Hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt
Độ “phủ sóng” của thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hình thành với nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn, từ siêu thị, nhà hàng đến chợ truyền thống với kỳ vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng tạo ra một hệ thống thanh toán hiệu quả, tiện lợi và an toàn.
Từ chỗ xa lạ cũng như tâm lý ngại tiếp xúc với công nghệ, tới nay thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hình thành thói quen với người tiêu dùng. Chị Ngô Bích Quyên (ngõ 97 Trường Chinh, quận Thanh Xuân) thường xuyên đi chợ dân sinh cho biết: Khoảng 1 năm nay tôi đi chợ không mang theo tiền mặt vì ngay cả những người bán thịt, cá, rau… đã sử dụng thanh toán không tiền mặt, chỉ một thao tác quét mã QR là xong giao dịch. Rất nhanh gọn và tiện lợi.
Trong chuyến đi Lạng Sơn mới đây, tới chợ Đông Kinh mua sắm, chị Mai Anh đã mua sắm khá nhiều thứ như: giày dép, túi xách, quần áo... mà không mang tiền mặt trong người. Tại chợ, các ki ốt, chủ hàng đều có sẵn mã QR để khách hàng tiện thanh toán. "Không chỉ những hàng hóa có giá trị lớn tiền triệu mà mua từ món hàng nhỏ 10 - 20 ngàn đồng, khách hàng cũng có thể quét mã QR. Tôi thấy rất văn minh khi mua sắm không dùng tiền mặt”, chị Mai Anh cho biết.
Tại xã Tân Cương (TP Thái Nguyên), thanh toán không tiền mặt đã trở nên thông dụng. Ông Ngô Văn Xuân - chủ hộ kinh doanh trà Thái Nguyên cho hay: Khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng quét mã QR để trả tiền hàng từ nhiều tháng nay. Hàng hóa gửi đi các tỉnh cũng được thanh toán dễ dàng bằng cách chuyển khoản. Nói chung thanh toán không tiền mặt thay bằng phải trả tiền mặt như trước đây khiến việc quản lý tiền hàng của tôi thuận lợi hơn rất nhiều.
Như vậy có thể thấy mua bán không dùng tiền mặt đang nhanh chóng “phủ sóng” rộng khắp. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị… Đánh giá về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Người tiêu dùng có thể thấy tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh, thậm chí là cả quán trà đá vỉa hè... đều thấy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, QR code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước nhiều lần.
Như qua phương thức QR code, năm 2022 tăng tới 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị so với năm 2021. So với cùng kỳ năm ngoái, 3 tháng đầu năm nay giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,5% về số lượng. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng hơn 88% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị. Trong đó thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh mẽ nhất với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Riêng giao dịch qua ATM giảm 2,73% về số lượng và 4% về giá trị.
“Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp người dân đảm bảo an toàn mà còn có kế hoạch kinh doanh, chi tiêu trong quản lý tài chính hiệu quả hơn", ông Tuấn nhấn mạnh.
Lý giải QR code trở thành xu hướng, theo ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), kể từ tháng 6/2021, khi dịch vụ Chuyển nhanh Napas 247 bằng mã VietQR do NAPAS phối hợp các ngân hàng thành viên triển khai, dịch vụ này đã có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng qua mỗi giai đoạn. Ở giai đoạn đầu triển khai, dịch vụ chuyển tiền qua mã VietQR đã đạt mức tăng trưởng bình quân mỗi tháng 65,5% về số lượng giao dịch và 160% về giá trị giao dịch. Bước sang năm thứ hai, dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng bình quân cao, ở mức 38,5% về số lượng giao dịch và 28% về giá trị giao dịch.
Ông Hùng phân tích, người dân sử dụng điện thoại di động cho các giao dịch tài chính ngân hàng nhiều hơn, mua hàng hóa dịch vụ, thanh toán tiện ích, chuyển tiền chủ yếu qua ứng dụng ngân hàng di động hoặc qua ứng dụng ví điện tử để thay cho tiền mặt. Và sự ra đời của phương thức VietQR đúng thời điểm, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán của người dân. Hơn nữa, quét mã VietQR để chuyển tiền mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng và chính xác cho người dùng.