Nước nghèo nặng gánh chi phí khí hậu

Hà Anh 02/06/2023 08:56

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã từng cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới tại các cuộc đàm phán về khí hậu COP27 vào tháng 11/2022 rằng, các quốc gia đang phát triển có nguy cơ rơi vào “bẫy nợ tài chính” nếu họ buộc phải trang trải chi phí ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Các quốc gia nghèo tăng thêm gánh nặng nợ nần vì thiên tai. Ảnh: AFP.

6 tháng sau, với tốc độ và nhiệt độ tăng lên, dự đoán của ông Shehbaz Sharif có vẻ đúng.

Điêu đứng vì thiên tai

Cho đến năm 2023, lốc xoáy đã tàn phá Đông Nam châu Phi, lũ lụt đã giết chết hàng trăm người ở Congo, Rwanda và Uganda, trong khi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ đã làm khô hạn mùa màng ở vùng Sừng châu Phi. Nhiệt độ kỷ lục hiện đang được ghi nhận trên khắp Đông Nam Á, Bão Mocha vừa quét qua Bangladesh và Myanmar và các vùng nông nghiệp đã khô hạn ở Argentina.

Những sự kiện đó thường trở thành khủng hoảng nhân đạo, chúng cũng tiêu tốn nhiều tiền và ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Theo một báo cáo được công bố vào tháng 4 bởi Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, chi phí vốn trung bình cho một nhóm gồm 58 quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu là 10,5%.

Nhiều người đã vay nặng lãi đồng nghĩa với việc họ sẽ phải vật lộn để trả nợ khi thiên tai xảy ra.

Ông Thobani Lubisi - một nông dân đang ở tình trạng đó. Vào tháng 2/2023, ông Thobani Lubisi mới bắt đầu chuẩn bị cho vụ thu hoạch hàng năm ở nông trại Dwaleni - một hợp tác xã ở miền Đông Nam châu Phi, thì xuất hiện những cơn mưa nặng hạt trút xuống cánh đồng mía của ông. Trong 2 ngày, lượng mưa tương đương gần nửa năm đổ xuống các cánh đồng, làm ngập úng cây trồng và biến những con đường đất được sử dụng để vận chuyển sản phẩm thu hoạch đến nhà máy thành bùn. Con sông Mlumati gần đó vỡ bờ, nhấn chìm hoàn toàn nhà máy bơm của trang trại.

Những tuần sau đó, công việc khắc phục thiệt hại bắt đầu, ông Lubisi và các đồng nghiệp buộc phải đối mặt với một thực tế mới. Vụ mùa bị thiệt hại đã làm thâm hụt ngân sách hộ gia đình và các việc khôi phục, sửa chữa sau trận lụt đã làm cạn kiệt tiền tiết kiệm.

Ông Lubisi đã cố gắng duy trì cho đến nay và ông là một trong những người may mắn. Bởi một số người khác đã phải bán mảnh đất của họ, số khác đang cho thuê ruộng vì họ không đủ khả năng khắc phục thiệt hại.

Câu chuyện tương tự của ông Lubisi cũng đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Công ty tái bảo hiểm Munich Re đã tính toán thiệt hại do thiên tai toàn cầu vào năm 2022 là 270 tỷ USD và ước tính, khoảng 55% trong tổng số đó không được bảo hiểm. Các thảm họa thiên nhiên liên quan đến thời tiết đã và đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và ảnh hưởng này có thể ngày càng mạnh hơn khi nhiệt độ tăng.

Không ngừng tìm kiếm đầu tư

Tiến sĩ Alvario Lario - Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) - cho biết, ông đã chứng kiến cảnh nông dân phải bỏ việc do thời tiết khắc nghiệt ở Indonesia, Bờ Biển Ngà, Kenya và Madagascar. “Độ sâu hoặc cường độ của những cú sốc này rõ ràng là nghiêm trọng hơn nhiều so với 5 hoặc 10 năm trước. Đó là thực tế” – ông Lario nói.

Cách Nông trại Dwaleni khoảng 5.600km về phía Đông Bắc là một quần đảo đang phải đối mặt với vấn đề tài chính tương tự trên quy mô toàn quốc. Maldives - quốc gia gồm 1.200 hòn đảo đang có nguy cơ chìm dần xuống biển, phải chi 30% ngân sách hàng năm cho các công trình đê chắn sóng, cải tạo đất và khử mặn. Chi phí đi vay của quốc gia này ngày càng gia tăng.

Theo bà Aminath Shauna - Bộ trưởng Bộ Môi trường, Biến đổi khí hậu và Công nghệ, để đáp ứng nhu cầu thích ứng ven biển, Maldives sẽ cần chi 8,8 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần ngân sách quốc gia. 64% các hòn đảo của Maldives đang bị xói mòn do mực nước biển dâng cao.

Theo báo cáo của Đại học Boston, khi thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, các nhà đầu tư đang tăng lãi suất mà họ tính cho các quốc gia dễ bị tổn thương, làm tăng thêm gánh nặng nợ nần. Cả bà Luma Ramos và bà Rebecca Ray đều cho rằng, phí bảo hiểm rủi ro tăng cao có thể khiến các quốc gia rơi vào “vòng luẩn quẩn” với chi phí nợ cao hơn và giảm tỷ suất đầu tư vào khả năng phục hồi khí hậu.

Tần suất thiên tai ngày càng tăng đã thúc đẩy chính phủ ở các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu tăng cường kêu gọi viện trợ từ các quốc gia giàu có đã góp phần lớn vào lượng khí thải. Một thỏa thuận đột phá đã đạt được tại COP27 nhằm tạo ra một quỹ tổn thất và thiệt hại để chi trả cho các nước nghèo hơn về tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, nhưng vẫn chưa rõ quỹ sẽ được tài trợ hoặc cấu trúc như thế nào.

Những người khác đã kêu gọi các khu vực tư nhân tài trợ nhiều hơn cho các biện pháp thích ứng với khí hậu. Tài chính xanh đã thành công trong việc chuyển tiền vào các dự án giảm thiểu khí hậu như trang trại năng lượng mặt trời, nhưng các nhà đầu tư ít có xu hướng phân bổ vốn cho các kế hoạch thích ứng như xây dựng đê biển vì dòng doanh thu trong tương lai khó tính toán hơn.

Tiến sĩ Lario ước tính, hiện cứ 10-12 USD đầu tư vào giảm nhẹ biến đổi khí hậu thì chỉ có 1 USD hiện được đầu tư vào thích ứng. Một lựa chọn là các tổ chức đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới sẽ đứng ra bảo lãnh cho các dự án để cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia mà không phải chịu quá nhiều rủi ro.

Hà Anh