Lọc trứng cóc để chế biến món ăn, hai mẹ con bị ngộ độc
Mặc dù đã lột bỏ da cóc và loại bỏ nội tạng, chỉ lấy phần thân để chế biến, nhưng thấy cóc đang có trứng, hai mẹ con đã lọc lấy bọc trứng để chế biến cùng thịt cóc.
Theo SKĐS, chiều tối 4/6, BS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thông tin, các y bác sỹ vừa cấp cứu 2 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn thịt và trứng cóc.
Bệnh nhân là mẹ và con gái trong cùng gia đình, nhập viện với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, tê bì chân tay. Riêng con gái 17 tuổi còn kèm thêm triệu chứng khó thở và đau tức ngực, loạn nhịp tim.
Trước đó, hai mẹ con làm thịt cóc để chế biến thức ăn. Mặc dù đã lột bỏ da cóc và loại bỏ nội tạng, chỉ lấy phần thân để chế biến, nhưng thấy cóc đang có trứng, hai mẹ con đã lọc lấy bọc trứng để chế biến cùng thịt cóc.
Sau bữa cơm, cả hai cùng xuất hiện đau đầu, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Các bệnh nhân được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện sơ cứu ban đầu và nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Sau 2 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, hiện tại, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Mặc dù khuyến cáo rất nhiều, song các vụ ngộ độc do ăn thịt cóc vẫn xảy ra. Vào đầu tháng 4 năm nay, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc. Dù được các bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực 30 phút, nhưng đáng tiếc 1 trong 3 bệnh nhân đã tử vong.
Theo TS.BS Hoàng Công Tình, cóc chứa chất độc ở trên toàn bộ da, tuyến nước bọt- mang tai, nội tạng và trứng. Cóc có thể gây độc trong toàn bộ vòng đời của chúng: trứng, nòng nọc, cóc con, cóc trưởng thành. Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch.
Vì vậy, người dân không nên thịt cóc để chế biến làm thức ăn vì nọc độc của cóc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.