Có tiền không tiêu được, vì sao?
Những ngày này, Quốc hội tiếp tục bàn về nhiều vấn đề quốc kế dân sinh. Các phiên thảo luận tại hội trường hay thảo luận tổ, thì “câu chuyện tiền” luôn được nhiều đại biểu Quốc hội(ĐHQH) đặt ra.
Nói như ông Hà Sỹ Đồng (ĐBQH đoàn Quảng Trị), Việt Nam là một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được. Ông Đồng cho rằng đó là vấn đề nhức nhối, nhất là khi tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng tới giữa tháng 5 năm nay đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Văn Cường (ĐBQH đoàn Hà Nội), 1 triệu tỷ đồng còn nằm trong Ngân hàng Nhà nước là do không triển khai được thủ tục giải ngân vốn đầu tư công. Ông Cường cho rằng nếu chỉ bằng những biện pháp hành chính, dù mạnh, cũng khó có thể thúc đẩy được tiến độ giải ngân hiện nay bởi tâm lý e ngại, lo sợ trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, những vướng mắc của quy định pháp luật hiện khá phổ biến, nếu chờ sửa hết những quy định đó sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế đình trệ.
Từ đó ông Cường cho rằng rất cần có nghị quyết của Quốc hội cho phép các cơ quan thực thi công vụ “được quyền hành động trong khuôn khổ”, nếu thực hiện quy định đó sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho lợi ích chung. Từ đó sẽ tránh được chuyện cán bộ vin vào những quy định của luật pháp mà trì hoãn giải quyết các thủ tục, không chỉ trong đầu tư công mà trong cả các công việc khác.
Liên quan đến vấn đề vốn, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh không thể để doanh nghiệp (DN) phải đi xin, đi chạy. “Những việc gì cần làm để hệ thống DN phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì DN “đã gần đất xa trời” - ông An nói và chỉ ra 4 nút thắt mà DN đang gặp phải, đó là: thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đẩy đủ; thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông An cũng nêu thực tế về việc DN đang rất khát tín dụng nhưng khó tiếp cận được vốn. Nếu có tiếp cận được thì khó để giải ngân do điều kiện vay về thủ tục. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với DN.
Mà cũng không chỉ DN, người lao động cũng rất “khát tiền”, nhất là với những người thuộc diện được mua nhà ở xã hội. Với thu nhập thấp, nhà ở xã hội chính là mơ ước của người lao động. Bà Phan Thị Mỹ Dung (ĐBQH đoàn Long An) cho biết, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn vốn vay rẻ từ ngân hàng để mua nhà ở xã hội.
Ngày 1/6, phát biểu trước Quốc hội, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của DN khi vay vốn từ trước tới nay. Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cũng rất mong muốn, quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được thực hiện trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô về đảm bảo đại cục về kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng. Những giải pháp, liều lượng và thời điểm của chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng để tập trung hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN và người dân.
Thì đúng vậy. Ngân hàng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn cho hệ thống. Nhưng dẫu thế thì cộng đồng DN cũng rất cần được vay vốn với lãi suất thấp để cầm cự, phục hồi trong giai đoạn khó khăn này.
Vậy, làm gì để hài hòa quyền lợi giữa ngân hàng và DN? khi biết rằng ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh.