Cảm hứng Xứ Mường
Qua nhiều năm hoạt động nghệ thuật tại xứ Mường, cả 5 nghệ sĩ cùng chung mong muốn Hòa Bình - cái nôi, trung tâm của văn hóa Mường - có thêm nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ có niềm say mê sáng tác đang rất hiếm hoi tại mảnh đất này. “Xứ Mường” là cái tên được gợi ra, 5 nghệ sĩ thấy phù hợp để cho một triển lãm vừa diễn ra tại Hà Nội.
Mất gần hai năm để các họa sĩ gắn kết và suy ngẫm về việc sáng tác của mình, làm sao để những tác phẩm từ năm phong cách riêng biệt lại có chung một tiếng nói. Đó là điều không hề dễ dàng. Sau nhiều trăn trở, lựa chọn, mỗi họa sĩ chọn ra được bộ tác phẩm đồng thuận với chủ đề chung, mà vẫn giữ được dấu ấn cá nhân.
Trong quá trình thực hiện tác phẩm, năm nghệ sĩ chia làm hai nhóm tác phẩm. Một là nhóm điêu khắc và gốm với hai tác giả, nhóm thứ hai là tranh, có 3 họa sĩ. Nhóm điêu khắc và gốm làm tại xưởng của Hiếu Mường trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Nhóm thứ hai, mỗi họa sĩ tự sáng tác trong xưởng riêng của mình.
Với họa sĩ Nguyễn Giang Châu, một người con của xứ Mường, gia đình anh sống trên lòng hồ Hòa Bình, mênh mang sóng nước. Giang Châu đã có những năm tháng sáng tác rất nhiều, chỉ cần một cú hích, cần một câu chuyện rõ ràng để mở ra một tinh thần mới. Giang Châu đã thử nghiệm trên rất nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic… Lần này anh mang đến triển lãm đa số là những tác phẩm sơn mài, đồng bộ, thống nhất một ý tưởng “Xứ Mường”.
Họa sĩ Nguyễn Giang Châu chia sẻ: “Là một người con dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên nếp nhà sàn, cạnh con sông Đà, nơi được coi như một cái nôi văn hóa lớn trong cộng đồng người Mường ở Hòa Bình. Vậy nên không khó để nhận ra nguồn cảm hứng lớn được lấy làm nguyên liệu trong các tác phẩm của mình. Những hình ảnh như con tôm, con cá, ánh lửa bên bếp nhà sàn, mái tranh, vách đá tai mèo, hay hình ảnh các chị, các mế tắm dưới ánh trăng...”.
Với họa sĩ Trần Trung Dũng, trong tác phẩm của anh có được độ đằm, sau những năm tháng rong ruổi với một tâm niệm, sẽ vẽ ra những điều mang đầy hoài bão và ước vọng sâu thẳm từ trong anh. Sau nhiều trăn trở, Trần Trung Dũng có được bộ tranh đầy khắc khoải, ẩn dụ và hoài niệm trên tinh thần trừu tượng cùng các gam màu âm hưởng vang vang như tiếng chiêng của xứ Mường đã gắn bó với cuộc đời anh gần 20 năm qua.
Họa sĩ Lý Trực Sơn nhận xét về tác phẩm của họa sĩ Trần Trung Dũng: “Tôi thích vẽ ở trạng thái của Trần Trung Dũng, mong muốn biểu thị điều gì đó, mà chưa thể khẳng định phải làm như thế nào? Hoang mang mà hồi hộp trở thành năng lượng, khả năng thành công còn bấp bênh, vấn đề là tranh của anh, ẩn chứa điều gì đó. Điều gì đó, cái gì đó đã tạo ra giá trị nghệ thuật”.
Với điêu khắc gia Bùi Văn Đạo, là người gốc Mường, nên chất thơ xứ Mường ngấm sâu vào tác phẩm. Bùi Văn Đạo yêu quê hương như chính mình, tinh thần anh hòa quyện với tinh thần bản xứ. Chính vì thế, mỗi tác phẩm của anh được tạo nên từ mong muốn cống hiến cho linh hồn đất quê. Tác phẩm điêu khắc trên gỗ hay gốm của Bùi Văn Đạo đều từ nghiên cứu và tạo nên từ di sản văn hóa xứ Mường.
Trong triển lãm lần này, nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu - người sáng lập, chủ đầu tư và điều hành Bảo tàng Không gian văn hóa Mường vì thế được gọi với biệt danh “Hiếu Mường”, đã triển lãm bộ tác phẩm gốm trên men, đất của xứ sở. Bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày bộ sưu tập về văn minh vật chất văn hóa Mường, anh vẫn dành thời gian sáng tác cũng như kết nối với các nghệ sĩ tạo hình tham gia nhiều sự kiện văn hóa. Nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu đã được tặng thưởng nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế vì những đóng góp nhiệt huyết của mình. Về bộ tác phẩm gốm của nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu, họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng: “Gốm của Vũ Đức Hiếu, xuất sắc nghiêm túc, cẩn trọng, nghiên cứu hiểu biết kỹ lưỡng mà lại có trí tưởng tượng tạo hình phong phú. Anh làm được những tác phẩm hoàn hảo về kĩ thuật và thỏa mãn về yêu cầu thẩm mỹ”.
Nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ ý tưởng sáng tác của mình: “Trong quá khứ, Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng về truyền thống gốm với các sản phẩm gốm men trắng, men ngọc, men nâu, hoa lam… từ thời Lý - Trần trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gốm vẫn tồn tại trong đời sống như một lẽ tất yếu.
Ngày nay với sự phát triển đa dạng của xã hội và nhiều vật liệu mới ra đời cùng với sự tiện ích của công năng, có những giai đoạn tưởng chừng như gốm bị thay thế, nhưng cũng như với nhiều nghệ sĩ khác tôi nghĩ rằng gốm đã trở thành vật liệu và ngôn ngữ nghệ thuật để có thể thử nghiệm những sáng tác vượt ra ngoài kiểu dáng công năng mà cha ông đã từng làm. Với đất, nước, men... những vật liệu và kỹ thuật mà cha ông để lại với cách nhìn và những thử nghiệm mới hy vọng sẽ kết nối được truyền thống đến hiện đại ngày nay thông qua những tác phẩm được trưng bày”.
Họa sĩ Thu Trần lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân tộc miền núi, lần này, chị đi tìm chất liệu đất, đá và chủ đạo là giấy Giang, nhằm tạo nên cảm giác về tính chất phương Đông, với những ẩn dụ, bí mật của lòng đất, mạch nước ngầm hay núi lửa. Bộ tranh được chị sáng tác trong hai năm 2021 và 2022.
“Tôi đã giản lược tối thiểu, là những mảng phẳng như rêu phong và vết tích trong hang động xưa cũ còn in lại vết dấu về văn hóa của người Mường cổ, những nhịp điệu trong âm nhạc, như tiếng chiêng âm vang vào vách núi thẳm sâu. Là những tầng lớp của người Mường cổ, được âm hưởng từ di chỉ khảo cổ học của thế giới, chính là hang Đồng Nội và con sông Đà mang đầy sự sống cho cư dân vùng Tây Bắc rộng lớn”, họa sĩ Thu Trần tâm sự.
Thông qua triển lãm này, các họa sĩ mong muốn mang đến vẻ đẹp về xứ Mường cùng tiếng chiêng, văn hóa, ẩm thực từ di tích văn hóa riêng biệt độc đáo. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật của mỗi cá nhân để ca ngợi “Xứ Mường”, góp phần cho văn hóa “Xứ Mường” thêm những màu sắc mới.