Ngẫm về Xiếc - Bài cuối: ‘Chìa khóa’ mở tương lai

Bích Vân – Hoàng Vân 03/06/2023 09:00

Xiếc là bộ môn nghệ thuật có đối tượng khán giả rộng khắp từ trẻ em đến người lớn tuổi, là ký ức tuổi thơ của nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay phần đông đều cho rằng, ngành Xiếc đang bị thu hẹp, diễn viên khó sống được bằng nghề. Vậy những khó khăn đó có thực sự tồn tại, nếu có thì đến từ đâu, giải pháp nào để nâng tầm ngành Xiếc?

Xiếc Việt không ngừng tìm đường đến gần khán giả.

Khó khăn có thật

Gặp NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người được mệnh danh là “Hoàng tử trăn”, trong một trưa hè oi ả, chúng tôi nhận được những chia sẻ tâm huyết và gần gũi như chính tiết mục “xiếc trăn” đã làm nên tên tuổi của ông.

Nói về thực hư những khó khăn của ngành Xiếc, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, những điều khán giả nhận định có cái đúng, có cái chưa tiếp cận thực tế.

Theo nghệ sĩ, đến giờ phút này, phải nói rằng không riêng gì ngành Xiếc, mà các ngành nghệ thuật truyền thống khác cũng đang đối mặt với trở ngại rất lớn. Đó là việc phải cạnh tranh với sự bùng nổ của công nghệ, của giải trí, của truyền thông. Bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay, người dân có nhiều lựa chọn hơn về các hình thức giải trí. Chính vì vậy, ngày xưa, khi khoa học công nghệ, truyền thông chưa phát triển thì nghệ thuật truyền thống là độc quyền, người ta phải tìm kiếm nghệ thuật để thưởng thức. Còn bây giờ thì ngược lại, nghệ thuật, giải trí phải len lỏi đến từng cá nhân, từng ngóc ngách đời sống để tìm khán giả.

NSND Tống Toàn Thắng.

Theo NSND Tống Toàn Thắng, bài toán khó của ngành Xiếc là những thách thức đối nghịch với sự phát triển kinh tế thị trường. Đó là bài toán chúng ta cần hóa giải, phải đầu tư, thay đổi chính sách, thay đổi chế độ. Có vậy, mới khuyến khích được đội ngũ diễn viên, mới có chất liệu để xây dựng tác phẩm, để đưa các nghệ sĩ trở thành các ngôi sao.

Ngược lại nữa, nghệ sĩ xiếc bây giờ sống trong bối cảnh xã hội khác hoàn toàn, con người sống thực tế hơn, không còn quá đề cao lý tưởng, tinh thần đam mê mà chạy theo “cơm, áo, gạo, tiền” trong cuộc sống. Chính vì vậy, nhiều nghệ sĩ xiếc hiện nay không vượt qua được chính bản thân mình, đánh mất đam mê, mất tình yêu nghề và từ bỏ nghề. Bởi đơn giản họ cần điều kiện kinh tế.

Thêm vào đó, việc tuyển chọn nghệ sĩ mới cho các đơn vị nghệ thuật xiếc bây giờ rất khó. Bởi đầu ra ít, hơn nữa đơn vị phải có kinh phí đảm bảo thì mới thu hút được người tài. Chính vì vậy, nguồn nhân lực của xiếc rất là khan hiếm. Chưa kể đến việc các nghệ sĩ xiếc vẫn còn vướng tâm lý chưa thực sự an tâm làm nghề trong bối cảnh tập luyện gian khổ nhưng thời gian cống hiến, tuổi đời của nghệ sĩ rất ngắn, nguồn thu cũng chưa được nhiều.

Theo NSND Tống Toàn Thắng, khó khăn lớn nhất của ngành Xiếc hiện nay là đối mặt với nền kinh tế thị trường, có sự cạnh tranh rõ ràng giữa đơn vị Nhà nước và tư nhân. Trong khi các tổ chức xã hội hóa không bị ràng buộc về mặt cơ chế, thì những đơn vị sự nghiệp vẫn phải tuân thủ theo định hướng, chỉ đạo, cách tiếp cận ngành nghề của các đơn vị chính quy.

Thực tế cho thấy, các nghệ sĩ có thể ký hợp đồng với bất cứ trung tâm, khu giải trí nào nếu họ được trả lương cao. "Chúng tôi không có chế tài để quản lý họ trong khi các nghệ sĩ đều được Nhà nước đào tạo", NSND Tống Toàn Thắng nói và cho biết, ở các nước tư bản, họ có thể chuyển nhượng các nghệ sĩ, để các nghệ sĩ đến những nơi phù hợp nhưng phải có sự thỏa thuận, đồng ý của đơn vị chủ quản. Đó là thỏa thuận về mặt hành chính, kinh tế.

Tuy nhiên, NSND Tống Toàn Thắng khẳng định, đối với sự phát triển của ngành Xiếc thì nhận định trên là sai. Bởi ngành Xiếc Việt Nam là đơn vị đứng đầu, năm nay là năm thứ 67 rồi. Nếu không phát triển, duy trì truyền thống thì không bao giờ tồn tại được 67 năm.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn có sự phát triển riêng của minh dù trong tình hình khó khăn, đối mặt với sự biến động của xã hội cũng như xu thế bây giờ. Nếu mọi người quan tâm có thể thấy, hơn chục năm trở lại đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn luôn là đơn vị đứng đầu trong 12 nhà hát Trung ương.

Ngoài việc phát triển các chương trình, nâng cao tính nghệ thuật và thu hút được đối tượng khán giả thì Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng thành công rất lớn trên trường quốc tế. Khi có diễn viên đi thi đấu quốc tế, chúng ta sòng phẳng, chúng ta đoạt giải, chúng ta giành được các giải lớn của quốc tế. Đó là sự phát triển.

Tính nguy hiểm trong các tiết mục xiếc là yếu tố thường xuyên.

Đãi ngộ xứng đáng?

Nói về lĩnh vực khá nhạy cảm: đãi ngộ đối với nghệ sĩ xiếc, NSND Tống Toàn Thắng và ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (Trường Xiếc) đều thẳng thắn nêu vấn đề.

NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, chế độ hiện nay đối với nghệ sĩ xiếc là quá thấp so với sự cống hiến cho nghệ thuật và cường độ lao động của các nghệ sĩ. Dù tiền lương thì cũng như các ngành nghệ thuật khác, nhưng vì xiếc là ngành có đặc thù riêng, có sự nguy hiểm nhất định, nên chế độ luyện tập, chế độ bồi dưỡng chưa thỏa đáng cho các nghệ sĩ.

Lãnh đạo Liên đoàn cũng như đơn vị phải gồng mình lên để tìm nhiều cách tăng show biểu diễn cho nghệ sĩ hoạt động, rồi cũng phải có chế độ bồi dưỡng thêm. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi cốt lõi vẫn là chế độ. “Vấn đề này đã được nói rất nhiều rồi, cả Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề cập rất nhiều nhưng để thay đổi được cũng cần có thời gian”, NSND Tống Toàn Thắng thẳng thắn nói.

Các tiết mục biểu diễn cần sự phối hợp vô cùng ăn ý của các nghệ sĩ, nếu không sẽ có xác suất rủi ro cao.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Ngô Lê Thắng cho rằng, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm, thế nhưng “xứng đáng” hay chưa thì rất khó hình dung. Đã có sự ưu tiên, nhưng chưa đủ, nhiều khi còn thiếu ở chế độ hậu đãi.

Nêu ví dụ đối với ngành thể thao, lúc là vận động viên được là kiện tướng, giành được huy chương thì người đấy được ưu tiên tuyển thẳng vào Đại học. Các nghệ sĩ xiếc cũng đang được hưởng những ưu đãi nhất định như việc được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cho quá trình cống hiến, nhưng những chính sách sau đó cho người từng được thành tích cao, được huy chương quốc tế là chưa có. Tóm lại, chế độ sau quá trình cống hiến rất quan trọng.

NSND Tống Toàn Thắng cũng có cùng nhận định về việc hậu đãi. Bởi đối với ông, xiếc là một ngành nghề đặc thù, nên được hưởng chế độ đãi ngộ như thể thao. Bởi cường độ lao động của nghệ sĩ xiếc, ngoài đặc tính về sức khỏe, về thể chất còn có sự nguy hiểm nhất định.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Lê Thắng, mức thu nhập cơ bản của nghệ sĩ xiếc so với mặt bằng chung của xã hội được xem là ổn. Đối với một diễn viên xiếc mới ra trường, nếu các em được ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân, ngoài lương sẽ được hưởng các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kèm theo đó là những ưu đãi như hỗ trợ chỗ ở, tiền ăn…

Ông Ngô Lê Thắng cho rằng, mục tiêu đào tạo chính của Trường Xiếc là đào tạo diễn viên cho những đoàn chính quy của Nhà nước, nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường, nếu các chế độ chính sách hoặc những đãi ngộ không tốt thì trong vài năm tới, nguồn nhân lực này sẽ bị hao hụt, dẫn tới không đủ số lượng diễn viên cho những đoàn chính quy.

Các nghệ sĩ xiếc không ngại hóa thân để phù hợp với đối tượng khán giả thiếu nhi.

Hóa giải khó khăn

Xác định nguyên nhân lớn nhất của những khó khăn đối với ngành Xiếc hiện nay là khâu truyền thông, ông Ngô Lê Thắng cho rằng, ngành Xiếc cần một đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Nhìn ra thế giới, Xiếc đang có những sự phát triển rất khác nhau, khán giả cũng tiếp cận Xiếc theo những cách rất mới. Ở các nước trên thế giới, vai trò của tiếp thị văn hóa được đặt lên hàng đầu, còn ở nước mình, vé vẫn đang được bán theo dạng thủ công, có vở diễn thì mới rao bán vé. Thậm chí, nhiều người không biết rằng sẽ có vở diễn, nội dung vở diễn như thế nào? Tồn tại này thuộc về vấn đề tiếp thị văn hóa, công nghiệp hóa văn hóa.

Ông Ngô Lê Thắng cho rằng, muốn giải quyết được “nút thắt” trên, cần có một hệ thống “logistics” (tạm dịch: hậu cần) từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng. Trong quan điểm của nhiều người hiện nay, văn hóa chưa phải là một sản phẩm, nhiều người chưa coi văn hóa nghệ thuật là một loại hình sản phẩm đặc thù, sản phẩm tinh thần của xã hội. Nếu coi văn hóa là sản phẩm thì phải có quy trình đưa ra thị trường và phải có đường đi rõ ràng.

“Đâu đấy nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã manh nha có ở lĩnh vực điện ảnh còn ở các ngành nghệ thuật khác tôi nghĩ còn phải học hỏi nhiều, tiếp cận nhiều, đặc biệt là đối với những ngành nghệ thuật truyền thống”, ông Ngô Lê Thắng chia sẻ.

Nhiều nghệ sĩ xiếc có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã có nhiệt huyết rất lớn với nghề.

Đứng trên cương vị là người quản lý cơ quan đứng đầu ngành Xiếc, NSND Tống Toàn Thắng chỉ rõ, để phát triển ngành Xiếc, những người làm quản lý, làm lãnh đạo phải định hướng. Cụ thể, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cần làm sao để tìm cách nâng cao đời sống của các nghệ sĩ, từ đó tiếp tục truyền lửa đam mê cho họ.

Bên cạnh đó, muốn nâng cao được vị thế ngành Xiếc, ngoài việc cải thiện chế độ bồi dưỡng, chế độ lương thưởng, thì việc đầu tư công nghệ cũng nên được chú trọng. Ứng dụng công nghệ vào xiếc để làm sao theo được xu thế mới của thời đại, khi nhu cầu đối với xiếc của người dân hiện nay đã được nâng cao rất nhiều. Nếu không có sự đầu tư nhằm thay đổi nhãn quan để tiếp cận cách giải trí của khán giả thì rất khó.

“Phần nữa, cũng cần có tính lan tỏa để làm sao nhiều đối tượng là những người trẻ đam mê nghệ thuật xiếc, giống như chúng tôi ngày trước, lúc nào cũng đau đáu việc muốn trở thành một nghệ sĩ xiếc và chúng tôi bây giờ đã thành công”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Ông Ngô Lê Thắng.

Ông Ngô Lê Thắng cho rằng, khó khăn đối với ngành Xiếc rất nhiều, chưa nói đến việc phát triển, việc giữ vị thế cũng cần cả ngành Xiếc phải vận động. Hiện nay, xiếc không đơn giản chỉ là việc diễn trên sân khấu, bởi ngành Xiếc đang phải cạnh tranh với nhiều ngành khác. Tuy nhiên, đây là hướng cạnh tranh tích cực, cạnh tranh để phát triển. Đòi hỏi người đầu ngành phải có thông tin tổng thể, một mắt xích nằm trong chiến lược tiếp thị. Ngành Xiếc cần có một đội ngũ “Marketing” (tạm dịch: tiếp thị) chuyên nghiệp.

Bích Vân – Hoàng Vân