Sàng lọc định kỳ phát hiện sớm ung thư
Tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư cũng có xu hướng tăng ở hầu hết quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận, mỗi năm hơn 19 triệu ca mắc mới ung thư và hơn 10 triệu người tử vong vì bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Các chuyên gia của Bệnh viện K cho hay, giống như xu hướng chung của thế giới số ca mắc ung thư tại nước ta cũng tăng lên. Tại Việt Nam, với dân số hơn 100 triệu dân, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 180.000 ca mắc ung thư mới.
Lý giải nguyên nhân số ca bệnh ung thư ngày càng gia tăng, PGS.TS.BS Vũ Hồng Thăng - Phó Trưởng Bộ môn ung thư, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, tình trạng này là do dân số tăng, tuổi thọ người dân tăng, nhất là ở các nước phát triển. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, công nghiệp hóa, nếp sống, thực phẩm, các chất kích thích như rượu bia… khiến tỷ lệ ung thư tăng dần theo thời gian.
Theo BS Thăng, nhờ biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, số lượng người phát hiện mắc ung thư cũng tăng. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tăng, nhưng phát hiện ở giai đoạn sớm khiến cho bệnh chữa trị dễ hơn, đồng nghĩa với số người chữa trị thành công tăng lên. Đồng thời, sự phát triển kinh tế - xã hội, truyền thông vào cuộc, tuyên truyền, người bệnh có điều kiện tiếp cận gần hơn với tiến bộ khoa học kỹ thuật để chữa bệnh.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra nhận định, không chỉ ca mắc mới tăng, đáng lo ngại hơn là ung thư tại nước ta cũng đang ngày càng trẻ hóa. “Các yếu tố bao gồm lối sống ít vận động ảnh hưởng đến sức khỏe, chế độ ăn uống không lành mạnh (ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối...). Bên cạnh đó là các thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... là một trong những lý do khiến ung thư ngày càng trẻ hóa ở nước ta”- PGS.TS Phương lý giải.
Các bác sĩ tại bệnh viện K khuyến cáo, cần tránh hút thuốc lá, bởi chủ động hay tiếp xúc khói thuốc trong thời gian dài là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Đồng thời, người dân cần xây dựng một chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc, và ít chất béo bão hòa, chuyển hóa, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Cùng với đó hãy nấu nướng đúng cách, thay vì chiên, rán ngập dầu, có thể hấp hoặc nướng. Sử dụng loại hộp đựng phù hợp với lò vi sóng. Tuyệt đối không ăn thực phẩm có dấu hiệu mốc hoặc có mùi.
Không nên lạm dụng rượu bia và sử dụng các chất kích thích khác và duy trì cân nặng hợp lý. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp xung quanh các chất gây ung thư và hóa chất công nghiệp, như đeo găng tay và đảm bảo không gian làm việc được thông gió.
Đồng thời, cần sàng lọc ung thư định kỳ, phù hợp với độ tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ. Bởi vì một số bệnh ung thư có thể tồn tại trong một thời gian dài trước khi chúng gây ra các triệu chứng, nên việc tầm soát và kiểm tra sức khỏe thường xuyên rất quan trọng.