Ngẫm về Xiếc - Bài 2: Bắt kịp xu hướng?
Xiếc là một loại hình nghệ thuật được các em nhỏ rất yêu thích, nhưng làm thế nào để thanh niên, người lớn thích cùng các em lại là một việc không dễ, đòi hỏi việc cập nhật xu hướng giải trí hiện đại đi đôi với nỗ lực thay đổi lối mòn tư duy từ các nhà quản lý. Không thể thiếu là sự nuôi dưỡng đam mê làm nghề bền bỉ từ các nghệ sĩ.
Sức hút đến từ đâu?
Trong vài năm trở lại đây, xiếc Việt tiếp tục cho thấy sức hút và tạo tiếng vang lớn khi gặt hái nhiều thành tích quốc tế. Điển hình nhất vẫn là trường hợp của anh em “Hoàng tử xiếc” Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. Tháng 2 vừa rồi, hai nghệ sĩ vừa lập thêm một kỷ lục thế giới cho mình tại Italy. Tiếp nối loạt thành tích đáng ngưỡng mộ từ trước đó.
Một trong những kỷ lục thế giới đầu tiên của hai nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là được Tổ chức Guinness World Records ghi nhận tại thời điểm trình diễn tiết mục chồng đầu giữ thăng bằng leo 90 bậc thang trong 52 giây tại Nhà thờ Chánh tòa ở thành phố Girona (Tây Ban Nha) vào tháng 12/2016. Năm 2021, cũng tại địa điểm này, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp tiếp tục xác lập kỷ lục Guinness leo 100 bậc thang trong 53 giây.
Sau thành công của Quốc Cơ – Quốc Nghiệp, khán giả Việt dường như bắt đầu có cái nhìn khác về xiếc: hấp dẫn hơn, thời cuộc hơn và quan trọng là tiếp cận được số đông khán giả. Ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho rằng, thành công của cặp nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp có một phần bắt nguồn từ yếu tố truyền thông.
“Tên tuổi của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp sở dĩ được công chúng quan tâm, đón nhận rộng rãi là bởi họ có chiến lược truyền thông tốt. Để tiếp thị cho các loại hình nghệ thuật biểu diễn, được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học, bài báo..., cần nhấn mạnh đến hoạt động phát triển khán giả”, ông Ngô Lê Thắng nói.
Theo ông Ngô Lê Thắng, thực chất, đó là việc xác định các nhóm đối tượng mục tiêu cho mỗi loại hình nghệ thuật. Ví dụ, khán giả mục tiêu của nghệ thuật múa rối, xiếc là thiếu nhi, còn đối với tuồng, chèo, cải lương là khán giả lứa tuổi trung niên... Như vậy, phát triển khán giả gồm hoạt động nghiên cứu nhu cầu khán giả mục tiêu, cung cấp các sản phẩm nghệ thuật, xác định giá vé, địa điểm biểu diễn cũng như hình thức truyền thông phù hợp.
Trong thực tế ngành Xiếc, bên cạnh trường hợp của Quốc Cơ – Quốc Nghiệp, các giải thưởng về xiếc trên trường quốc tế cũng giúp nâng tầm vị thế ngành Xiếc, từ đó đưa xiếc đến gần hơn với mọi đối tượng khán giả. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thông tin, cuối năm 2022, tiết mục “Đu son” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam giành giải “Vương miện vàng” tại Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022. Cũng tại kỳ Liên hoan này, Liên đoàn còn giành thêm giải "Ngựa Đồng".
NSND Tống Toàn Thắng nhận định, các giải thưởng tại Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 đã mang xiếc Việt đến gần với khán giả quốc tế. NSND Tống Toàn Thắng thông tin thêm, dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay, các chương trình của Liên đoàn Xiếc luôn rơi vào tình trạng “cháy” vé, các diễn viên phải tập luyện với cường độ cao trong 2 tháng qua để kịp phục vụ khán giả.
Nỗ lực gần khán giả
Nhận xét về sự hội nhập của xiếc Việt với thế giới, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhận định, nước ta hiện đã có sự đầu tư cho ngành Xiếc, dẫn chứng là các tiết mục được đầu tư công phu từ nội dung đến trình diễn. Tuy nhiên, xiếc Việt vẫn chưa thật sự có sức hút trong lòng khán giả.
