạnh phúc và an lạc chia sẻ: “Con người có năm nhu cầu cơ bản để phát triển một cách toàn diện. Nhu cầu đầu tiên là sự thỏa mãn các nhu cầu về thể lý. Nếu nhu cầu về sinh lý không được đáp ứng, chúng ta không thể hạnh phúc và tồn tại được. Con non của loài người là một trong những con non yếu đuối, trong hằng năm dài nếu mà không có sự chăm sóc của cha mẹ, người lớn thì các cháu sẽ không thể nào tự sinh tồn, không thể nào tự chăm sóc mình được. Việc đó kích thích sự tổn thương sâu thẳm bên trong của các cháu.
Theo bản năng, đứa trẻ biết được là chúng phụ thuộc hoàn toàn vào sự quan tâm chăm sóc của người lớn. Chính vì vậy, sự thỏa mãn về mặt nhu cầu thể lý - kết nối với sự an toàn về mặt cảm xúc. Nếu mà em bé tự tin rằng mẹ yêu thương mình thì mẹ sẽ chăm lo cho mình. Nếu em bé không có sự an toàn về mặt cảm xúc thì đó sẽ là nỗi sợ hãi về sự sinh tồn. Em bé sẽ hiểu là nếu không có tình yêu thì sẽ không có đồ ăn và em bé sẽ không sống sót được. Nếu trẻ em không có những kết nối mang tính nền tảng, cơ bản này thì sau này - cả quãng đời về sau - sẽ rất khổ sở.
Chúng ta có thể thấy được sự kết nối rất mãnh liệt giữa nhu cầu về mặt thể lý và an toàn về mặt cảm xúc. Lý do tôi nói như vậy là vì nếu chúng ta không tạo ra một môi trường mà ở đó trẻ có sự an toàn về mặt cảm xúc, nhất là ở trong gia đình, thì bản năng sinh tồn trong trẻ sẽ cảm thấy bị đe dọa. Không phải vì chúng ta không cho chúng ăn uống đầy đủ mà chỉ đơn giản là an toàn về mặt cảm xúc kết nối với bản năng sinh tồn.
Do đó việc kết nối (cả thể chất, tinh thần, cảm xúc) trong mỗi gia đình, giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ".