Mùa hè, đề phòng bệnh dại
Bệnh dại ở động vật, đặc biệt là thú nuôi trong gia đình như chó, mèo thường có nguy cơ tăng cao vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nóng bức là điều kiện cho virus dại phát triển. Người đã bị lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong 100%.
Nguy cơ bệnh dại bùng phát do nắng nóng
Hiện nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thông tin về trường hợp bệnh nhân nữ (38 tuổi, ở Vĩnh Phúc) đến viện trong tình trạng sợ nước, sợ gió.
Theo lời kể của người nhà, trước khi nhập viện khoảng 3 tháng, người phụ nữ này đã bị chó nuôi trong nhà cắn vào tay và lưng khi cho chó ăn. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi tiêm phòng... Trước khi vào viện, nữ bệnh nhân có biểu hiện sợ nước, sợ gió, buồn nôn, sốt nhẹ, khó nuốt, không uống được, hốt hoảng, kích thích khi có âm thanh tiếng động. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc điều trị 1 ngày nhưng tình trạng không cải thiện nên chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Kết quả thăm khám khẳng định bệnh nhân mắc bệnh dại. Sau đó, bệnh dại tiến triển nhanh, không thể cứu chữa, gia đình xin đưa về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà.
TS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương chia sẻ, trong mùa hè nắng nóng như hiện nay, có những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế người dân không nên chủ quan, những nhà nuôi chó nên đi tiêm phòng đầy đủ cho chó.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.
Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Sau khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay…thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Tiêm vaccine dại trước phơi nhiễm
BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hiện nước ta ghi nhận nhiều ca tử vong do bệnh dại với nguyên nhân là do đàn chó nuôi tăng theo thời gian, đặc biệt sau dịch Covid-19; chó nuôi thả rông, không rọ mõm, tỷ lệ tiêm phòng thấp; cơ quan thú y không thống kê được số ổ dịch dại, số chó chết vì dại; không xử lý vết thương đúng khi bị chó nghi/bị dại cắn; nghi ngờ vaccine dại gây hại.
BS Chính khuyến cáo, tiêm vaccine dại trước phơi nhiễm có nhiều lợi ích, như chỉ cần tiêm 3 mũi, linh động về mặt thời gian... Khi chẳng may bị chó, mèo cắn, lịch tiêm đơn giản hơn - chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine, không cần tiêm huyết thanh kháng dại cả khi vết thương nặng.
“Trong trường hợp không tiêm phòng dại trước khi bị chó, mèo cắn, phải tiêm 5 mũi với thời gian khắt khe trong 1 tháng. Nhất là vết thương nặng, vị trí trọng yếu, người bị cắn phải tiêm huyết thanh, ảnh hưởng tâm lý và sinh hoạt, cũng như chịu nhiều tác dụng phụ. Đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, huyết thanh kháng dại và vaccine không phải lúc nào cũng có sẵn. Ở thời điểm khan hiếm, nếu người dân bị động vật cắn, họ rất hoang mang và lo sợ” - BS Chính nhấn mạnh.
Với trẻ nhỏ, việc tiêm phòng dại trước phơi nhiễm có ý nghĩa quan trọng vì trẻ thường không để ý vết thương do động vật gây ra lúc chơi đùa, quên thông báo cho bố mẹ. Hơn nữa, trẻ em có chiều cao thấp, nếu bị chó cắn thì vết thương thường nằm ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn người lớn. Đây là nguyên nhân virus dại di chuyển nhanh lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh.
Các loại vaccine phòng dại thế hệ mới được chứng minh an toàn cho người. Vaccine được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, giảm nguy cơ tạp nhiễm, tăng hiệu quả kháng thể sau tiêm gấp 10 lần so với vaccine cũ. Vaccine không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ, giảm tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vaccine thế hệ cũ.
Bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, tỷ lệ tử vong gần như là 100% với người không tiêm chủng và huyết thanh sau khi nhiễm virus. Trong đó, 99% ca bệnh dại có nguồn lây từ chó nhiễm virus dại. Tuy nhiên, chó không phải nguồn lây virus dại duy nhất. Mèo, chồn, cầy, dơi và động vật có vú khác có thể lây truyền virus dại. Mùa hè với thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh, tiêm vaccine dự phòng là biện pháp dự phòng, giúp bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh dại.
5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm tử vong 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.