“Song song với sự phát triển của xã hội, khán giả ngày nay đòi hỏi ở ngành Xiếc, ở các nghệ sĩ xiếc nhiều hơn không chỉ trong bằng các tiết mục truyền thống. Xiếc ngày nay muốn đến gần với khán giả cần đầu tư để nâng cao tính giải trí, kỹ năng, kỹ xảo trong các tiết mục”, ông Thắng nói.
Thực tế, hiện nay, có nhiều phụ huynh khi cùng trẻ nhỏ xem biểu diễn xiếc lại bị cuốn hút bởi loại hình nghệ thuật này. Không ít người đặt kỳ vọng vào tương lai của ngành xiếc nói riêng và xiếc Việt nói chung.
Chị Mỹ Linh (36 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị thường có thói quen xem xiếc cùng con gái mỗi dịp cuối tuần. Khi theo dõi các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, chị thấy được ánh mắt hào hứng, thích thú từ con trẻ. Tuy nhiên, chị cho rằng, các tiết mục này vẫn thiếu cảm xúc, thông điệp nếu dành những người lớn tuổi.
“Tôi thường đi xem xiếc mỗi dịp cuối tuần cùng con gái, phần vì bé thích và phần vì muốn gần gũi con trong ngày nghỉ. Điều khiến tôi vương vấn sau mỗi tiết mục là sự đầu tư, chỉn chu của các nghệ sĩ xiếc trên sân khấu. Tôi nghĩ xiếc Việt sẽ còn phát triển nếu có sự đầu tư đúng tầm, đặc biệt là đi theo xu hướng của thời đại, chuyển mình để phát triển, thu hút mọi đối tượng khán giả, không chỉ riêng trẻ nhỏ”, chị Linh nêu.
Cũng theo ông Ngô Lê Thắng, đối tượng thanh niên hiện nay có quá nhiều hình thức giải trí, quá nhiều vấn đề để quan tâm. Vì vậy, muốn thu hút đối tượng này, việc công nghiệp hóa văn hóa nghệ thuật tức là đưa văn hóa thành một ngành nghệ thuật, mang tính chất sản xuất hàng hóa, trong đấy các thành tố cấu thành phải đi đầu.
Ông Ngô Lê Thắng cho rằng, những chương trình giành cho thanh niên sẽ phải làm theo hướng bắt kịp xu thế hơn, phải phù hợp lứa tuổi. Cùng xem trong 60 phút nhưng lượng thông tin, cảm xúc đem lại cho thanh niên cũng phải lớn hơn so với thiếu nhi và khác với người lớn. Có như vậy thì xiếc mới thu hút số đông khán giả.
Trong các nghề có yếu tố biển diễn, xiếc là lĩnh vực nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất. Nhào lộn, đi thăng bằng trên dây, bay trên không trung, đế trụ... là những tiết mục xiếc hấp dẫn không thể thiếu nhưng thắt dây an toàn hay sử dụng lưới bảo hiểm thì không phải lúc nào cũng được phép thực hiện. Chính vì vậy, ở thời buổi cạnh tranh kinh tế thị trường không phải diễn viên xiếc nào cũng có đủ quyết tâm để theo được nghề. Có những trường hợp còn gặp phải chấn thương trong quá trình tập luyện, biểu diễn.
Diễn viên xiếc Chu Hồng Thúy – người gặt hái được nhiều thành công trong nghề khẳng định, xiếc Việt luôn có cơ hội tỏa sáng và thu hút khán giả.
“Mặc dù tồn tại những bất cập nhưng nhìn theo hướng tích cực, những tiết mục xiếc của nước ta thành công trên sân khấu quốc tế đều thể hiện được sự khác biệt, ghi dấu bản sắc Việt Nam. Kỹ thuật của xiếc thì không có quá nhiều khác biệt, nhưng để làm nên bản sắc riêng thì xiếc Việt Nam luôn giữ được hồn dân tộc từ kịch bản, âm nhạc, vũ đạo, trang phục và những đạo cụ đơn sơ như tre, nứa, áo tứ thân, nón quai thao…
Thực tế cũng cho thấy, nếu biết tìm tòi sáng tạo, khéo léo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, xiếc sẽ trở thành loại hình có ưu thế trong xu hướng hội nhập, được khán giả yêu thích so với các ngành nghệ thuật khác”, nghệ sĩ Chu Hồng Thúy nêu quan điểm.
(Còn nữa...)